Năm 2023, Trường đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) xét tuyển theo 11 phương thức. Đây là trường có phương thức xét tuyển kỷ lục năm nay.
Cần tìm hiểu kỹ từng phương thức xét tuyển
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của Trường đại học Kinh tế năm nay là 2.020. Trong số này, phần lớn chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2023 với 1.180 chỉ tiêu. Có ba phương thức có chỉ tiêu dưới 10, bốn phương thức có chỉ tiêu từ 11 đến 50. Số chỉ tiêu phần lớn tập trung vào hai phương thức xét điểm tốt nghiệp và xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp kết quả học tập bậc THPT và phỏng vấn.
Không chỉ nhiều phương thức, việc tính điểm ưu tiên cho từng phương thức cũng được trường này áp dụng các công thức khác nhau nên thí sinh cũng phải tìm hiểu thật kỹ.
Một số trường đại học khác cũng xét tuyển đến 8 phương thức khác nhau. Trong đó, Trường ĐH Thương mại xét tuyển 8 phương thức. Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng xét tuyển 8 phương thức khác nhau.
Khoa y Đại học Quốc gia TP.HCM có chỉ tiêu tuyển sinh khá hạn chế nhưng sử dụng đến 7 phương thức xét tuyển khác nhau. Dự kiến năm 2023 khoa này tuyển gần 500 chỉ tiêu cho năm ngành. Ngoại trừ phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực chiếm 45% tổng chỉ tiêu ngành, các phương thức còn lại chỉ tiêu khá ít. Nhiều phương thức chỉ có 3 đến 5 chỉ tiêu/ngành.
Một số trường đại học lớn khác như Kinh tế TP.HCM, Cần Thơ, Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM)... cũng sử dụng nhiều phương thức xét tuyển trong kỳ tuyển sinh 2023.
Với một số trường tuy không có quá nhiều phương thức nhưng có một số phương thức có cách tính điểm, quy đổi điểm từng học kỳ, năm học hay dựa vào học lực khá phức tạp cũng khiến thí sinh rối bời khi tự tính toán điểm số của mình.
Công bằng giữa các phương thức
Thống kê tuyển sinh năm 2022 cho thấy có đến 12 phương thức chỉ tuyển được dưới 1% chỉ tiêu tuyển sinh, có phương thức không tuyển được thí sinh nào. Trong đó, điểm thi tốt nghiệp THPT được các trường sử dụng và xét tuyển nhiều nhất, tỉ lệ thí sinh nhập học theo phương thức này chiếm 47,98%, kế đến là học bạ với 37,18%.
Các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được các trường tổ chức khá nhiều, hơn 150 trường sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển; tuy nhiên, chỉ tiêu chưa nhiều nên số thí sinh nhập học chỉ chiếm 1,96%.
Với các phương thức tuyển sinh mới, tỉ lệ thí sinh sử dụng xét tuyển và nhập học rất ít. Có đến 12 phương thức có tỉ lệ thí sinh nhập học dưới 1%. Riêng phương thức xét tuyển qua phỏng vấn không tuyển được thí sinh nào.
Tại hội nghị tổng kết tuyển sinh mới đây, bà Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học - đánh giá một số cơ sở đào tạo đưa ra quá nhiều phương thức xét tuyển khiến không ít thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển.
Từ đó, bà Thủy lưu ý các cơ sở đào tạo cần phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển, đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả, có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển.
Nhiều năm làm tuyển sinh, ông Đỗ Văn Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - cho rằng xét tuyển nhiều phương thức có điểm tích cực nhưng cũng không ít hạn chế.
Theo ông Dũng, các trường tự chủ đưa ra phương thức tuyển sinh. Nhiều phương thức, thí sinh có thêm lựa chọn, gia tăng cơ hội trúng tuyển vào trường mong muốn. Trường cũng tuyển được số lượng và chất lượng theo mục đích của mình. Tuy nhiên, việc có quá nhiều phương thức sẽ gây rối cho thí sinh, gây bất bình đẳng.
"Những thí sinh có điều kiện tìm hiểu kỹ thông tin sẽ có lợi. Các thí sinh ở vùng sâu vùng xa sẽ thiệt thòi hơn khi phần lớn chỉ xét tuyển dựa vào điểm tốt nghiệp. Nhiều phương thức, chỉ tiêu chia nhỏ ra, điểm chuẩn phương thức tốt nghiệp tăng lên, cơ hội vào đại học của thí sinh sử dụng phương thức này sẽ thấp đi" - ông Dũng phân tích.
Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng không nên xét tuyển bằng quá nhiều phương thức. Ông Phạm Thái Sơn - giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết nhiều năm nay trường xét tuyển 4 phương thức phổ biến. Theo ông Sơn, việc xét tuyển quá nhiều phương thức sẽ khiến thí sinh bối rối khi lựa chọn, thậm chí nhầm lẫn khi đăng ký xét tuyển.
Cùng quan điểm này, ông Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM - cho rằng 4 phương thức xét tuyển là hợp lý.
"Để thí sinh đỡ rối và nhầm lẫn, những trường có quá nhiều phương thức có thể xem xét giảm bớt. Thực tế năm 2022 có hơn 50% số phương thức tuyển sinh có tỉ lệ tuyển rất thấp.
Việc đăng ký xét tuyển trên hệ thống của bộ năm nay có sự thay đổi khi thí sinh chỉ cần đăng ký ngành, trường nên sẽ hạn chế tình trạng nhầm lẫn phương thức như năm 2022. Tuy nhiên, thí sinh vẫn phải tìm hiểu kỹ thông tin của các trường, bởi khi xét tuyển sớm tại trường, thí sinh vẫn phải đăng ký phương thức xét tuyển" - ông Lý nói thêm.
Bất bình đẳng
Đánh giá về tính công bằng trong tuyển sinh khi sử dụng nhiều phương thức, trưởng phòng đào tạo một trường đại học tại TP.HCM đánh giá không có sự công bằng.
Theo ông này, Luật giáo dục đại học quy định tuyển sinh là việc của các trường. Quy chế tuyển sinh cũng nói rõ nguyên tắc công bằng trong tuyển sinh. Tuy nhiên, việc các trường đưa ra nhiều phương thức đã tạo ra sự bất bình đẳng ngay từ lúc đăng ký xét tuyển.
"Xét tuyển học sinh trường chuyên, xét tuyển học sinh trường top 200, xét tuyển kết hợp chứng chỉ IELTS... là những phương thức xét tuyển được nhiều trường áp dụng. Ngay từ khi đưa ra phương thức này đã không có sự công bằng khi phần lớn thí sinh đã bị loại ngay từ vòng sơ tuyển.
Nhiều thí sinh học tốt nhưng không phải học sinh trường chuyên, không phải học sinh trường top 200 dĩ nhiên họ không thuộc đối tượng tuyển của các trường. Đó là sự bất bình đẳng giữa các phương thức.
Hay như xét điểm IELTS, không phải thí sinh nào cũng có chứng chỉ này. Ngay cả nếu có, học sinh ở các thành phố lớn có thể sẽ có lợi thế hơn so với tỉnh lẻ" - ông này đánh giá.
Rớt oan
Năm 2022, không ít thí sinh rớt oan do đăng ký nhầm phương thức trên hệ thống xét tuyển chung đối với các phương thức xét tuyển sớm. Đánh giá về việc các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng việc có quá nhiều phương thức tuyển sinh khiến phụ huynh và học sinh "như bị đánh đố".
Nhiều phương thức có tên gần giống nhau khiến một số thí sinh chủ quan, nhầm lẫn khi đăng ký. Không chỉ gây khó khăn cho thí sinh mà việc có quá nhiều phương thức còn gây rắc rối cho toàn hệ thống xét tuyển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận