06/02/2025 10:55 GMT+7

Quán ăn 'chặt chém', xử lý tội cưỡng đoạt tài sản được không?

Nhiều bạn đọc đặt vấn đề có thể xử lý quán ăn 'chặt chém' tội cưỡng đoạt tài sản được không?

Quán ăn 'chặt chém', xử lý tội cưỡng đoạt tài sản được không? - Ảnh 1.

Hóa đơn người dùng mạng xã hội tố quán ăn ở Nha Trang "chặt chém" du khách - Ảnh: MINH HÀ

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, mới đây một quán ăn ở Nha Trang (Khánh Hòa) bị tố tính giá thức ăn trên trời, "chặt chém" khách du lịch nước ngoài.

Theo hóa đơn quán tính tiền, cà tím nướng mỡ hành 1.890.000 đồng/phần, rau muống xào tỏi 1 dĩa là 500.000 đồng - tổng cộng cả 2 dĩa hết 1 triệu đồng, phở bò/gà một tô 325.000 đồng, cơm trắng 250.000 đồng một phần - tổng 500.000 đồng, coca 2 lon hết 200.000 đồng, tiger cũng 100.000 đồng/lon.

Tổng tiền đồ ăn là 15.724.000 đồng, quán “phụ thu ngày Tết” 4.717.200 đồng, khách trả tổng cộng 20.441.200 đồng.

Kinh doanh "chặt chém" bao giờ mới chấm dứt?

Vụ việc có thể khiến du khách gần xa "tẩy chay" gây hệ lụy rất lớn đến hình ảnh văn hóa địa phương, rộng hơn nữa là đất nước. 

Nếu có một thống kê đầy đủ về nạn "chặt chém" hẳn con số sẽ không dừng lại ở mức cơ quan chức năng đã xử lý, mà còn có nhiều trường hợp im lặng không muốn phản ánh sự việc.

Du lịch không đơn thuần thu hút khách hàng mà còn tác động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. 

Hầu hết các sản phẩm có liên quan các ngành nghề khác từ trực tiếp tăng doanh thu cho tổ chức và cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch, cũng như kéo theo khâu tiêu dùng, giải quyết việc làm đến quảng bá sản phẩm tại điểm đến. 

Hưởng lợi trực tiếp không ai khác chính là người dân bản địa làm dịch vụ, buôn bán nơi đó.

Sau những lần những cái tên "chặt chém" bị phát hiện, chính quyền, cơ quan chức năng lại vào cuộc xử lý. 

"Thủ phạm" lắm khi bị nhắc nhở, phạt hành chính, hay phạt tiền theo quy định cũng không đủ sức răn đe. 

Tên quán ăn có thể thay đổi, di dời địa điểm, thậm chí giải thể cơ sở cũ để lập mới. Cứ thế sau một khoảng thời gian đâu lại hoàn đấy trong khi tình trạng "chặt chém" vẫn diễn ra.

Không phải tự nhiên hay vô cớ mà người thân, bạn bè và nhiều tour du lịch cảnh báo các du khách, người nước ngoài khi đến Việt Nam nên lưu ý đề phòng rủi ro "chặt chém". 

Người viết trong các chuyến đi du lịch trong nước không ít lần nghe hướng dẫn viên cảnh báo những điểm đến, nơi bày bán sản phẩm, quán ăn có giá cao bất thường. Như khi đến một chợ truyền thống nổi tiếng, trước khi du khách xuống xe, hướng dẫn viên căn dặn "đừng ngại mặc cả, trả xuống nửa giá, ở đây người bán nói thách dữ lắm".

Thế nên khi tới chợ thấy bán nhiều đặc sản địa phương, du khách muốn mua nhưng không biết giá thực là bao nhiêu, cứ đứng thăm dò để xem người khác mua rồi mới trả giá, kỳ kèo rất lâu. 

Nhiều người sợ bị "hố" chỉ dạo bộ tham quan là chính, đến nơi đó để tận mắt chứng kiến cảnh sinh hoạt chợ nổi tiếng mà bấy lâu nay chỉ biết qua lịch sử, sách báo. 

Du khách bị "chặt chém" sẽ lưu ý cho người đi sau, hướng dẫn viên nhắc nhở du khách trước khi đến tham quan du lịch, tiếng xấu đồn dần sẽ lan truyền.

Nhiều nơi chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã phải lên tiếng xin lỗi và tặng quà bù đắp cho những nạn nhân bị "chặt chém". Thế nhưng, đâu thể cứ tái diễn những hành vi "chặt chém" lại phải xin lỗi, bù đắp phần nào thiệt hại cho nạn nhân là xong. 

Thực ra, không chỉ ở nước ta, tại các nước khác cũng có những tình huống cơ sở kinh doanh, quán ăn bị khách hàng tố "chặt chém". Quan trọng là các biện pháp sau đó, xử lý vi phạm, răn đe những trường hợp "chặt chém" và ngăn ngừa tái phạm.

Thái Lan có hẳn cảnh sát du lịch theo dõi giám sát thường xuyên, kịp thời can thiệp và xử lý nghiêm các vi phạm. Nước này ngoài phạt khoản tiền khủng gấp hàng ngàn lần số tiền "chặt chém" còn có thể khởi tố, xét xử và phạt tù người kinh doanh gian lận, bán hàng rong cân thiếu cho du khách.

Xử phạt tội cưỡng đoạt tài sản được không?

Nhiều bạn đọc đặt vấn đề có thể xử lý quán ăn "chặt chém" tội cưỡng đoạt tài sản được không?

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết: Hành vi quán ăn "chặt chém" khách du lịch có thể bị xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản theo điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nếu có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

Tội cưỡng đoạt tài sản có thể được xác định khi người phạm tội có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực này có thể là: Đe dọa gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng. Ép buộc nạn nhân phải giao tiền/tài sản trong tình trạng lo sợ...

Đối với thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng để uy hiếp tinh thần của người có tài sản hoặc của người có trách nhiệm về tài sản như: 

Dọa sẽ tố cáo việc phạm tội hoặc việc làm sai trái của người có tài sản, dọa sẽ gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín nếu người bị uy hiếp không thỏa mãn yêu cầu chiếm đoạt của người phạm tội.

Trong những trường hợp "chặt chém" khách du lịch nếu người của quán ăn chỉ tính giá cao bất hợp lý nhưng khách tự nguyện trả tiền, thì đây là vi phạm hành chính về giá cả, có thể sẽ bị xử phạt hành chính

Nếu người của quán ăn có hành vi đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc sử dụng các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần khách hàng để lấy tiền thì có thể bị xử lý về tội cưỡng đoạt tài sản.

Quán ăn 'chặt chém', xử lý tội cưỡng đoạt tài sản được không? - Ảnh 3.Đoàn kiểm tra đến làm việc quán ăn ở Nha Trang bị tố 'chặt chém', không gặp được chủ quán

Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND TP Nha Trang đã đến làm việc với chủ quán Aroma Beach ở Nha Trang. Tuy nhiên đoàn không gặp được chủ quán này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên