Chị D. bị mù mắt trái do tiêm chất làm đầy (filler) để nâng mũi - Ảnh: BVCC
Cần phân biệt filler để sử dụng an toàn. Nếu sản phẩm sử dụng là filler sẽ tan nhanh, nhưng nếu đó là silicon lỏng sẽ nguy hiểm cho người sử dụng, như nổi cục ở vị trí được tiêm, gây tình trạng tắc mạch…
BS HOÀNG THANH TUẤN
Ngày 16-7, bệnh nhân M.T.C.D., 30 tuổi, tới một spa thuộc phường 6, quận 4, TP.HCM để làm đẹp.
Sau khi nghe tư vấn, chị D. chọn phương pháp (chất làm đầy) loại hyaluronic nâng mũi.
Khoảng 5 phút sau khi tiêm, chị D. thấy đau nhức dữ dội, mờ mắt trái, không mở được mắt, đau tại ổ mắt lan lên vùng trán.
Lại thêm nhiều ca tai biến do filler
Bác sĩ Võ Kế Đạt, khoa bỏng - tạo hình thẩm mỹ Bệnh viện Trưng Vương, cho hay đơn vị tiếp nhận bệnh nhân D. trong tình trạng da vùng mũi, mắt trái sưng bầm, có dấu hiệu tắc mạch, hoại tử... Theo chẩn đoán, bệnh nhân bị tổn thương xoang lang, lấp mạch mắt trái do chất làm đầy filler.
Các bác sĩ chuyên khoa mắt ghi nhận tình trạng mắt trái sụp mi hoàn toàn, kết mạc cương tụ rìa, giác mạc phù. Theo kết quả chẩn đoán MRI sọ não, bệnh nhân bị tăng nhãn áp do chất làm đầy, tắc động mạch trên ổ mắt, dẫn đến khả năng phục hồi thị lực mắt trái gần như vô vọng.
Trước đó, bệnh viện này cũng tiếp nhận điều trị cho một trường hợp bị biến chứng do tiêm chất filler (không rõ loại).
Theo bác sĩ Phạm Cao Kiêm - trưởng khoa phẫu thuật thẩm mỹ Bệnh viện Da liễu T.Ư, chỉ trong một tháng vừa rồi, riêng khoa ông tiếp nhận ba nữ bệnh nhân bị tai biến sưng nề mũi, môi, có vết thương hở làm thủng bộ phận được tiêm chất làm đầy.
Đặc biệt có trường hợp bị đột quỵ do người tiêm đã đưa filler (chất làm đầy) trúng vào mạch máu, filler đã theo mạch máu đi khắp nơi gây tắc mạch máu não.
Ông Hoàng Thanh Tuấn, bác sĩ thẩm mỹ ở Hà Nội, cũng cho biết gần đây đã nhận điều trị một ca biến chứng sau tiêm filler vào mũi và môi. Biến chứng nặng nên bác sĩ phải phẫu thuật để nạo vét phần filler đã tiêm. Do filler có thể di động nên không vét hết và hình thức mũi cũng như môi của khách hàng không thể về vị trí ban đầu.
Nhiều hàng trôi nổi
Theo bác sĩ Thanh Tuấn, đa số filler sử dụng tại thị trường VN hiện nay là hàng Trung Quốc hoặc Hàn Quốc.
Nếu không đổ sản phẩm ra thì không phân biệt được đó là filler hay silicon lỏng, nhưng do lượng sử dụng cho mỗi người chỉ 1-2ml nên chủ các spa thường không cho đổ sản phẩm ra và chị em vì vậy không biết đích xác loại filler mình sử dụng có thật an toàn hay không.
"Số lượng các trường hợp bị biến chứng sau tiêm chất làm đầy đang có xu hướng gia tăng. Có hai lý do dẫn đến việc này, một là do nguồn gốc sản phẩm, không thể phân biệt được filler bằng mắt thường, hai là chị em hay tiêm filler ở các spa và cho rằng tiêm một vài mũi không nguy hiểm như phẫu thuật thẩm mỹ, nhưng các nhân viên spa thường không có kiến thức về phẫu thuật cơ thể người, nguy cơ tiêm vào mạch máu, dẫn đến biến chứng khá lớn" - bác sĩ Kiêm nói.
Các bác sĩ khuyến cáo chị em đi làm đẹp cần lựa chọn sản phẩm chính hãng, có tem nhập khẩu, có nguồn gốc xuất xứ và chọn cơ sở thẩm mỹ uy tín, có bác sĩ thực hiện dịch vụ để đảm bảo an toàn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận