Bài đăng viết: "Tại sao có một vài quán ăn lớn, đông khách nhưng không nhận thanh toán chuyển khoản nhỉ? Mã QR phổ biến rồi, mọi người (nhất là người trẻ) cũng quen sử dụng không tiền mặt nữa.
Bữa đói xỉu, tôi tới quán thấy thông báo này phải đi vòng vòng tìm cây ATM, vừa nóng vừa đói chỉ muốn lả đi. Trong khi một số nơi đi mua rau ở chợ hay thậm chí gửi xe có 3.000 đồng mà người ta vẫn cho. Cái này tui nghĩ nát óc vẫn không tìm được lý do".
Phiền khi thanh toán online nhưng hỏi mật khẩu WiFi
Một trong những lý do được đa số mọi người tán thành đó là hàng quán luôn đông khách, việc làm chẳng xuể để "tiếp thượng đế".
Theo chị Nguyễn Hương (từng làm cho một tiệm ăn lớn - PV), có rất nhiều lý do để nhà hàng, quán ăn sợ, không nhận chuyển khoản.
Đầu tiên, ngán nhất những người muốn chuyển khoản nhưng điện thoại chẳng có data 3G. Quán phải cho mật khẩu WiFi. Người dùng WiFi càng nhiều mạng càng chậm.
Điều đáng ngại nữa là bên trả đã thành công nhưng đợi mãi chẳng "ting ting", từ đó càng rườm rà hơn.
Phải chiều "thượng đế", vì thế đôi lần gặp cảnh trớ trêu khách mua 5.000 đồng nhưng chuyển 1 triệu đồng rồi "đòi thối 995.000 đồng tiền mặt".
Lừa đảo bằng hình thức làm giả hóa đơn giao dịch thành công cũng là lý do khiến các chủ nhà hàng khiếp đảm với kiểu trả tiền này. "Chủ tiệm chưa nhận được, còn khách thì bảo mạng chậm rồi rồ ga chạy mất", chị Hương viết.
Nhiều người xấu canh me để dán đè mã thanh toán QR. Đã mất nhiều nên chủ quán sợ. Nhưng nếu tiệm để mã QR ở nơi kín đáo hơn thì khách lại "chê" vì phải xuống xe, đi lại tận nơi.
Và đôi khi cũng phải thông cảm bởi những hàng quán lớn, đông khách thường người chủ đã lớn tuổi. Họ không biết dùng smartphone, thậm chí còn ít xài điện thoại.
Theo tài khoản Vũ Thanh Hải, lý do để nhà hàng từ chối quẹt thẻ khi thanh toán bởi thuế và phí quá cao. Chi phí lắp đặt máy quẹt thẻ POS thường có phí cao, chưa kể phải chịu phí khoảng 2% trên doanh thu mỗi giao dịch (thẻ nội địa), 2,5-3% trên doanh thu đối với thẻ tín dụng quốc tế. Cùng đó là đi kèm một số quy định về hạn mức giao dịch...
Không lẽ chịu thua, khăng khăng với tiền mặt?
Qua những chia sẻ của chị Nguyễn Hương, bất lợi cho việc thanh toán online đã rõ. Nhưng nhiều người cũng cho rằng thanh toán không tiền mặt luôn đúng, nhanh gọn và tiện lợi. Đặc biệt, thanh toán điện tử giúp lưu vết giao dịch dễ dàng, từ đó các cơ quan chức năng dễ dàng quản lý, truy vết chống gian lận. Vậy chả nhẽ chịu thua?!
Cộng đồng mạng tiếp tục bàn tán rôm rả.
Hòa - bạn đọc của Tuổi Trẻ Online - chia sẻ thanh toán không tiền mặt rất thuận tiện, quan trọng là phải trang bị máy quét thẻ POS, mã QR.
"Mình hay mua ở các cây xăng của Petrolimex có cho thanh toán online. Đổ xăng xong sẽ được dắt xe ra một điểm, lấy máy POS có hiển thị sẵn số cột xăng và số tiền, mã QR để quét. Khách quét mã xong, máy báo thành công luôn, không ảnh hưởng đến ai", tài khoản này viết.
Theo Bùi Đức Khang, anh ủng hộ việc thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ thì nên phục vụ WiFi công cộng và làm sẵn mã QR để giúp người dân chủ động thanh toán nhanh nhất có thể.
Theo chị Thúy, việc dùng thẻ chip để thanh toán một chạm, thậm chí không chạm, các máy quẹt POS chỉ cần đưa gần là xong. Hình thức thanh toán này không cần đến data 3G.
Độc giả Tuấn Lê chia sẻ chuyển tiền bằng tin nhắn SMS (Mobil Money) không cần 3G/WiFi, phù hợp cho những ai thanh toán online nhưng không có data.
Việc các ứng dụng ngân hàng tích hợp thanh toán ngay cả khi không bật data cũng là một tính năng giúp cải thiện, thúc đẩy thói quen không tiền mặt trong xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận