07/11/2019 08:22 GMT+7

Quá khổ vì biển báo tốc độ đô thị

TRẦN ĐỨC HIỀN (Bạc Liêu)
TRẦN ĐỨC HIỀN (Bạc Liêu)

TTO - Làm nghề lái xe, tôi thấu hiểu nỗi khổ của đồng nghiệp về hệ thống biển báo tốc độ ở những đoạn đường được quy định là nội ô. Khắp các tỉnh thành đâu cũng có những biển báo “nửa vời” làm khó người lái xe.

Quá khổ vì biển báo tốc độ đô thị - Ảnh 1.

Một biển báo vào khu vực đông dân cư ở phường Hộ Phòng, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu - Ảnh: Đ.HIỀN

Đó là kiểu biển báo "có vào mà không có ra": cơ quan chức năng chỉ lắp biển R.420 báo xe đã vào đô thị nhưng không lắp biển R.421 báo đã hết đô thị. Lại có kiểu "có ra mà không có vào": tài xế chỉ thấy lắp biển R.421 báo hết đô thị nhưng không thấy biển R.420 lắp ở nơi nào!

Biển báo “đánh đố” trên đường luôn là nỗi lo sợ của chúng tôi, lắm khi vô tình có thể trả giá bằng lương tháng và cơ hội được làm việc, nuôi gia đình của anh em tài xế.

TRẦN ĐỨC HIỀN (Bạc Liêu)

"Đánh đố" tài xế

Tuyến đường 23/8 của thành phố Bạc Liêu (Bạc Liêu), hướng từ nội ô đi ra không lắp biển 421. Tôi đã phản ảnh việc này lên cơ quan quản lý giao thông và nhận được câu trả lời là khi đi qua vòng xoay Cầu Sập vào đến quốc lộ (QL) 1 hết nội ô, không cần phải lắp biển 421. Bốn năm nay vẫn không có biển báo hết nội ô.

Tuyến QL 1 qua thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) cũng có lắp biển 420 để hạn chế tốc độ. Tuyến đường này có giao nhau với QL Phụng Hiệp, nhưng khi các xe rẽ vào QL Phụng Hiệp để tránh qua khu vực chợ Ngã Bảy thì lại không có biển xóa đô thị. Xe quen đường thì tự tăng tốc, xe lạ thì cứ ì ạch "bò", chuyện này gây bức xúc từ rất lâu nay.

Những trường hợp này thường xuất hiện tại vị trí giao nhau giữa các tuyến đường do các cơ quan khác nhau quản lý, nên xảy ra tình trạng đường của bên nào thì bên đó lắp biển, thiếu sự phối hợp với nhau, tài xế dễ dính lỗi vi phạm tốc độ.

Tại thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) có nơi giao nhau theo kiểu dấu cộng (+) giữa tuyến QL Phụng Hiệp và QL 61B. 

Đến nơi giao nhau này, các xe đi theo trục đường thẳng trên QL Phụng Hiệp không bị hạn chế tốc độ do không có lắp đặt hệ thống biển báo 420, nhưng khi rẽ trái hay rẽ phải để đi trên QL 61B phải đi với tốc độ đô thị nhưng nhiều tài xế không biết (do biển báo 420 chỉ được lắp đặt ở hai đầu QL 61B cách đó gần 1km). 

Nhiều tài xế chỉ bất ngờ khi thấy biển 421 xuất hiện sau khi đã đi một đoạn đường dài với tốc độ cao trên QL 61B.

Trường hợp này cơ quan quản lý QL 61B không sai khi không cần nhắc lại biển 420 khi qua nơi giao nhau do biển báo này có hiệu lực liên tục, nhưng họ lại thiếu sự cân nhắc khi có tuyến QL Phụng Hiệp cắt ngang, đã không bổ sung biển báo (kể cả cần biển báo hết đô thị cho xe rẽ từ QL 61B để vào QL Phụng Hiệp). QL1 giao cắt với QL 54 thuộc địa phận thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Có những hệ thống biển báo 420 trước đây được lắp đặt là đúng, nhưng sau thời gian nó trở nên thừa do có sự thay đổi biển báo của các tuyến đường khác giao cắt nhưng cơ quan quản lý không tháo dỡ (hai biển báo 420 và 421 tại Km01 QL 61C thuộc TP Cần Thơ là một ví dụ).

Biển báo cũng phải nghiêm chỉnh

Trên đây chỉ là một vài dẫn chứng ở khắp các nẻo đường mà tôi đi qua còn rất nhiều điều bất cập. Mong các cơ quan quản lý rà soát lại biển báo tốc độ ở những tuyến đường có bố trí hệ thống biển báo tốc độ khu vực đô thị, hợp tác với đơn vị khác khi có tuyến đường giao nhau, thậm chí cả đường tỉnh, đường huyện.

Quy chuẩn 41:2016/BGTVT có quy định nhóm "biển báo chỉ dẫn" (trong đó có biển báo 420) sẽ tự hết hiệu lực khi qua nơi giao nhau. Qua giao lộ, nhiều tài xế sẽ tăng tốc vì nghĩ mình đã ra khỏi khu vực đông dân cư nhưng không có biển 420 nhắc lại. Lại có trường hợp sau khi qua nơi giao nhau sẽ ra khỏi khu vực đông dân cư nhưng cơ quan chức năng lại không lắp biển R.421 (hết khu vực đông dân cư). 

Khi chúng tôi phản ảnh thì nhận được ý kiến rằng biển 420 đã tự hết hiệu lực khi qua nơi giao nhau, không cần lắp biển R.421.

Do sự tranh cãi này diễn ra thường xuyên, nên đến ngày 31-7-2017 Bộ GTVT có công văn 8484/BGVT-KHCN hướng dẫn rõ về phạm vi hiệu lực của biển 420, đó là biển này vẫn còn hiệu lực khi qua nơi giao nhau và không cần lắp đặt biển báo nhắc lại, nó sẽ có hiệu lực liên tục khi có biển R.421.

Đã có một vài vụ kiện xảy ra giữa người lái xe và CSGT liên quan vấn đề này. Là người trong nghề, tôi hiểu rõ nỗi khổ của tài xế vì sự lộn xộn trong khâu lắp đặt của hệ thống biển báo 420 mỗi khi ôm vôlăng. Theo quy định hiện nay, mức phạt lỗi chạy quá tốc độ thấp nhất là 600.000 đồng, cao nhất lên đến 8 triệu đồng và còn bị tước giấy phép lái xe tối đa đến 4 tháng. 

Làm nghề này, hầu hết chúng tôi ai cũng muốn nghiêm túc chấp hành biển báo và luôn hi vọng có một hệ thống biển báo rõ ràng để không ai phải dính lỗi, bị phạt oan vì biển báo lộn xộn.

Đặt biển báo tốc độ: cho phép độ linh động cao hơn Đặt biển báo tốc độ: cho phép độ linh động cao hơn

TTO - Cùng tuyến đường, tốc độ tối đa có thể khác nhau theo chiều và thời gian khác nhau. Đó là điểm mới của thông tư quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới trên đường bộ vừa được Bộ Giao thông vận tải ban hành.

TRẦN ĐỨC HIỀN (Bạc Liêu)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên