Một trại tị nạn của người dân Lào tại Sanamxay - Ảnh: Bá Dũng
Sau khi đập thủy điện bị vỡ gây thiệt hại nặng nề tại Lào, hàng ngàn chuyên gia, y bác sĩ của các nước đã có một cuộc cứu hộ quy mô. Họ cùng ăn ở, dựng lều trại để hỗ trợ chính phủ, người dân Lào trong lúc khó khăn nhất.
Chúng tôi đến đây để hỗ trợ người dân và chính quyền Lào. Lúc này họ đang rất cần thuốc men, trang thiết bị y tế. Mọi thứ như chúng ta đã thấy ở đây là quá tồi tệ.
Bác sĩ Jui Sik Jung
Những ngày này, các gian đất trống nằm tại trung tâm hành chính huyện Sanamxay, một thị trấn nhỏ của tỉnh Attapeu, đang trở thành trại tị nạn.
Trên các tuyến đường dẫn vào các bệnh viện, các phòng ban của huyện Sanamxay, những chiếc lều phủ bằng bạt chỉ khoảng 5m2 trở thành nơi sinh sống của các nạn nhân vụ vỡ đập.
Bệnh viện dã chiến của người Hàn
Thượng Lào đang ở những ngày cao điểm của mùa mưa. Từ khoảng 14h mỗi ngày, các trận mưa như giội nước xuống các khu tị nạn làm mọi thứ ướt sũng.
Trên một khoảng đất trống, cảnh sát đang bảo vệ an toàn cho những chuyến hạ đáp của trực thăng cứu hộ. Tiếng gầm rú của trực thăng xé toạc những cánh rừng khi mang hàng thả xuống các địa điểm mà người dân đang bị cô lập.
Kế bên một trường mầm non ở trung tâm huyện, trạm y tế dã chiến của các y bác sĩ Hàn Quốc được dựng lên.
Trong lõm bõm bùn đất, những người Lào khốn khổ lần lượt bế con cái, cõng người lớn tuổi đến để thăm khám, điều trị các chứng bệnh bùng phát sau nhiều ngày cầm cự tại trại tị nạn.
"Chúng tôi chẳng còn gì nữa. Ruộng vườn đã bị bùn vùi lấp, nhà cửa đã bị nước kéo về làm sụp đổ. Gần như cả bản chúng tôi cả tháng nay đã phải ở đây, không điện, không nhà, không biết ngày mai" - một người phụ nữ khắc khổ cầm chiếc túi trên tay đi tập tễnh tới trình bày với y bác sĩ Hàn Quốc tại bệnh viện dã chiến mà họ dựng lên.
Đó là hai gian nhà bạt, mỗi gian cỡ một căn nhà cấp 4. Các bác sĩ, y tá thuộc Đội cứu hộ thảm họa thiên tai Hàn Quốc (KDRT) gồm 12 thành viên cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế (KOICA) với chín thành viên đã có một hành trình dài hàng ngàn kilômet để đến trợ giúp người dân Lào từ ngày 29-7 tới nay.
Họ đem theo nhiều máy móc, thiết bị hiện đại để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho người dân.
Từ ngày bệnh viện dã chiến của người Hàn được dựng lên, người bận rộn nhất là ông Sang Hyun Jung - thông dịch viên cho đoàn. Ông Sang sinh sống và làm việc ở Lào nhiều năm nay.
Ông nói khi vụ Xe Pian - Xe Namnoy xảy ra, các y bác sĩ đã lên đường và ông được giao trách nhiệm thông ngôn cho họ. Đội ngũ này phải bay tới sân bay quốc tế Pakse rồi từ đây di chuyển nhiều chặng bằng ôtô mới tới trung tâm tỉnh Attapeu.
Theo thông tin mà phía Lào cung cấp, một trong số các nhà thầu tham gia xây dựng thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy là người Hàn.
"Chúng tôi đến đây để hỗ trợ người dân và chính quyền Lào. Lúc này họ đang rất cần thuốc men, trang thiết bị y tế. Mọi thứ như chúng ta đã thấy ở đây là quá tồi tệ" - bác sĩ Jui Sik Jung nói.
Cảnh sát cứu hộ Singapore có mặt tại bản May, huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu - Ảnh: BÁ DŨNG
Cứu hộ và cứu trợ quốc tế
Thiếu tướng Pha Lom, chỉ huy trưởng lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Lào, nói rằng với tính chất, mức độ thảm họa của vụ , cộng đồng quốc tế đã dành sự quan tâm đặc biệt tới chính phủ và người dân Lào.
Lực lượng của Việt Nam đang công tác tại Lào đã phản ứng với thảm họa và tham gia ứng cứu đầu tiên. Những ngày sau đó, liên tiếp các đoàn cứu hộ quốc tế của Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc... đã đổ bộ đến trung tâm huyện Sanamxay.
Tại bản May, chúng tôi nhìn thấy các chuyến xe bán tải nối đuôi nhau chạy giữa bùn lầy chở theo các chuyên gia của lực lượng cảnh sát Singapore.
Trong số các lực lượng có mặt tại vùng thảm họa, đội cứu hộ của cảnh sát Singapore tỏ ra khác biệt bởi tất cả đều là chiến sĩ trẻ, có chiều cao vượt trội và được trang bị "tận răng" các thiết bị tìm kiếm cứu hộ. Họ có bề ngoài rất "hầm hố" và khá kín kẽ khi được hỏi về công việc tại Lào.
Sau khi đập thủy điện vỡ, số người dân sống sót được di chuyển lên các trại tập trung ở những vị trí cao nằm rải rác quanh trung tâm huyện Sanamxay.
Ngoài việc tham gia bố trí hỗ trợ ăn ở, thăm khám bệnh, giúp người dân bắt đầu với cuộc sống tạm bợ, các lực lượng cứu hộ cũng được đưa về các vùng bị thiệt hại để tìm kiếm người mất tích.
Con số nạn nhân mất tích nằm ở đâu đó dưới bùn đất, giữa rừng già được phía Lào công bố khoảng 70 người.
Việc tìm kiếm này mất nhiều công sức và trở nên vô cùng khó khăn khi đống đổ nát kéo dài từ vị trí vỡ đập về phía bán kính 300km.
Trong phạm vi tìm kiếm rộng lớn này, các thành viên cứu hộ phải là những người được tuyển chọn, có sức khỏe, khả năng càn lướt trong địa hình và thời tiết tồi tệ. Đội tìm kiếm của cảnh sát Singapore là một lực lượng như thế.
Ngoài Singapore, lực lượng tìm kiếm cứu hộ đến từ Thái Lan cũng có mặt khá sớm. Ngay khi có mặt tại vùng thảm họa, họ liền tung người đi tìm kiếm ngay người dân Lào còn mất tích.
Con đường dẫn từ trung tâm tỉnh Attapeu vào trại tị nạn ở Sanamxay nhão nhoẹt bùn đất luôn đầy những chuyến xe cứu trợ nối đuôi nhau liên tục. Thuốc men, nhu yếu phẩm, quần áo, tiền mặt... từ khắp nơi trên thế giới được đưa về đây để giúp người dân Lào...
Các y bác sĩ Hàn Quốc khám và điều trị bệnh cho người dân Lào tại trại tị nạn - Ảnh: Bá Dũng
Người Việt nghĩa tình
Trong vùng ảnh hưởng của vụ vỡ đập thủy điện Xe Pian - Xe Namnoy có khá nhiều người dân từ Việt Nam qua làm ăn buôn bán. Khi vụ vỡ đập thủy điện xảy ra, nhiều người Lào nói với chúng tôi họ rất cảm kích trước sự giúp đỡ, hỗ trợ chia sẻ của người Việt Nam.
Anh Đỗ Văn Dũng (29 tuổi) quê ở Ninh Bình (Việt Nam), qua mở cửa hàng buôn bán tại trung tâm huyện Sanamxay năm năm nay.
Khi sự cố vỡ đập xảy ra, thấy người Lào phải bỏ của tháo chạy, mất sạch đồ đạc, nhiều người đói lả thì anh Dũng đã kêu gọi người Việt sinh sống trong vùng mua hàng hóa, quần áo, gạo, nhu yếu phẩm rồi chở đi phân phát cho người dân Lào.
"Người Lào cũng như người Việt mình, họ thật thà và tội nghiệp. Chúng tôi được họ cưu mang, giúp đỡ khi gặp khó khăn nên chúng tôi giúp lại như một trách nhiệm cần đền đáp".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận