Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio (trung tâm), Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Úc Anthony Albanese dự hội nghị thượng đỉnh nhóm QUAD ở Tokyo (Nhật Bản) vào ngày 24-5 - Ảnh: Kyodo
Ngày 24-5, các nhà lãnh đạo nhóm "Tứ giác kim cương" (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc) đã ra tuyên bố phản đối mọi nỗ lực nhằm "thay đổi hiện trạng bằng vũ lực". Tuyên bố được đưa ra vào ngày cuối cùng trong chuyến công du châu Á lần đầu tiên trên cương vị tổng thống của ông Joe Biden.
Bàn về thách thức ở Biển Đông
Tuyên bố chung của các nhà lãnh đạo nhóm QUAD sau hội nghị thượng đỉnh ngày 24-5 đã tránh đề cập trực tiếp Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Hãng tin AFP, những hàm ý gửi thông điệp tới Trung Quốc là rất rõ khi đề cập một loạt động thái Bắc Kinh bị cáo buộc thời gian qua.
"Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động ép buộc, khiêu khích hoặc đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng và gia tăng căng thẳng trong khu vực, chẳng hạn quân sự hóa các thực thể còn tranh chấp, sử dụng một cách nguy hiểm các tàu tuần duyên và lực lượng dân quân biển cùng các nỗ lực nhằm làm gián đoạn những hoạt động khai thác tài nguyên ngoài khơi của các nước khác" - tuyên bố chung của QUAD nêu.
Tuyên bố cũng nhấn mạnh về "những thách thức đối với trật tự dựa trên luật lệ hàng hải, gồm ở Biển Đông và Biển Hoa Đông". Họ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật quốc tế và cam kết duy trì tự do hàng hải, hàng không để đối phó những thách thức này.
Hãng tin AFP nhận định Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang cố gắng xây dựng nhóm QUAD thành một đối trọng thực chất hơn trước sức mạnh quân sự và kinh tế đang tăng lên của Trung Quốc bất chấp những khác biệt giữa họ.
Ngoài các tuyên bố liên quan khu vực, các nhà lãnh đạo QUAD cũng đã tiết lộ kế hoạch đầu tư ít nhất 50 tỉ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng trong khu vực trong 5 năm tới và một sáng kiến giám sát hàng hải được cho là nhằm tăng cường cảnh giác hơn với các hoạt động trên biển của Trung Quốc.
Nếu không đồng hành cùng các nước trong khu vực, QUAD không thể thành công.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhận định.
Tìm giải pháp hợp tác kinh tế
Trong chuyến công du châu Á từ ngày 20 tới 24-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tìm cách tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác ở phương Đông. Ông nói Washington sẽ sát cánh với họ để thúc đẩy một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Ông Biden đã gặp tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, thảo luận về khả năng tăng cường các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc, công bố Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), dự hội nghị thượng đỉnh nhóm QUAD….
Một động thái quan trọng là ông Biden đã chọn chuyến công du này để chính thức công bố về IPEF - sáng kiến kinh tế đa phương trong khu vực. Kể từ khi cựu tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Washington đã thiếu một trụ cột kinh tế trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, cuộc xung đột Nga - Ukraine là vấn đề liên tục được nhắc tới trong chuyến đi của ông Biden. Trong cuộc họp của nhóm QUAD, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc cũng đã cùng chia sẻ những quan ngại về tình hình tại Ukraine.
Một điểm đáng chú ý nữa là những bình luận của ông Biden về vấn đề Đài Loan trong chuyến công du lần này. Hôm 23-5, ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ Đài Loan nếu Bắc Kinh tìm cách kiểm soát hòn đảo này bằng vũ lực. Những bình luận này khiến Bắc Kinh giận dữ và cũng gây sốc cho giới quan sát, vì dường như phá vỡ chính sách "mơ hồ chiến lược" lâu nay của Mỹ trong vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên đến ngày 24-5, ông Biden khẳng định lại sẽ không có thay đổi nào của Washington trong chính sách này.
Ngoại trưởng Trung Quốc thăm 8 nước
Trong bối cảnh Mỹ tìm cách tăng cường kết nối với các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Trung Quốc cũng đang tích cực đẩy mạnh hoạt động hợp tác với các quốc gia trong khu vực. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị dự kiến thăm 8 đảo quốc Thái Bình Dương, trong đó có Solomon, từ ngày 26-5 đến 4-6.
Ngày 24-5, chính quyền quần đảo Solomon xác nhận ông Vương sẽ dẫn đầu một "phái đoàn gồm gần 20 thành viên" đến thăm đảo quốc trong tuần này. Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon nói chuyến thăm kéo dài 1 ngày này sẽ là "cột mốc quan trọng" trong quan hệ hai nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận