Trên các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok, không khó để tìm các group vận hành dịch vụ thử lòng. Số lượng thành viên những nhóm này dao động từ vài trăm cho đến hàng ngàn người.
Còn nếu gõ từ khóa "test người yêu" trên TikTok, trong số các hashtag nền tảng này trả về có cái lên đến... hơn 195 triệu lượt tìm.
Một dịch vụ khó hiểu
Điều đó phản ánh rất rõ nhu cầu thử người yêu của các cặp đôi cũng như hoạt động sôi nổi của dịch vụ lạ đời này.
Theo tìm hiểu, dịch vụ "test người yêu" chỉ mới nở rộ trong thời gian đầu năm 2023. Số người tham gia các group "test người yêu" cũng như tìm kiếm cụm từ này tăng đều theo từng ngày.
Đa phần trong các group, tester là người đăng bài nhiều nhất để chào mời. Người xem chỉ cần bình luận hoặc like bài viết, lập tức tester chủ động nhắn tin trao đổi. Dịch vụ ăn khách đến nỗi nhiều bài viết đăng chưa đầy một tiếng đã thu hút hàng chục bình luận.
Giá mỗi case (trường hợp) dao động từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí nhiều người nhận test miễn phí để lấy kinh nghiệm. Bên cạnh đó còn có các gói đặc biệt theo tháng, theo mục đích cá nhân, khi đó giá lên đến vài triệu đồng.
Đáng nói, không chỉ thử lòng mà những ai muốn chia tay người yêu nhưng chưa tìm ra lý do sẽ có những tester sẵn sàng vào vai "trà xanh" để gạ gẫm, thu thập bằng chứng tạo cớ chia tay.
Trong các phương pháp "phá vỡ hạnh phúc", có nhiều chiêu khó tin như gửi thư giả người yêu cũ đến tận nhà, ghép ảnh thân mật, giả dạng tin nhắn...
Một người thử bình luận vào bài viết giới thiệu dịch vụ trong group "test người yêu" hơn 800 thành viên do tài khoản Linh đăng tải. Khoảng 5 phút sau, Linh chưa liên hệ mà một cô gái khác đã chủ động nhắn tin chào mời.
Càng bất ngờ khi sau đó có thêm ba lời giới thiệu dịch vụ tương tự. Việc các tester liên tục chèo kéo khách, thậm chí tranh giành với nhau, đủ cho thấy "test người yêu" đang rất ăn nên làm ra.
Mê hoặc chỉ trong 1-2 ngày?
Vào việc, Linh đưa ra ba gói dịch vụ "test người yêu" gồm nhắn tin thử lòng, gạ gẫm yêu nhau, rủ đi chơi... và bước cuối cùng là dụ dỗ chia tay người yêu.
Để tạo tin tưởng, cô gái trẻ khoe thành tích mình đã test thành công đến hơn 80%, thậm chí từng khiến nhiều anh "dính" không gỡ được.
Trước khi tester giăng bẫy, người thuê cần cung cấp thông tin sở thích, công việc, nơi ở, số điện thoại hoặc tài khoản Facebook.
Chỉ cần bấy nhiêu, những tester này đã có thể khiến nhiều người "lộ mặt" như cách họ quảng cáo. Các tester chắc chắn đến nỗi không yêu cầu người thuê phải thanh toán tiền trước, sau khi hoàn thành nhiệm vụ mới nhận tiền.
Để dễ dàng thu hút "con mồi", hình ảnh đăng tải trên tài khoản của Linh cũng như các tester hành nghề đều rất xinh đẹp, sang trọng. Cách nói chuyện của họ vô cùng ngọt ngào và tỏ ra thấu hiểu đối phương vì đã được cung cấp thông tin từ trước.
Trong suốt quá trình test, tester sẽ báo cáo tiến độ đều đặn với người thuê. Đến khi đối tượng thử lòng "sa ngã", tester sẽ ngừng để đưa bằng chứng hoặc cung cấp thêm một dịch vụ cuối "độc" hơn. Để tìm hiểu chiêu cuối này, chúng tôi thử liên hệ một tester khác có tài khoản tên Nhi có lời cam kết "không đổ không lấy tiền".
Cô gái này khuyến cáo trước: "Em làm ít khi thất bại, chỉ sợ chị buồn nhưng nếu cần thiết thì em sẵn sàng trap ổng cho chị".
Theo chia sẻ của Nhi, dịch vụ có tên "trap người yêu" là bước trả đũa khi tình yêu bị lừa dối. "Nghĩa là em sẽ làm cho người yêu chị thích em thật, sau đó hẹn đi chơi đủ kiểu cho ổng khoái rồi đá ổng", Nhi giải thích thêm.
Khi được hỏi có sợ bị phát hiện không thì cả Linh và Nhi tự tin cho biết những tester như hai cô thường có rất nhiều tài khoản, hình ảnh đa phần là lấy trên mạng, chẳng bao giờ dùng tên thật để làm việc nên không lo bị phát hiện.
Khi tình yêu thiếu sự tin tưởng
Từ những thông tin của các tester "flex" thành tích, cùng với số ít bài đăng của người sử dụng dịch vụ, có thể thấy đa phần người có nhu cầu thuê thường dưới 25 tuổi.
Người thuê thường chỉ test người yêu, người thân hoặc bạn bè. Trường hợp test vợ/chồng vẫn có nhưng rất ít.
Thử làm một tester tìm nguyên nhân, chúng tôi nhận được câu trả lời hết sức cảm tính của người thuê tên Thanh Ngân. Cô 23 tuổi, có người yêu lớn hơn 1 tuổi, lý do cô tìm tới dịch vụ là vì thời gian gần đây thấy người yêu thường giấu cô nhắn tin cười mỉm một mình.
"Hỏi thì ảnh nói nhắn với bạn, nhưng chẳng ai nói chuyện với bạn bình thường mà suốt ngày tủm tỉm", Ngân nói.
Không biết liệu còn nguyên nhân sâu xa nào không, nhưng nếu chỉ với lý do đơn giản như vậy mà đã nghi ngờ thì tình yêu của những người như Ngân nên cần phải "xem lại".
Trường hợp cô gái tên My đang tìm tester thử lòng người yêu là sinh viên còn khó hiểu hơn. Anh chàng mà cô này thích học một trường khác, chỉ vì dạo gần đây trả lời tin nhắn chậm nên My nghĩ rằng anh ta có "" và cần phải kiểm chứng.
Trừ một số trường hợp muốn thử cho biết thì đa phần khách hàng dùng dịch vụ luôn trong trạng thái bất an về tình cảm vì khoảng cách địa lý hoặc thái độ của đối phương. Cũng có nhiều lý do được đưa ra hết sức trẻ con như trả lời tin nhắn lâu, thả tim hình gái lạ, không online đúng giờ...
Còn với số ít những người test vợ/chồng, lý do họ đưa ra là vì nghe những lời không hay từ người ngoài. Đặc biệt, đối với những người ở nhà làm nội trợ, đang mang thai không thể tự mình kiểm chứng sẽ thường tìm tới dịch vụ này.
Tình yêu mình sao nhờ người khác thử hộ?
ThS Lê Minh Huân (giám đốc Công ty TNHH ứng dụng tâm lý - giáo dục An Nhiên) cho biết người trẻ sử dụng dịch vụ này không chỉ trẻ ở độ tuổi mà còn có thể là những người thiếu chín chắn trong chuyện tình cảm.
"Tình yêu của những người chưa trưởng thành thường dễ mâu thuẫn, xung đột, hành xử với nhau đôi khi còn chủ quan. Việc tìm đến dịch vụ thử lòng ít nhiều đã phản ánh niềm tin của họ với người kia rất mong manh", ThS Huân nói.
ThS Huân cho rằng việc các tester khẳng định tỉ lệ test thành công cao là dễ hiểu. Những lý do khiến người bị test thường sập bẫy có thể là mối quan hệ của họ đang trong tâm thế tìm hiểu, nên việc gật đầu trước một cuộc hẹn bình thường là không hiếm.
Chưa kể khi đang cãi nhau, hiểu lầm mà có người quan tâm, đồng cảm thì mức độ test sẽ thành công cao hơn.
Dù tỉ lệ thành công là bao nhiêu thì đằng sau mỗi case thành công sẽ là một chuyện tình "thất bại". Một khi đã sử dụng dịch vụ thử lòng thì bản thân người đó đã mất đi sự thật lòng, công bằng và văn minh trong chuyện tình cảm. Nếu thử lòng thành công, mối quan hệ có thể sẽ đi vào ngõ cụt.
"Thậm chí nếu người bị test "vượt ải" thì chắc gì sẽ không bị thử thêm nhiều lần nữa vì vốn dĩ họ đã mang lòng ngờ vực", ThS Huân bày tỏ.
Theo đó, người sử dụng dịch vụ cũng cần soi xét lại chính mình, nếu yêu thật lòng và đủ sự tin tưởng để cải thiện tình cảm, mối quan hệ thì sao lại đặt bản thân vào thế "thất sủng".
Thay vì nghĩ cách thử lòng, ThS Huân khuyến khích những cặp đôi đang ngờ vực nhau hãy thẳng thắn và nghĩ cách phát triển mối quan hệ sao cho tốt đẹp nhất có thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận