TTCT - Hàng ngàn hecta núi đồi trọc, rừng nghèo vùng Tây Bắc được phủ kín cao su. Phóng viên TTCT đã đến huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu - một trong những nơi tiêu biểu cho cả vùng Tây Bắc khi nhà nhà, người người ồ ạt góp đất trồng loại cây công nghiệp đang được chính quyền và người dân tôn thành “cây vua”. Phóng to Vườn ươm cây cao su ở Pá Khôm - Ảnh: Ngọc Quang Đường từ thị xã Lai Châu đến huyện Sìn Hồ và đi các xã vùng thấp của huyện, cao su giờ đã xanh um các vạt đồi, thay thế rừng nghèo. Phải thừa nhận nhờ cây cao su mà hệ thống đường, điện nhiều xã, bản ở Sìn Hồ đã tốt hơn. Dọc đường liên xã từ huyện đi Ma Quai, Nậm Tăm, Nậm Cuổi, Noong Hẻo, hỏi bất kỳ người dân nào về cao su cũng được trả lời rành rọt. Công ty cổ phần Cao su Lai Châu (LCR) nằm mãi tận xã Nậm Tăm xa xôi, nhưng ngay từ trung tâm huyện lỵ nhiều người dân đã chỉ cụ thể đường đi. Nhiều người còn biết rõ công ty có bao nhiêu tổ, đội nằm ở đâu, phụ trách địa bàn nào... Góp đất để thành công nhân Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, toàn vùng Tây Bắc đến năm 2020 chỉ cần phát triển khoảng 50.000ha cao su, nhưng chỉ riêng ba tỉnh đã đề nghị vượt quy hoạch với 57.500ha, vượt 7.500ha (chỉ tính đến năm 2015). Cụ thể, Lai Châu quy hoạch đến năm 2015 phát triển 20.000ha, Sơn La 20.000ha, Điện Biên 17.500ha. Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết mỗi năm từ 2008-2010, Tây Bắc trồng khoảng 5.000ha. Không những thế, bốn tỉnh vùng Đông Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ) chưa nằm trong quy hoạch chung vẫn trồng cao su từ năm 2009, đến nay đạt xấp xỉ 2.000ha và dự tính đến năm 2015 đạt 20.000ha. Tiếp chúng tôi tại trụ sở, ông Hoàng Danh Sơn, trưởng phòng kế hoạch LCR, tỏ ra phấn khởi: “Từ năm 2009 đến nay, công ty chúng tôi đã phủ xanh gần 4.500ha cao su ở Sìn Hồ và Phong Thổ, trong đó chủ yếu ở 11 xã thuộc huyện Sìn Hồ, còn ở Phong Thổ mới bắt đầu triển khai từ cuối năm 2010. Dù còn nhiều khó khăn ban đầu, chúng tôi đã ký được hợp đồng với gần 1.500 người lao động bản địa, chính thức “biến” họ từ nông dân thành công nhân cao su. Thời điểm này, cây đã lớn nên công nhân chỉ chăm sóc, làm cỏ, bón phân mà lương đạt 2 triệu đồng/người/tháng. Đợt cao điểm khi phát quang, đào hố, trồng cây thì lương sản phẩm bình quân trên 5 triệu đồng/tháng. Kế hoạch của công ty đến năm 2015 phải đạt 10.000ha cao su nên chắc chắn thời gian tới công việc sẽ nhiều hơn, số công nhân còn tăng”. Tại đội Pá Khôm, xã Nậm Tăm (một trong 21 đội sản xuất, chăm sóc cao su của LCR đặt tại các thôn, bản khắp 11 xã trong huyện), mới đầu giờ chiều đã thấp thoáng bóng hàng chục công nhân áo xanh, lưng áo in chữ LCR ẩn hiện trên những vạt đồi cao su. Anh Lò Văn Uốn (dân tộc Thái ở bản Pá Khôm 2) cùng đồng nghiệp đang hối hả phạt cỏ, vun đất cho những gốc cao su đã to cỡ cổ tay người lớn. Quệt mồ hôi trên khuôn mặt đỏ ửng, anh Uốn cho biết: “Chăm sóc cao su không vất vả hơn đánh cá, làm lúa nương đâu, mà còn cho mình lương 2 triệu đồng/tháng. Cuối năm ngoái lúc trồng mới cao su, mình làm cả tháng còn được gần 10 triệu đồng đấy. Góp đất trồng cao su, làm công nhân là mình thấy cuộc sống nhà mình tạm ổn, hằng tháng có tiền lương ổn định, không bấp bênh như trước”. Theo anh Uốn, bố anh có 11 người con thì tất cả đều góp 6ha đất cho LCR để trồng cao su. Riêng gia đình anh góp hẳn 1ha và với từng đó diện tích góp vốn cộng với việc vẫn đang trong độ tuổi lao động, anh (và một người em) đương nhiên được ký hợp đồng làm công nhân LCR. Sau khi phát quang, trồng cao su, giờ vợ chồng anh nhận chăm sóc cao su trên chính diện tích đất góp vốn của mình. Ban đầu chưa biết việc thì cứ làm theo hướng dẫn của công ty, của đội sản xuất. Ngoài làm cao su với ngày công 70.000 đồng (ở thời điểm hiện tại khi chỉ phải chăm sóc cây), vợ chồng anh vẫn còn thời gian làm lúa nương, đánh bắt cá... Cũng như anh Uốn, anh Quàng Văn Hịch góp 1ha đất nương trồng ngô để trồng cao su. Trồng lúa, trồng ngô mỗi năm chỉ được hơn chục bao lúa, bao ngô, vẫn đói giáp hạt thường xuyên. Nay tham gia trồng cao su, được làm công nhân, có thu nhập và hơn hết trên diện tích cao su đó, người dân vẫn được công ty cho phép trồng các loại cây lương thực ngắn ngày xen canh, nên nhà anh Hịch cũng như 56 hộ dân trong bản Pá Khôm 2 vẫn có khoai, lạc, ngô, lúa để ăn. Ông Trần Hậu Lý, người từ Hà Tĩnh lên Lai Châu làm việc và là đội trưởng đội Pá Khôm, cho biết hiện đội quản lý 350ha cao su, phân bố ở 6/13 bản của xã Nậm Tăm. Cả xã có gần 200 người dân làm công nhân cao su thì riêng đội của ông có 80 công nhân là người dân tộc thuộc sáu bản của Nậm Tăm. Phóng to Chăm sóc cây cao su ba năm tuổi ở Nậm Tăm (Sìn Hồ, Lai Châu). Với độ dốc địa hình như thế này, chưa biết trong tương lai cây cao su có đủ sức ngăn sự xói lở của đồi núi - Ảnh: Ngọc Quang Xin sửa thông tư Ông Đồng Văn Liệt, phó chủ tịch UBND huyện Sìn Hồ, khẳng định đã có những đổi thay nhờ cây cao su. Theo ông, trước đây các xã vùng thấp của Sìn Hồ làm nghề nông thu nhập bấp bênh, cuộc sống vất vả, dân thường thiếu đói. Nhiều diện tích đất rừng nghèo bỏ hoang hoặc đất khai hoang nhưng cấy, trồng không hiệu quả. Nay họ chuyển đổi trồng cao su là đúng tinh thần, chủ trương của tỉnh, của Nhà nước. Có cao su, người dân có thu nhập và không chỉ vậy, nhờ cao su mà hệ thống đường, điện, chợ búa đã được đầu tư nâng cấp, thuận tiện hơn trước rất nhiều, nhiều hộ dân sống tản mát trên núi đã tập trung về một chỗ. Có cao su, có thu nhập, công nhân và cả người dân đã ý thức kỷ luật hơn trong sản xuất, sinh hoạt. Chính vì những thành tựu đó mà từ năm 2010, huyện chủ trương phát triển trồng cao su sang cả chín xã vùng cao và năm xã nằm dọc sông Nậm Na. Ông Liệt cho biết năm đầu tiên huyện chỉ triển khai trồng được 800ha, đến năm tiếp theo diện tích tăng vọt lên hơn 2.000ha. Đến năm 2010, khi tiến độ giao đất chựng lại thì huyện cũng phát triển thêm gần 1.800ha. Riêng năm 2011, tỉnh giao chỉ tiêu 2.300ha nhưng do LCR đang cạn vốn cộng với tốc độ giao đất, khai hoang dọn thực bì bị chậm lại nên huyện chỉ dám đặt chỉ tiêu 1.800ha. Tuy nhiên về lâu dài, ông Liệt cho biết huyện vẫn phấn đấu đạt diện tích 12.000-15.000ha vào năm 2015. Đây chỉ là số liệu của riêng huyện Sìn Hồ, nhưng đó cũng là hình ảnh chung của cả tỉnh Lai Châu, cả vùng Tây Bắc. Khi thấy cao su phát triển tốt, người dân có thu nhập ổn định thì cả tỉnh, huyện, xã, nhà nhà, người người đua nhau góp đất, trồng cao su. Biết trước việc triển khai cao su ở Tây Bắc tiềm ẩn nhiều rủi ro, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 750/QĐ-TTg ngày 3-6-2009 về phê duyệt quy hoạch phát triển cao su cả nước đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2020: “Các tỉnh vùng Tây Bắc không phát triển theo phong trào mà cần có bước đi phù hợp. Trên cơ sở đánh giá hiệu quả diện tích cao su đã trồng, các địa phương quyết định mở rộng diện tích ở những địa bàn có đủ điều kiện để đến năm 2020 toàn vùng đạt khoảng 50.000ha”. Sau quyết định trên, Bộ NN&PTNT có thông tư hướng dẫn việc trồng cao su chỉ được triển khai ở vùng đất thấp (dưới 600m so với mực nước biển), có độ dốc, nhiệt độ và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp với cây cao su. Tuy nhiên, có thể do thời điểm đó giá mủ cao su tăng vọt mà không có hàng để xuất, nhiều địa phương đã bị “lóa mắt” nên đồng loạt nộp đơn xin bổ sung quy hoạch, xin sửa thông tư của Bộ NN&PTNT bởi nó... chặt chẽ quá, chẳng linh hoạt chút nào để trải thảm đỏ đón “cây công nghiệp vua” về với địa phương. Biết ra sao ngày sau? Mức độ phát triển diện tích cây cao su ở Tây Bắc nói riêng, miền núi phía Bắc nói chung đang ngày một nhanh, như hiện tượng phát triển phi thường của đứa trẻ. Có người ví von hình ảnh rằng: đứa bé đó lớn xác nhưng trẻ người non dạ, đã bị bà mẹ thiên nhiên uốn nắn bằng cách quất cho những đòn roi chí tử. Đòn roi ấy mang tên rét đậm, rét hại cuối năm 2010, đầu năm 2011. Cũng may bà mẹ thiên nhiên “dạy con từ thuở còn thơ”, quất roi khi diện tích cao su vùng này chưa phủ kín những giống chịu lạnh kém, nếu không chẳng biết hậu quả còn đến đâu. Đây cũng chỉ là trước mắt thôi khi 5,1% diện tích cao su toàn vùng bị hại, trong đó Sơn La bị hại 76ha, Điện Biên 522ha và Lai Châu gần 155ha. May là vùng này cường độ rét thấp, hơn nữa cao su đã bén rễ lâu, cứng cáp hơn. Ở vùng Đông Bắc, cường độ rét đậm, rét hại cao hơn, đồng thời phần lớn cao su mới trồng... nên mức độ thiệt hại bình quân 80,7%, cụ thể Hà Giang bị thiệt hại nặng nhất với gần 1.159ha (97% diện tích), Yên Bái 360ha (60%), Phú Thọ 110ha (100%), Lào Cai 25ha (19%). Đây mới chỉ là thiệt hại do thiếu quy hoạch, trồng ồ ạt cao su cả vào những vùng thổ nhưỡng, khí hậu không phù hợp. Hơn nữa, những giống cao su nhập ngoại chưa thể kiểm nghiệm xem có phù hợp với chất đất, môi trường, khí hậu vùng núi phía Bắc hay không. Và đây mới chỉ là thiệt hại do thời tiết, còn những rủi ro phía trước vẫn chưa tính toán được. Cây cao su vốn giòn và dễ gãy, nhiều rừng cây hàng chục năm tuổi chỉ một trận lốc xoáy thì hàng trăm hecta bị biến thành củi đun là chuyện từng xảy ra. Cây cao su được xem xét là cây đa mục tiêu, có thể góp phần chống xói mòn, phủ xanh đồi trọc. Nhưng trước khi cây đủ che phủ thành rừng, lớp đất dưới những gốc cao su đã được dọn dẹp sạch sẽ kia chính là yếu tố góp phần tăng độ xói lở và rửa trôi bởi địa hình núi đồi rất dốc. Và căn bản nhất là giá cả tương lai sẽ như thế nào. Bài học về nông sản bị làm giá khiến nông dân chết đứng trong quá trình buôn bán với thương nhân Trung Quốc vẫn chưa hề cũ! Khi giá mủ cao su cao chót vót, thương lái Trung Quốc tranh nhau nhập, thậm chí kể cả cao su pha trộn tạp chất. Nay cứ ồ ạt trồng, mở rộng diện tích vô tội vạ rồi 5-6 năm nữa cây cao su đến kỳ cho mủ thì giá cả như thế nào. Quan trọng hơn, liệu đến lúc đó mủ từ “cây vua” có chảy ra không, ít nhiều thế nào, chất lượng ra sao... Đem những băn khoăn này hỏi ông Đồng Văn Liệt thì vẫn chưa có câu trả lời, bởi ông chỉ là nhà quản lý. Nhưng có một việc thuộc phạm vi của mình thì ông cũng chưa có lời đáp. Đó là sáu năm nữa khi cao su cho sản phẩm thì việc chia lợi nhuận với dân, những người góp đất cho LCR sẽ thế nào? Lúc này, ông Liệt cũng chỉ biết tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp cao su VN đã có những thỏa thuận khung về quyền lợi của mỗi bên sau này với cam kết: mức thu của dân sẽ không thấp hơn trồng lúa. Câu chuyện tương lai của cây cao su chắc chắn không chỉ nằm ở chuyện giá cả hay môi trường sinh thái. Tags: Cây công nghiệpLai ChâuCao su Tây BắcĐồi trọcRừng nghèo
Kết quả điều tra ban đầu: Công ty GFDI nợ 7.500 khách hàng số tiền 3.700 tỉ đồng TRƯỜNG TRUNG 08/11/2024 Công an TP Đà Nẵng bước đầu xác định Công ty GFDI nợ 7.500 khách hàng, với số tiền nợ gốc hơn 3.700 tỉ đồng.
Dùng sản phẩm rồi mới được quảng cáo, không lẽ người nổi tiếng đi nói mình bị yếu sinh lý TIẾN LONG 08/11/2024 Thừa nhận có việc lợi dụng người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm nhưng theo đại biểu Quốc hội, quy định bắt người nổi tiếng phải dùng rồi mới được quảng cáo hơi khó.
Bắt thêm 2 nhân viên tiệm vàng ở TP.HCM trong đường dây tội phạm xuyên quốc gia ĐAN THUẦN 08/11/2024 Quá trình điều tra mở rộng vụ án liên quan đường dây tội phạm xuyên quốc gia, Công an TP.HCM bắt tạm giam 2 nhân viên tiệm vàng Đức Long ở quận Tân Bình.
Hơn 43% công chức TP.HCM cho biết sẽ đổi việc nếu có cơ hội phù hợp hơn THẢO LÊ 08/11/2024 Thu nhập quá thấp, công việc áp lực và không có cơ hội thăng tiến là những nguyên nhân khiến công chức nghĩ đến việc bỏ việc. Hơn 75% công chức tại TP.HCM đánh giá khối lượng công việc ở mức nhiều hoặc rất nhiều.