Quá khứ đẫm tương cà của người thành đạt

TRỌNG NHÂN 25/10/2024 07:22 GMT+7

TTCT - "Kinh nghiệm lật burger" đang là một gạch đầu dòng nhiều người khao khát có trong sơ yếu lý lịch, bởi nó gần như là một thứ "huy hiệu tự hào" của những người đã leo rất cao trên nấc thang thành công.

Quá khứ đẫm tương cà của người thành đạt - Ảnh 1.

Ảnh: Getty Images

Michael Erickson, 57 tuổi, hiện là giám đốc Melissa Libby & Associates, một công ty truyền thông chiến lược tại Michigan (Mỹ). Dù đã 40 năm kể từ ca làm việc cuối cùng, Erickson vẫn nhớ như in cảm giác khi mặc bộ đồng phục chạy bàn của McDonald's. 

Ông cũng không thể quên những lần vừa về nhà là phải lập tức phải cởi bỏ cái áo dính đầy dầu mỡ, cho ngay vào máy giặt để tránh làm cả căn nhà bốc mùi, như mẹ ông nhiều lần căn dặn. Những kỹ năng phục vụ khách hàng và làm việc cật lực học được hồi còn ở McDonald's đã để lại cho Erickson một dấu ấn khó phai, hệt như mấy vết bẩn tương cà.

Nhiều người rất thích kể về "quá khứ đẫm tương cà" như thế, từ sếp doanh nghiệp tới chủ tập đoàn và cả ứng viên tổng thống. Chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên Dân chủ Kamala Harris nhắc chuyện bà từng làm thêm mùa hè ở McDonald's, như một cách chứng tỏ bà thấu hiểu khó khăn của những người ở tầng lớp kinh tế thấp. Đối thủ Donald Trump cáo buộc bà dựng chuyện, trong khi chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh này từ chối bình luận.

Suy cho cùng, một công việc mùa hè của ứng cử viên có vẻ như là một chi tiết chẳng mấy liên quan trong cuộc đua vào một trong những vị trí quyền lực nhất thế giới. Nhưng nhìn ở một góc độ khác, khoảng thời gian làm việc cho các cửa hàng thức ăn nhanh quả thật được nhiều người có địa vị rất xem trọng như một giai đoạn quý giá trong nấc thang sự nghiệp.

Trước khi trở thành người giàu thứ hai thế giới với tài sản ròng 212,4 tỉ USD, nhà sáng lập kiêm CEO Amazon Jeff Bezos từng làm việc tại McDonald's. "Tuần đầu tiên, một bình tương cà gần 20 lít gắn trên tường bị kẹt và bắn tương vào mọi ngóc ngách khó chùi trong bếp. Vì là người mới, tôi bị họ đưa dung dịch vệ sinh và bảo: làm đi!" - Bezos kể trong cuốn sách Golden Opportunity: Remarkable Careers That Began at McDonald's của Cody Teets. 

Bezos chỉ làm việc trong bếp và chưa bao giờ được đứng quầy thu ngân. "Khó nhất là duy trì tốc độ làm việc trong giờ cao điểm. Quản lý ở McDonald's của tôi rất giỏi. Ông ấy giúp chúng tôi tập trung trong khi vẫn vui vẻ làm việc" - Bezos kể. Những trải nghiệm này đã dạy ông rất nhiều về trách nhiệm.

Tương tự, Jensen Huang - đồng sáng lập và CEO của Nvidia, tập đoàn chip máy tính trị giá 2.000 tỉ USD - cho rằng khoảng thời gian rửa chén tại chuỗi cửa hàng Denny's giúp ông xây dựng đạo đức làm việc ở tập đoàn sau này. "Rửa bát và bồi bàn tại Denny's từ năm 1978 đến 1983" là dòng kinh nghiệm duy nhất được Huang chia sẻ trên LinkedIn.

Heather McLean, hiện là giám đốc điều hành của công ty tư vấn công nghệ McLean Forrester, cho rằng làm việc trong ngành đồ ăn nhanh giúp cô học được không có công việc nào là thấp kém. "Tôi luôn quan niệm rằng hãy nở hoa ở bất cứ nơi nào mình được trồng. Đúng, tôi chỉ là người nhận đơn tại McDonald's, nhưng tôi rất giỏi ở đó" - McLean nói.

Theo The Wall Street Journal, nhiều nhà quản lý cấp cao từng lật burger cho rằng việc phải đổ mồ hôi trong những căn bếp chật hẹp và sôi nước mắt phục vụ khách hàng khó tính đã giúp họ học cách vượt qua thách thức và đối mặt với hầu hết mọi kiểu người. Ngoài ra, những ai từng nai lưng chịu nhận công việc với đồng lương rẻ bèo tính theo giờ ấy cũng được đánh giá là người không dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn.

Dĩ nhiên, không phải ai cũng bước từ gian bếp của cửa hàng thức ăn nhanh đều có thể trở thành lãnh đạo. Từ "McJob" - một cách chơi chữ chỉ những công việc tựa như làm nhân viên phục vụ tại McDonald's - đã trở thành một cách gọi những công việc không có tương lai. Thậm chí, "McJob" còn được đưa vào từ điển Merriam-Webster với khái niệm: "Công việc lương thấp, đòi hỏi ít kỹ năng và không có cơ hội thăng tiến".

Dù vậy, theo Tiffanie Boyd, phó chủ tịch cấp cao và giám đốc nhân sự của McDonald's tại Mỹ, những kinh nghiệm thực tế mà công việc này mang lại là vô giá, nhất là nó giúp phát triển các kỹ năng mềm quan trọng như quản lý thời gian, phục vụ khách hàng, giao tiếp và thích ứng linh hoạt. Nhưng quan trọng nhất là khả năng làm việc nhanh chóng và hiệu quả dưới áp lực, đúng như Jeff Bezos từng kể. 

"Bạn phải làm quen với môi trường nhanh nhẹn, những hạn chót dày đặc và kỳ vọng cao như giao đơn hàng đúng giờ, xử lý số lượng khách hàng đông đúc. Thành thạo những kỹ năng này có thể giúp bạn thành công trong bất kỳ công việc nào, dù bạn là một nhà phát triển phần mềm, quản lý nhóm bán lẻ hay làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, đầu tư" - Boyd nói với CNBC.

Trở lại với Michael Erickson. Mỗi lần nhìn vào hồ sơ ứng viên, ông đều đánh giá cao những người từng có kinh nghiệm làm cho các cửa hàng thức ăn nhanh. Họ luôn nổi bật trong mắt ông. Thậm chí khi phỏng vấn họ, ông còn có cảm giác mình như đang gặp một "đồng chí". 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận