TTCT - Vụ rối loạn ở Kazakhstan tuần rồi đã nổ ra vì cả những lý do rất “cơm áo gạo tiền” lẫn “chính chị chính em”. Một tuần lễ bạo động gây ồn ào khắp thế giới, kéo theo sự can thiệp từ bên ngoài (theo yêu cầu của Chính phủ Kazakhstan), đồng thời cho thấy những thế lực đối kháng trong nội bộ nước này. Đằng sau đó còn những siêu thế lực nào, họ đang làm gì, và với mục đích gì? Phải chăng vì Kazakhstan là một mảnh trọng đại của cuộc tranh chấp địa chính trị mà nay có những người cần phân rõ hơn thua?Qua đến thứ hai 10-1, khi tình hình đã tạm ổn, từ thủ đô Nur-Sultan, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev lên tiếng trong một cuộc họp khẩn cấp qua video của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO): “Tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin vì sự thấu hiểu của ông và việc giải quyết nhanh chóng vấn đề bằng cách cử đội quân gìn giữ hòa bình của CSTO tới Kazakhstan”, thông tấn xã TASS của Nga đưa tin. Cuộc điều quân chớp nhoáng của CTSO đã giúp ổn định tình tình Kazakhstan. Ảnh: APÔng Tokayev cũng cảm ơn Thủ tướng Nikol Pashinyan của Armenia vì đã nhanh chóng phê ký các văn kiện cần thiết.Cái bóng “thái thượng hoàng”Mẩu tin ngắn trên của TASS, với chừng đó danh từ riêng, cho thấy “ai là ai” ở Kazakhstan vào tháng 1-2022 này. “Vai chính” trên “sân khấu” là “bị hại” - Tổng thống Tokayev. Ông này được xem là “truyền nhân” của cựu tổng thống Nur-Sultan Nazarbayev sau khi ông Nazarbayev từ chức ngày 19-3-2019. Thắng lợi với 71% số phiếu trong cuộc bầu cử ngày 9-6-2019 của ông Tokayev, với sự hậu thuẫn của ông Nazarbayev, đã hợp thức hóa chức tổng thống của ông, dù có những tranh cãi về tính trung thực của cuộc bầu cử.Tuy nhiên trong hồi kịch vẫn còn một nút thắt tới giờ chưa được gỡ: vai trò của ông Nazarbayev dưới trào Tokayev. Cho tới đầu năm nay, tuy đã từ chức tổng thống, song ông Nazarbayev vẫn tự giữ chức chủ tịch trọn đời ở Hội đồng An ninh quốc gia - một chức vụ ở đâu cũng là tối thượng với mọi việc quân quốc hệ trọng. Chưa hết, ông lại được “cao đồ” Tokayev hết sức tôn kính - với việc đổi tên thủ đô Astana siêu hiện đại vừa xây dựng thành Nur-Sultan và dựng tượng “thờ sống” ông Nazarbayev, mà mới rồi bị đám đông biểu tình giựt đổ.Tuần báo Pháp JDD không phải tờ báo duy nhất ghi nhận về ông Tokayev như sau: “Sau khi được đưa lên nắm quyền, nhân vật mới không được ưa chuộng lắm, bị dè bỉu rằng “bộ cánh” nguyên thủ quốc gia quá lớn so với tầm vóc của ông. Trong bối cảnh như vậy, tổng thống đương nhiệm bị xem là người vẫn lệ thuộc vào ông Nazarbayev”. Dân chúng, nhất là giới trẻ lớn lên trong giai đoạn hậu Xô viết, do đó chán ngán là dễ hiểu: “Về phần người dân, dường như họ muốn chấm dứt hẳn “thời đại Nazarbayev” - mà họ cáo buộc là đại diện cho một gia tộc thối nát nắm quyền - để đất nước sang một trang khác”, JDD nhận xét.Hãng thông tấn Reuters đồng tình, nhấn mạnh ngay từ tựa đề: “Nhà cựu lãnh đạo quyền thế Nazarbayev là mục tiêu chính trong cơn thịnh nộ của người dân Kazakhstan”, với lý do quyết định là “gia đình ông được cho là kiểm soát phần lớn nền kinh tế”.Một thí dụ của sự lũng đoạn này được tờ Financial Times 2-12-2021 tiết lộ: Một đường dây bí mật được cho là đã chuyển hàng chục triệu đôla từ các hợp đồng liên quan đến một đường ống dẫn khí đốt khổng lồ từ Kazakhstan sang nước láng giềng Trung Quốc đến tay Timur Kulibaev, con rể ông Narzabayev. Thừa đoán được tỉ lệ phần trăm lại quả của các hợp đồng kiểu đó do ngài Narzabayev “ban phước lành”.Kết quả: Theo tờ Forbes 7-1-2021, vợ chồng Timur và Dinara Kulibaev có tài sản ước tính 3,1 tỉ USD mỗi người và chiếm đa số cổ phần của Ngân hàng Halyk Bank niêm yết ở thị trường chứng khoán London. Thiệt ra, chuyện các “công chúa”, “thái tử”, hay “phò mã”, “hoàng thái phi” làm giàu dễ như bỡn bằng cách núp bóng các “ông hoàng”, “bà chúa” ở những xã hội kiểu Kazakhstan là chuyện thường tình. Ông Nazarbayev chính thức nắm quyền 30 năm ở một đất nước vào loại giàu tài nguyên nhất không chỉ vùng Trung Á, mà tầm thế giới, nhà ông không giàu, thì ai giàu?Trên một bình diện khác, có thể ngờ rằng chuyện dân chúng xuống đường phản đối tăng giá khí hóa lỏng hay lạm phát kéo dài chỉ là cái cớ cho bạo loạn, để đòi một màn “thay mới, nới cũ”. Đây là chủ đề mà báo chí phương Tây chuộng khai thác. Reuters 9-1 loan tin: “Bạo lực đã thúc đẩy suy đoán về sự rạn nứt trong giới cầm quyền, với việc Tokayev nay chiến đấu để củng cố quyền lực sau khi sa thải các quan chức chủ chốt và loại bỏ Nazarbayev khỏi vai trò quyền lực là người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia”. Những lộn xộn mấy ngày qua để lại một cái giá máu không hề rẻ: 164 người chết, hơn 5.000 người bị bắt trong một tuần lễ từ ngày 2 tới 9-1, theo Reuters.Nhổ cỏ tận gốc?Phải chăng cựu tổng thống Nazarbayev đã bị ép phải rời chính trường? Eurasian Review 10-1 nêu vấn đề: “Việc bắt giữ những người trung thành với ông Nazarbaev là dấu hiệu hàng đầu cho thấy ông Tokayev đang khai thác sự thất bại của lực lượng an ninh và tình báo trong việc phát hiện “những kẻ khủng bố do nước ngoài đào tạo” để thanh trừng tàn dư của chính quyền Nazarbaev”.Nhưng vẫn còn quá nhiều câu hỏi chưa được trả lời. Trên bề nổi, việc tước quyền ông Nazarbayev có vẻ là nhằm thỏa mãn những đòi hỏi của người biểu tình. Thế nhưng, “cất đi” ông Nazarbayev còn là cất đi gánh nặng thường trực cho đương kim Tổng thống Tokayev nữa. Mà đã cất ông “thái thượng hoàng”, thì việc cách chức giám đốc tình báo Karim Massimov rồi “hốt” luôn ông này về tội phản quốc, cùng các “đệ” của ông trong Cơ quan an ninh quốc gia, cũng là dễ hiểu.Muốn hay không muốn, ông Tokayev không tránh khỏi cảm giác bị “dòm ngó” bởi một số nhân vật, mà trong những định chế chính trị như Kazakhstan, chủ yếu xuất thân từ bộ máy an ninh. Đáng nói nữa, trùm mật vụ Massimov mới 56 tuổi, trẻ hơn ông Tokayev một con giáp, mà đã hai lần giữ chức Thủ tướng khá thành công cho ông Nazarbayev, có thể trở thành kình địch chính trị trong tương lai rất gần.Câu hỏi đặt ra là liệu ông Massimov có thực sự phản quốc, và nếu có, thì đã làm những gì, có được thế lực ngoại bang nào hà hơi tiếp sức? Càng khó hiểu khi không thấy bất cứ ai hay tổ chức nào đứng ra “hiệu triệu quốc dân” và tuyên cáo gì ráo, điều vẫn thường thấy trong những cuộc đảo chánh hay cách mạng màu.Theo lời ông Tokayev trong “thông điệp với quốc dân” hôm 7-1, riêng vùng Almaty đã có đến “gần 20.000 quân khủng bố”. Như vậy là quá đông ở một đất nước 19 triệu dân và quân lực chỉ gồm hơn 100.000 người (2019). Phải chăng đó cũng là lý do khiến CSTO phải can thiệp nhanh chóng. Cũng theo lời ông Tokayev: “Hành động của họ cho thấy một kế hoạch rõ ràng nhắm vào các cơ sở quân sự, hành chính và xã hội trên hầu hết các lĩnh vực, có phối hợp, chuẩn bị, và rất tàn bạo”.Ông đưa ra bằng chứng về thực lực của phe chống đối trong cuộc họp hôm 10-1 của CSTO: “Bằng cớ là các cuộc tấn công đồng thời - tôi nhắc lại, đồng thời - vào các tòa nhà chính quyền địa phương, cơ quan thực thi pháp luật, trại tạm giam, cơ sở chiến lược, ngân hàng, tháp truyền hình và kênh truyền hình. Họ chiếm giữ các sân bay, phong tỏa đường bộ và đường sắt... Giao tranh thực sự đã nổ ra ở Almaty và một số thành phố khác. Ví dụ, cuộc tấn công vào trụ sở Bộ Nội vụ ở Almaty đã diễn ra trong hai đêm... Các cuộc tấn công này được dàn dựng bởi những kẻ được đào tạo chuyên nghiệp, bao gồm cả những tay súng bắn tỉa. Bọn khủng bố cũng sử dụng thiết bị liên lạc đặc biệt”.Đến đây, có thể hiểu tại sao ông Tokayev quyết định “xử” đầu não bộ máy an ninh. Ông phẫn uất cật vấn: “Điều cực kỳ quan trọng là phải hiểu tại sao nhà nước không hay biết về việc chuẩn bị ngầm cho các cuộc tấn công khủng bố”. Tuy nhiên, câu chuyện do ông Tokayev kể với các đồng minh CSTO cũng có phần lạ lùng: Trên 20.000 “quân” tham gia “làm loạn” mà chỉ để “hành động khủng bố”, chớ không phải để cướp chánh quyền thì quả là xưa nay hiếm thấy!■Tình xưa nghĩa cũKazakhstan là nước “chung thủy” với cái nôi Liên Xô cũ cho đến tận bây giờ trong bối cảnh một số nước Liên Xô cũ khác nay không chỉ đoạn tuyệt “cạn tàu cạn máng”, mà còn quay ra “trở mặt”, như các nước vùng Baltic. Kazakhstan cũng là nước cuối cùng thuộc Liên Xô tuyên cáo độc lập, vào ngày 16-12-1991, vừa kịp trước khi chính Liên Xô tan rã 10 ngày sau đó. Chủ tịch cuối cùng của Xô viết Tối cao Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết Kazakh cũng là tổng thống đầu tiên của Kazakhstan: ông Nazarbayev.Sự quyến luyến này trái ngược với thái độ nhanh nhẩu “nhảy ra cho bằng được” của các nước Baltic (Estonia, Latvia và Lithuania), vốn độc lập ngay từ tháng 9-1991.Khoảng cách tuy chỉ là 101 ngày (6-9 và 16-12), nhưng sự khác biệt thái độ là rất lớn. Ngay từ ngày 23-8-1989, hai triệu người dân ba nước Baltic (trong tổng số 8 triệu dân) đã xuống đường, đứng nối tay, từ thủ đô Tallinn của Estonia tới tận thủ đô Vilnius của Lithuania, tạo thành chuỗi người dài 675,5km, nổi tiếng trong lịch sử với tên gọi “con đường Baltic”, để đòi độc lập.Cuộc xuống đường năm 1989 đó cũng là nhân kỷ niệm 50 năm ngày hai bộ trưởng ngoại giao Liên Xô Molotov và Đức Quốc xã Ribbentrop ký thỏa hiệp bí mật phân chia vùng ảnh hưởng Đông Âu, đồng thời sáp nhập các nước Baltic vào Liên Xô. Tháng 11-1989, bức tường Berlin sụp đổ và qua tháng sau, Tổng thống Liên Xô Gorbachev ký tuyên bố lên án Hiệp ước bí mật Xô-Đức 1939.Các nước Xô Viết cũ ở Trung Á, mà đứng đầu là Kazakhstan, có thái độ ôn hòa hơn, thể hiện trước hết qua CSTO (bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan), trong khi Ukraine, Gruzia... lại cứ trông ngóng đòi gia nhập NATO, EU (còn 3 nước Baltic đã gia nhập rồi), từ đó “sinh chuyện” miết giữa Nga với NATO, EU, và Mỹ.Bởi thế, Tổng thống Nga Putin đã nhanh chóng nhắn nhủ sau biến cố Kazakhstan: “Chúng ta thừa hiểu rằng các sự kiện ở Kazakhstan không phải là nỗ lực đầu tiên và chắc chắn không phải cuối cùng can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia từ bên ngoài. Tôi đồng ý với Tổng thống Belarus về điều này. Các biện pháp mà CSTO thực hiện cho thấy rõ ràng rằng chúng ta sẽ không cho phép bất kỳ ai gây rối và không cho phép hiện thực hóa cái gọi là kịch bản cách mạng màu nào khác” .Ngày 10-1 mà CSTO nhóm họp trực tuyến đó cũng là ngày Nga và Mỹ khởi sự họp ở Geneva về “vấn đề NATO”. Biến cố Kazakhstan đã vô hình trung trở thành một lời nhắn gửi đến Washington và Bruxelles: Chưa biết NATO mạnh mẽ, nhanh nhẹn, đồng lòng tới đâu, chớ CSTO chúng tôi thì trong chớp mắt và đúng luật pháp. Thành ra quý vị hãy tự lượng sức mình, đừng bao giờ mơ tưởng cách mạng màu nữa! Tags: Trung ÁBạo độngCách mạng màuKazakhstanTokayev
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Người dân TP.HCM cần chú ý 31 điểm sạt lở nguy hiểm THẢO LÊ 22/11/2024 UBND TP.HCM vừa công bố danh mục 31 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm năm 2024.
Chỉ có 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố về hành vi môi trường NHƯ BÌNH 22/11/2024 72% người Việt nói sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm thân thiện môi trường. Nhưng khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 10% người tiêu dùng thực hiện những gì họ tuyên bố khi nói đến hành vi môi trường.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.