Phóng to |
Ông Quách Giao (đứng) đang nhắc lại cuộc đời sự nghiệp của cha ông - nhà thơ Quách Tấn. Ảnh: LĐiền |
Sống dậy những kỷ niệm
Đây là tâm nguyện của cụ Quách Giao – con trai nhà thơ Quách Tấn, và cũng là tấm lòng của thân bằng quyến thuộc, những bạn bè vong niên và hậu duệ của nhóm Bàn Thành Tứ Hữu ngày xưa chung nhau dâng nén tâm hương hướng về nhà thơ đã mười lăm năm vắng bóng trên thi đàn.
Cầm trên tay bài thơ “Viết Mò”, Thúy Vinh không nén được xúc động:
Viết rồi không đọc đượcCũng không ai đọc mìnhBùi ngùi chuyện thiên cổGửi lòng giấy mong manhMây dẫu còn mãi trắngMắt đâu nữa mà xanhThôi đành phong cất kỹTình riêng ấp ủ tình.
Bài thơ này Quách Tấn làm năm 1991 – khó ai hình dung một nhà thơ 81 tuổi, hỏng hai mắt, vẫn dành cho đời những vần thơ dịu dàng trau chuốt như thế.
Thúy Vinh kể chuyện sau ngày thống nhất đất nước, khi đôi mắt hãy còn, Quách Tấn thường “bung chiếc dù trong những ngày trời mưa, dắt tôi đi ăn bánh xèo”. Hình ảnh bình dị ấy ở đất Nha Trang mãi theo cô vào Sài Gòn, nhắc nhớ mỗi dịp đông về có ngày giỗ của một người thuộc hàng cha chú nhưng rất sẵn lòng với con trẻ.
Phóng to | |
Ông Đào Hùng (đứng) - phó TBT Xưa & Nay - đang giới thiệu những thành tựu trong thơ Quách Tấn. Ảnh: LĐiền | Nhà thơ Hoàng Hương Trang (đứng giữa) đang kể lại những kỷ niệm với nhà thơ Quách Tấn. Ảnh: LĐiền |
Còn cô Thu An – cháu gọi nhà thơ Bích Khê bằng cậu - xúc động nhớ về Quách Tấn với kỷ niệm ông đã đăng bài thơ “Trăng về, ba không về” của cô trên báo Lành Mạnh lúc ông giữ mục thơ dưới bút danh “Lão giữ vườn”. Khi đó cô còn rất nhỏ, bài thơ được đăng đã là một khích lệ lớn, nhưng Quách Tấn còn dành hẳn nhiều dòng để giới thiệu bài thơ và tác giả. Sự chăm chút ấy đến giờ vẫn còn gây cảm động.
Và, trong không khí dạt dào kỷ niệm, dạt dào thơ và chan chứa cảm tình của khách yêu thơ dành cho người đã khuất, nhà thơ Hoàng Hương Trang nhớ lại phong vị thơ của Quách Tấn trong đợt chuyển mình của thơ mới: “Phong trào thơ mới của Sài Gòn trước 1975, thường mang xu hướng ủy mị, cụ Quách Tấn mặc dù giữ phong thái cổ điển nhưng những bài Đường thi của ông mạnh mẽ chứ không ủy mị”. Cô Hương Trang bồi hồi nhắc những lần gặp nhà thơ Quách Tấn tại tòa soạn tạp chí Văn: “cụ Quách Tấn quả thực là một “lão thi ông” rất nhiệt tình với những người trẻ…”.
Buổi kỷ niệm còn có cô Bích Thủy – con gái nhà thơ Yến Lan, một trong “Bàn Thành tứ hữu” và là người rất thân với nhà thơ Quách Tấn. Cô Bích Thủy cung cấp một số tư liệu thơ, thư gửi qua lại giữa Quách Tấn và Yến Lan mà hiện cô còn giữ được trong số thư tịch gia đình.
Người thơ còn một chút này
Quách Tấn sinh ngày 4-1-1910, tại Bình Khê, Bình Định; mất tại Nha Trang ngày 21-12-1992. Ông làm thơ từ năm 19 tuổi. Năm 1939 xuất bản tập thơ đầu tiên “Một tấm lòng”. Đến nay ông để lại khoảng 20 tác phẩm thơ sáng tác và dịch và 21 tác phẩm văn xuôi gồm nhiều thể loại: truyện ngắn, du ký, du khảo dư địa chí, viết về thi pháp, thi thoại… |
Giang Nam cũng rất quan tâm đến mảng văn xuôi của Quách Tấn, nhất là các tập biên khảo về dư địa chí như “Nước non Bình Định”, “Xứ Trầm Hương”. “Quách Tấn nghiên cứu dư địa chí với phong cách đậm chất văn chương. Đó là nét riêng khiến sách dư địa chí của Quách Tấn hay, có nhiều câu chuyện và tư liệu văn học. khi viết du ký, thì Quách Tấn cũng đầy chất nghệ sĩ”, nhà thơ Giang Nam khẳng định.
Làng thơ Việt Nam vẫn nhớ Quách Tấn với phong vị Đường thi trong tập Mùa cổ điển – tập thơ ấn định tên tuổi Quách Tấn bằng 108 bài thất ngôn bát cú với sự trau chuốt về từ ngữ và khả năng ứng dụng thần thái Đường thi trong ngôn ngữ Việt làm kinh ngạc các bạn thơ đương thời.
Với Quách Tấn, việc làm thơ vừa là nghệ thuật vừa là kỹ thuật đòi hỏi sự công phu và dành tâm lực nghiêm túc để đạt được sản phẩm vừa ý. Điều này không đơn giản, lại càng khó chia sẻ hơn với giới làm thơ hiện nay. Cứ xem cái cách Quách Tấn "chuốt" cho bài “Tiếng chuông khuya”:
Từng giọt châu rơi mắt mẹ hiềnMừng con lưu lạc trở đoàn viênLòng thơ trải hứng bao âu yếmMộng quyến phiền ba tỉnh hão huyền.
Đọc qua ai cũng cho như thế là ổn, nhưng sau gần 20 năm, ông đổi hai câu cuối thành: “Sông thu tan lạnh lòng sương sóng/ In bóng chùa xa trăng nửa hiên” với lời thuyết minh: “Hai câu cũ làm theo lối trực trần nên thất bại”. Ít lâu sau ông lại nhận ra “hình ảnh câu "sông thu" có phần nghèo âm nhạc nghe chưa thật nhuyễn”, và rốt lại ông đổi thành: “Neo thu bến tạnh thuyền sương sóng/ In bóng chùa xa trăng nửa hiên”.
20 năm và bao ưu tư chỉ để bật ra một ý “neo thu” – người làm thơ hôm nay biết sự kỳ công của người xưa mới tin rằng mình đang hời hợt vậy.
Hiện nhà nghiên cứu Khổng Đức còn giữ được tập thơ Mùa cổ điển của Quách Tấn, cả bản in đầu tiên năm 1941 tại Hà Nội và bản in lại năm 1960 tại Sài Gòn. Thì ra, tấm lòng yêu thơ cổ vẫn còn đâu đó trong dân gian, âm thầm làm giàu thêm sự quý giá theo năm tháng.
Hai tác phẩm viết về Quách Tấn của Quách Giao - con trai ông, và các tác giả: Trần Thị Phong Hương, Trúc Như, Quách Tùng Phong… vừa được NXB Hội Nhà Văn và NXB Phương Đông ấn hành cũng được ra mắt trong buổi chiều đầy ắp cảm xúc này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận