28/02/2013 10:22 GMT+7

"Quái vật" tham nhũng và những nạn nhân

NGUYỄN CAO TRÍ
NGUYỄN CAO TRÍ

TT - “Sâu” là từ quá “hiền” để chỉ tham nhũng. Phải gọi nó là “quái vật” mới đúng! Con quái vật vô hình vô tướng này đang gây ra những tổn thất nặng nề tại bất cứ nơi nào nó xuất hiện.

Người ta đã nghe nhiều những trường hợp, chẳng hạn một cậu ấm con quan to lái chiếc Ferrari Spider chở hai cô gái trong tình trạng khỏa thân đã lạc tay lái đâm đầu vào tường khiến xe gãy làm đôi. Nhưng người ta ít khi được nghe những gì mà bố cậu ấm cùng bọn hủ lậu tương tự đã gây nên tổn thất gì đối với đất nước đó.

Tham nhũng, như Christian Caryl viết trên Foreign Policy (8-11-2012), đang trở thành một trong những vấn đề chính trị quyết định của thế kỷ 21. Tại sao tham nhũng vẫn tồn tại và ngày càng trở thành một vấn đề toàn cầu? Đơn giản đó là vì lòng tham quyền lực vô hạn. Quyền lực dẫn đến quyền lợi và sự tham lam quyền lợi dẫn đến hủ hóa. Tham nhũng do vậy đã thâm nhập và tấn công đầu tiên vào hệ thống chính trị.

deaAD0Xf.jpgPhóng to
Người dân Peru phẫn nộ khi xìcăngđan tham nhũng của “cặp đôi hoàn hảo” Alberto Fujimori và Vladimiro Montesinos bị phanh phui - Ảnh: Reuters

Một khi chiếc ghế được mua bằng tiền

Ngay ở chương một quyển Global corruption: Money, power, and ethics in the modern world, tác giả Laurence Cockcroft (một trong những người sáng lập Tổ chức Minh bạch quốc tế) đã đặt ra một số câu hỏi, rằng khi Đảng Dân chủ tự do ở Nhật bị mất quyền vào năm 2008 thì liệu có phải đó là do tổ chức tội phạm yakuza cuối cùng đã quyết định rằng chỉ bằng cách ủng hộ đảng đối lập thì chúng mới có thể thoát được những tội ác gây ra và đang bị cánh Dân chủ tự do đưa vào tầm ngắm? Rằng sự ủng hộ từ Tập đoàn truyền thông Rupert Murdoch khi “chống lưng” cho David Cameron và Đảng Bảo thủ trong cuộc bầu cử năm 2010 tại Anh có phải là thủ đoạn mà Murdoch sử dụng để giúp kiểm soát tuyệt đối BSkyB (hãng truyền hình vệ tinh lớn nhất nước Anh)?...

Trong cuộc bầu cử năm 2003 tại Nga, Cockcroft kể tiếp, với một động thái mà sau đó đưa mình vào tù, trùm dầu hỏa Mikhail Khodorkovsky đã chi 100 triệu USD để ủng hộ 100 trong 450 dân biểu hạ viện. Tại Uganda, Yoweri Museveni, dù ngồi ghế tổng thống từ năm 1986 đến nay vẫn không thể “dứt ra” được khỏi “trách nhiệm nặng nề với dân với nước”.

Để củng cố chiếc ghế tổng thống cũng như giành đa số trong quốc hội, năm 2010 Đảng Phong trào kháng chiến quốc gia của Museveni đã hào phóng chi 10.000 USD cho mỗi dân biểu. Và trong cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội năm 2011, ít nhất 10 triệu cử tri Uganda cũng được “tặng” tiền mặt với tổng cộng 200 triệu USD.

Tiền từ đâu mà chi, từ quỹ đen riêng của Museveni? Còn khuya! “Lấy mỡ nó rán nó”! Hai tháng sau cuộc bầu cử, Ngân hàng Trung ương Uganda đã cho chính phủ “vay” 750 triệu USD để mua 14 chiếc máy bay Sukhoi Su-30 mà thật ra giá đơn hàng chỉ là 330 triệu USD!

Một trong những dấu chỉ cho thấy sự thoái trào của nền chính trị trong sạch là sự hình thành tình trạng mua quan bán tước. Theo Laurence Cockcroft, Tổ chức Minh bạch quốc tế từng ghi nhận vào năm 2005 tại Nga rằng một ghế thứ trưởng có thể được bán từ 8-10 triệu USD; năm 2006 ghế quốc hội được “niêm yết” với giá 2 triệu USD... Thị trường “mua chỗ” tại Nga thời điểm đó còn thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác: giá để vào những trường đại học danh tiếng là 30.000-40.000 USD; giá để tránh đi nghĩa vụ quân sự là 1.500-5.000 USD.

Cái thời nhiễu nhương mà đồng tiền có thể mua được tất cả còn thể hiện ở một vụ vào năm 1991, khi trùm giang hồ St. Petersburg Anatoly Vladimirov đã chi đậm cho một viện nghiên cứu thiên văn để tên mình được đặt cho một ngôi sao (“Anvlad”)!...

Với Trung Quốc, nơi mà người dân thường “cười buồn” khi nói đến “thanh quan hậu chứng quần” (hội chứng quan thanh liêm - ám chỉ ở một nơi mà nạn tham nhũng đã trở thành đại dịch không thuốc chữa thì quan chức trong sạch trở nên hiếm đến mức có thể được xếp vào loại “bất thường”, một kiểu “hội chứng”), sự bùng nổ của thị trường “mũ chuồn, áo thụng, thẻ bài ngà” đã lan rộng đến mức không thể kiểm soát - như được kể trong quyển The Party: The secret world of China’s communist rulers của nhà báo Richard McGregor. Một vụ điển hình gần đây: theo Epoch Times (2-7-2012), phó tỉnh trưởng tỉnh Sơn Đông Hoàng Thắng đã bị sa thải (vào tháng 6-2012) tội “kinh doanh” chức vụ. Với ghế cấp thị, Hoàng ra giá 500.000 tệ (79.000 USD) và với ghế một văn phòng địa phương, Hoàng “bán” với giá 100.000 tệ (15.000 USD)...

Một điển hình

Kenyi Fujimori - 15 tuổi, con của (cựu) tổng thống Peru Alberto Fujimori - đang xuất hiện trên chương trình truyền hình “Tiempo Nuevo” (Thời đại mới) chiếu vào chủ nhật. Cậu bước ra từ phòng tắm, nhìn vào ống kính mà anh Hiro mình đang quay và ngoác miệng cười.

Kenyi có nhiều lý do để tự mãn và hài lòng. Thế giới này là của cậu. Trên màn hình truyền hình, con số “1996” nằm ở góc trái bên dưới. Phải bốn năm nữa Kenyi mới nhận ra rằng đất nước Peru không phải của riêng mình. Đột nhiên, cảnh trên màn hình chuyển sang cuộc gặp giữa Tổng thống Fujimori và trùm tình báo Vladimiro Montesinos. Fujimori hỏi cậu con trai đang chĩa ống kính quay (như một thú giải trí của cậu): “Máy có ghi âm không?”.

Ông lo ngại cuộc nói chuyện với Montesinos bị tiết lộ... Chuyển sang một cảnh khác. Kenyi và đám cận vệ đang leo núi. Chiếc trực thăng bay sau lưng và phía bên dưới là hàng trăm nông dân. Họ được huy động để sẵn sàng giúp một khi có sự cố. Kenyi vác khẩu súng trường. Cậu bắt đầu rú thất thanh rồi hát. Cậu chĩa súng vào con chó cưng Tauro. Kenyi không bóp cò. Cậu ôm con chó lên, nói: “Chó ở đất nước này biết chăm lo cho lính tráng còn hơn bọn đàn bà”. Kenyi tè lên con chó, trước mặt đám nông dân...

Đó là một trong nhiều buổi trên chương trình “Tiempo Nuevo”, sau khi chế độ Fujimori sụp đổ và người ta lấy những cuộn băng hình gia đình trong dinh tổng thống thời Fujimori đem chiếu công khai.

Trong nhiều băng hình tịch thu được (và công chiếu), còn có những cuộn băng của Montesinos - sếp Cơ quan An ninh quốc gia (SIN). Một trong những đoạn video chiếu trên truyền hình là cảnh Montesinos đang chia 2 triệu USD cho Eduardo Calmell del Solar (tổng biên tập tờ Expresso, theo chính kiến ủng hộ Fujimori), Vicente Silva Checa (giám đốc Đài truyền hình cáp địa phương CCN) và một tướng quân đội. Vụ hối lộ là màn đấm mõm của Montesinos nhằm dọn đường cho cuộc tái tranh cử của Fujimori. Trước khi cơn lũ “Vladivideos” xuất hiện, đoạn phim đầu tiên dùi lỗ thủng vào bức tường chính thể Fujimori là cuộn băng ghi hình cảnh Montesinos đang hối lộ dân biểu Alberto Kouri...

Khi vụ việc đổ bể, Montesinos trốn chạy. Trong cuộc săn lùng, cảnh sát Peru đã phát hiện chỗ trú bí mật mà Montesinos xây từ những ngày còn ngồi ghế giám đốc SIN, như thể đương sự biết thế nào cũng có lúc cần đến. Đó là một ngôi nhà ở bãi biển cách Lima 32km. Những gì cảnh sát Peru phát hiện từ “hang ổ” của Montesinos có thể khiến... điệp viên James Bond 007 cũng phải xấu hổ!

Nơi Montesinos hiện “trú” là nhà tù Callao. Tương tự, Alberto Fujimori, hiện 74 tuổi, cũng đang ngồi gỡ lịch. Đương sự đã bị “hành” với bốn phiên xử khác nhau (gần nhất là tháng 9-2009). Trong báo cáo 2004, Tổ chức Minh bạch quốc tế đã xếp chính phủ của Fujimori đứng thứ bảy trong danh sách các chính thể tham nhũng tồi tệ nhất thế giới trong hai thập niên.

Trường hợp Fujimori và Montesinos đã cho thấy yếu tố “hệ thống” của tham nhũng chỉ có thể hình thành từ những móc nối chính trường, tạo nên cái gọi là “nhóm lợi ích” thi nhau lũng đoạn kinh tế lẫn hệ thống chính trị. Và một chế độ hủ lậu sẽ tạo ra những sản phẩm lãnh đạo hủ lậu. Một guồng máy công quyền tồi tệ sẽ có những chính sách bất cận nhân tình. Một đất nước bị “đè đầu” bởi tham nhũng sẽ sinh ra một xã hội lao nhao bất an.

(Nguồn: Global corruption: Money, Power, and Ethics in the Modern World, Laurence Cockcroft, University of Pennsylvania Press, 2012. Waging War on Corruption: Inside the Movement Fighting the Abuse of Power, Frank Vogl, Rowman & Littlefield Publishers, 2012)

__________________________________

Kỳ tới:

NGUYỄN CAO TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên