Chị Liên và các em học sinh Chiềng Sơ với áo ấm và ủng được trao tặng - Ảnh: NGỌC QUANG
Nghe tin chúng tôi đi lên đây theo tuyến đường rẽ vào Sông Mã rồi lên Chiềng Sơ (một xã thuộc huyện Điện Biên Đông, Điện Biên), anh Vừ A Bằng, bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông, chạy xe về ranh giới hai tỉnh Điện Biên và Sơn La để đón vì sợ chúng tôi bị lạc.
Tuyến đường sau trận lũ quét hồi tháng 8 vẫn ngổn ngang sạt lở.
Không có A Bằng dẫn đường thì chắc là lạc thật, vì ở đây tuyến đường liên tỉnh và những con đường vào bản không khác nhau là mấy, lổn nhổn đá và hẹp lút giữa lau lách. Vượt qua một con dốc không dài nhưng dựng đứng, chúng tôi đến được Trường tiểu học Chiềng Sơ.
Ngôi trường và “bữa cơm tối” học trò
Đang là chiều chủ nhật, các bạn khác về nhà, riêng Sùng A Mênh được bố chở ra khu nội trú trước để sáng mai đi học sớm. Đường về bản hiểm trở nên người cha vội vã quay về cho kịp trước khi trời tối.
A Mênh mở cái túi nilông đựng cơm, một túi nhỏ đựng muối trắng, tay này bốc một nhúm cơm, tay kia nhón hạt muối đưa vào miệng. Bữa tối của cậu học trò lớp 5A Trường Chiềng Sơ khiến chúng tôi lặng người.
Khi chúng tôi đến điểm trường bản Cồ Dề (xã Phì Nhừ), cô giáo Nông Thị Loan tranh thủ giờ giải lao bắc lên bếp nồi nước sôi, thả vào đó một nắm rau cải và hai gói mì tôm. Nồi canh lõng bõng ấy là tất cả thức ăn trưa của 24 học sinh điểm trường Cồ Dề, ăn cùng cơm mà mỗi em tự mang theo.
Để cho các em được ăn uống theo chế độ, chính sách dành cho học sinh nội trú miền núi - nghĩa là có gạo, có tiền thức ăn, các chế độ sinh hoạt khác - phải đưa được hết các em ra trường trung tâm, ăn ở nội trú, cuối tuần về nhà.
Nếu cứ ở điểm trường, ở bản thì không thể áp dụng. Môi trường tập trung nội trú hàng trăm em lại đòi một nguồn kinh phí lớn để đáp ứng cơ sở vật chất. Mâu thuẫn ấy cứ thế dày lên theo thời gian, và lời giải thì vẫn chưa thể trông cậy hoàn toàn vào nhà nước.
Hình ảnh những em bé rời bản ra ở nhà nội trú để theo học như Sùng A Mênh, nồi canh lõng bõng nước làm bữa trưa cho các em ở Cồ Dề và câu nói khẩn khoản của bí thư A Bằng về việc cần kíp xây phòng học cho các em ghim sâu vào tâm trí chúng tôi, chuyến công tác trở thành một món nợ tinh thần canh cánh trong lòng.
Tôi gửi clip quay cảnh Sùng A Mênh cho chị Đỗ Thị Kim Liên, lãnh sự danh dự Cộng hòa Nam Phi - một nhà hảo tâm vẫn thường đồng hành cùng báo Tuổi Trẻ trong các chương trình thiện nguyện, với chú thích: “Đây là bữa tối của một em bé Chiềng Sơ”.
“Chiềng Sơ ở Điện Biên Đông phải không em?” - chị hỏi. “Dạ đúng rồi”. “Có gần với Trống Giông ở Phì Nhừ không?”. Hóa ra, mới ba tháng trước, chị đã tài trợ để xây một trường mầm non ở bản Trống Giông.
“Bao nhiêu ân, bấy nhiêu phú”
Ngay sau đó, ngôi trường với 6 phòng học cho Chiềng Sơ với sự hỗ trợ kịp thời của chị Liên đã được xây dựng với tiến độ “thần tốc”. Bí thư Huyện ủy Vừ A Bằng và trưởng Phòng GD-ĐT huyện Điện Biên Đông - thầy Cù Huy Hoàn - tranh thủ ngày nghỉ vào hiện trường để kịp hoàn thành ngôi trường sau một tháng thi công.
Đến cùng ngôi trường nhỏ với 6 phòng học mới là gần 1.000 áo ấm và ủng cho học sinh Chiềng Sơ, như một món quà xuân ấm áp. Thầy Nguyễn Đức Hùng, hiệu trưởng Trường tiểu học Chiềng Sơ, bảo: “Có chỗ học cho các em, chúng tôi mới dám đưa các em từ các bản sâu ra đây học”.
Có phòng học mới, có quần áo ấm… sẽ là những điều “kích thích” các em ra với điểm trung tâm. Vài tuần trước, khi lên khánh thành ngôi trường và tặng áo ấm cho các em học sinh ở Chiềng Sơ, chị Liên quyết định tài trợ thêm để đổ bêtông toàn bộ con đường nối từ trường xuống tuyến đường liên huyện.
Thấy khu nội trú của các thầy cô ở trong các lán nhỏ, chị quyết định luôn việc tài trợ một khu nhà nội trú cho giáo viên.
“Ở thành phố thì không thể hình dung hết được thực tế này. Có thể số tiền tỉ cho các chương trình thiện nguyện là lớn, nhưng tận mắt thấy những vất vả của đồng bào nơi đây lại thấy số tiền thiện nguyện dù lớn đến mấy vẫn không so được với những hi sinh cực nhọc ấy” - chị tâm tình.
Sau cơn bão Tembin tràn qua nhà giàn DK1 năm trước, chị Liên cũng là người đầu tiên tìm đến báo Tuổi Trẻ để hỗ trợ việc dựng lại vườn rau xanh cho nhà giàn DK1. Hôm trước đó, chị đã gửi một số tiền khá lớn trong chương trình Xuân nơi đảo xa cho cán bộ chiến sĩ hải quân ở Trường Sa và nhà giàn DK1.
“Hạnh phúc là được cho đi”, triết lý sống ấy đang ngày càng được nhiều người theo đuổi, lặng lẽ qua những chuyến thiện nguyện tìm về nơi khó khăn, nhất là những dịp xuân về Tết đến. Hôm đi khánh thành Trường Chiềng Sơ về, chị Liên viết một dòng giản dị trên Facebook cá nhân: “Trong lòng có bao nhiêu ân thì có bấy nhiêu phú”. Sự giàu có, với chị, là được cho đi thật nhiều.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận