11/11/2018 12:25 GMT+7

Quá trình 'hô biến' đất công Sabeco thành đất tư

TRẦN VŨ NGHI - D.NGỌC HÀ - TIẾN LONG
TRẦN VŨ NGHI - D.NGỌC HÀ - TIẾN LONG

TTO - Bằng thủ thuật bán, chuyển nhượng vốn lòng vòng và được các cơ quan nhà nước tiếp tay, các bên đã giao trọn khu đất 2-4-6 đường Hai Bà Trưng (P.Bến Nghé, Q.1) vào tay tư nhân.

Quá trình hô biến đất công Sabeco thành đất tư - Ảnh 1.

Theo điều tra của Tuổi Trẻ, tháng 6-2004, trên cơ sở đề nghị của xin chủ trương đầu tư xây dựng nhà cao tầng tại khu đất 2-4-6 đường Hai Bà Trưng, Bộ Công nghiệp (cũ) có văn bản đồng ý chủ trương di dời văn phòng để đầu tư mới và sử dụng hiệu quả khu đất hơn.

Tháng 2-2006, UBND TP.HCM có quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời cho các doanh nghiệp trực thuộc Bộ Công nghiệp đang sử dụng để sản xuất kinh doanh, trong đó có khu đất nêu trên.

Tháng 10-2007, UBND TP có văn bản đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến về việc Sabeco "xin chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng cao ốc phức hợp 45 tầng bao gồm khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị và cao ốc văn phòng cho thuê".

Trong văn bản trả lời vào ngày 6-11-2007, Bộ Tài chính thống nhất với đề nghị của Sabeco, nhưng đề nghị giá đất tính thu tiền sử dụng đất "sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường".

Ngày 31-12-2007, Văn phòng UBND TP thông báo kết luận của phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín "chấp thuận, giao Sabeco làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu phức hợp" và có trách nhiệm nộp tiền giá trị quyền sử dụng đất theo giá thị trường theo ý kiến của Bộ Tài chính.

Trước đó, ngày 3-2-2007, HĐQT Sabeco có nghị quyết thống nhất chủ trương thành lập Công ty CP bất động sản Sabeco (Sabeco Land), với vốn điều lệ 480 tỉ đồng nhằm thực hiện dự án này.

Tuy nhiên, đến tháng 6-2013, do dự án này vẫn còn nằm trên giấy, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo giải thể Sabeco Land.

Tháng 2-2015, Sabeco tái khởi động dự án thông qua việc thành lập Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl với vốn điều lệ khoảng 567 tỉ đồng, gồm các cổ đông: Sabeco, Công ty CP Attland, Công ty CP đầu tư thương mại và dịch vụ Hà An và Công ty CP đầu tư Mê Linh.

Trong đó, Sabeco nắm giữ 26% vốn điều lệ, gồm 18% góp bằng tiền mặt và 8% là giá trị được hưởng lợi thế từ khu đất. Các cổ đông còn lại sẽ góp vốn bằng tiền mặt và nộp tiền sử dụng khu đất khoảng 1.236 tỉ đồng.

Ngày 11-2-2015, hợp đồng hợp tác đầu tư giữa Sabeco và nhóm các nhà đầu tư được ký kết, dù đến 30-6-2015 thì Sabeco Pearl mới nhận được quyết định cho thuê đất.

Tháng 10-2015, dự án đã xin được điều chỉnh mục tiêu đầu tư thành "đầu tư xây dựng và kinh doanh trung tâm hội nghị, thương mại - dịch vụ, văn phòng, officetel và căn hộ bán", thay vì chỉ là dự án "xây dựng khu phức hợp 6 sao, trung tâm hội nghị - hội thảo và cao ốc văn phòng cho thuê" chứ không có chức năng căn hộ ở, cho thuê theo quyết định ban đầu (năm 2007).

Đến tháng 6-2016, Sabeco thoái vốn bằng cách bán đấu giá 14.733.342 cổ phần cho chính các cổ đông sáng lập, thu về gần 195 tỉ đồng.

Ngày 11-6-2018, ba cổ đông còn lại cũng thoái sạch vốn khỏi Công ty Sabeco Pearl, toàn bộ số cổ phần của công ty này (cũng là chủ đầu tư của dự án) rơi vào tay các cá nhân là ông Ngô Văn An (nắm 98,53% vốn điều lệ), ông Trần Quang Huy (nắm 0,49%) và bà Nghiêm Thị Hương (0,98%).

Khu có diện tích lên đến hơn 6.000m2 tọa lạc tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng hiện do tư nhân sử dụng, từng thuộc về Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) theo phương án sắp xếp lại nhà, đất công của Bộ Tài chính.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Sabeco được Bộ Tài chính cho phép sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng để xây dựng trụ sở văn phòng tổng công ty và trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng.

Tuy nhiên, phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín lại cho phép Công ty CP đầu tư Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án trên theo đề nghị của Sở KH&ĐT mà không qua ý kiến của Bộ Tài chính.


TRẦN VŨ NGHI - D.NGỌC HÀ - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên