25/05/2019 08:22 GMT+7

Qua cầu Vàm Cống đụng trạm T2: Đi bao nhiêu, trả bấy nhiêu!

CHÍ HẠNH
CHÍ HẠNH

TTO - "Người ta nói ăn bánh thì trả tiền, nhưng ở đây chúng tôi đâu có sử dụng hết QL 91 hoặc QL 91B đâu mà khi ra vào An Giang phải đóng phí".

Qua cầu Vàm Cống đụng trạm T2: Đi bao nhiêu, trả bấy nhiêu! - Ảnh 1.

Chiều 24-5, trạm T2 nhiều lần phải xả trạm bởi tài xế liên tiếp dừng xe tại trạm để phản đối vị trí đặt trạm này vì quá bất hợp lý - Ảnh: CHÍ QUỐC

Cầu Vàm Cống nối đôi bờ sông Hậu, phá thế "ngăn sông, cách trở" hàng chục năm nay vừa thông xe làm bao người hạnh phúc. Thế nhưng chưa kịp vui trọn vẹn thì... đụng trạm thu phí T2.

Những ngày qua, trạm T2 dự án BOT quốc lộ (QL) 91 phải xả nhiều lần vì giới tài xế qua đây phản ứng. Theo nhiều tài xế, đi từ Kiên Giang, Đồng Tháp hoặc hướng về TP.HCM qua QL 80 hoặc ngược lại đều phải đóng "hụi chết" cho trạm T2. Trong khi đoạn đường họ sử dụng trên QL 91 chỉ chừng 300m!

Cầu Vàm Cống được đầu tư gần 5.500 tỉ đồng lại không thu phí nhưng sử dụng có 300m quốc lộ 91 lại phải trả tiền thì hỏi sao không bức xúc.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân (chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang) 

Bức xúc về vị trí trạm T2

Tài xế Nguyễn Văn Mạnh, người thường xuyên chở khách đi tuyến TP.HCM - An Giang, cho biết khi cầu Vàm Cống khánh thành chưa kịp vui đã phải buồn vì phải nộp tiền cho trạm T2. 

"Người ta nói ăn bánh thì trả tiền, nhưng ở đây chúng tôi đâu có sử dụng hết QL 91 hoặc QL 91B đâu mà khi ra vào An Giang phải đóng phí. Nếu để trạm T2 ở đó thì bình quân mỗi lượt đi và về tôi tốn mất 70.000 đồng đối với xe 7 chỗ là điều bất hợp lý" - anh Mạnh nói.

Không riêng gì giới tài xế, mà cử tri An Giang lâu nay cũng phản ứng trạm T2 đặt ở vị trí được coi là cửa ngõ độc đạo ra vào tỉnh. Với vai trò là một cử tri, đại tá Phan Quang Điểm, nguyên phó giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết rất bức xúc khi trạm T2 vẫn chưa bị di dời. 

Theo đại tá Điểm, cầu Vàm Cống khánh thành đưa vào sử dụng thì hàng triệu lượt du khách khắp nơi trong cả nước đổ về An Giang sẽ bị "móc túi hợp pháp", dù chỉ đi vài trăm mét mà phải đóng tiền cho cả tuyến đường 60km ở TP Cần Thơ.

"Bây giờ, dân An Giang muốn đi lên tham quan cầu Vàm Cống cũng phải tốn phí. Hoặc đi xe về Kiên Giang, lên TP.HCM cũng phải tốn phí. Rõ ràng là họ đang "móc túi" người dân và du khách, tôi đề nghị trạm T2 nên di dời về đúng vị trí của nó, qua khỏi ngã ba Lộ Tẻ" - ông Điểm nói.

Đề xuất 2 phương án giải quyết

Trả lời báo chí sau cuộc họp với Tổng cục Đường bộ ngày 23-5, ông Nguyễn Việt Trí - giám đốc Sở GTVT An Giang - cho biết tất cả lãnh đạo tỉnh cũng như các sở, ngành của An Giang rất ủng hộ chính sách của trung ương và Bộ GTVT về phát triển giao thông cho Đồng bằng sông Cửu Long. 

Đối với An Giang, hiện nay kinh tế cũng đang còn rất khó khăn và tỉnh đang rất mong nhà đầu tư tìm đến đây. Việc đặt trạm T2 như hiện nay liên tục gặp phản ứng của hiệp hội vận tải, giới lái xe và cả những xe tư nhân. Với tình hình đó, An Giang nhận định rằng phải có giải pháp xử lý, tạo đồng thuận và cần phải xem xét lại.

"Chúng tôi đề xuất phương án những xe từ hướng Kiên Giang, từ cầu Vàm Cống rẽ xuống để vào An Giang thì được phát 1 cái thẻ. Đến trạm T2 các xe này trả thẻ và mua vé giá 2.000 đồng để qua trạm, tương đương với 300m đường dự án QL 91. 

Tất cả các xe từ An Giang qua trạm T2 thì mua vé 2.000 đồng, nếu đi lên cầu Vàm Cống và về Kiên Giang thì không cần phải mua nữa, còn nếu xuống trạm T1 thì tiếp tục mua vé 33.000 đồng là đủ 35.000 đồng cho chủ đầu tư.

Phương án 2, nếu chủ đầu tư sợ thất thu thì tất cả xe của tỉnh An Giang khi qua trạm đều phải mua vé 35.000 đồng, nhưng nếu xe nào rẽ về Kiên Giang hoặc lên cầu Vàm Cống thì chủ đầu tư phải tổ chức trả lại 33.000 đồng. Giải pháp này được sự ủng hộ cao của các thành phần tham dự và không đồng ý với giải pháp miễn giảm như trước" - ông Trí nói.

Ông Trí bày tỏ quan điểm: "Chúng tôi muốn đi bao nhiêu mét đường thì trả bấy nhiêu tiền. Chuyện thu phí ở trạm T2 là chuyện nhỏ, chuyện lớn ở đây là sự bất ổn, xáo trộn xã hội địa phương".

Qua cầu Vàm Cống đụng trạm T2: Đi bao nhiêu, trả bấy nhiêu! - Ảnh 3.

Đồ họa: N.KH.

Miễn giảm phí không làm dân hài lòng

Nói về những phản ứng của giới tài xế với trạm T2, ông Nguyễn Văn Khang, tổng giám đốc Công ty CP đầu tư QL 91 Cần Thơ - An Giang, thông tin dự án BOT QL 91 thu phí từ năm 2016 và đến cuối năm 2017 thì gặp sự phản ứng của bà con di chuyển trong cự ly ngắn. 

Chính phủ và Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo công ty xem xét phối hợp với địa phương miễn giảm cho hơn 10.000 xe ở 3 tỉnh thành An Giang, Kiên Giang và Cần Thơ. Khi cầu Vàm Cống thông xe, các địa phương tiếp tục rà soát đối tượng nào miễn giảm và lập danh sách. Trên cơ sở đó chủ đầu tư sẽ giảm giá theo đúng danh sách đó.

Ông Khang cũng từng khẳng định trạm T2 đặt ở vị trí hiện tại là hoàn toàn nằm trong dự án, mức phí được Bộ Tài chính cho phép.

"Chi phí giải phóng mặt bằng dự án này hơn 400 tỉ đồng, trong thời gian qua mỗi tháng thu được hơn 10 tỉ đồng, lãi vay phải trả khoảng 10,5 tỉ đồng/tháng. Như vậy, đến thời điểm hiện tại công ty chưa đủ tiền trả gốc cho ngân hàng và phải đến 15 năm mới thu hồi được vốn tự có" - ông Khang kể khó.

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Bình Thạnh - nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang - cho rằng việc đặt trạm T2 trên QL 91 là bất hợp lý, UBND tỉnh đã nhiều lần làm việc với Bộ GTVT, thậm chí là phản ánh trực tiếp với Thủ tướng Chính phủ xem xét lại vị trí đặt trạm cho hợp lý. 

Tuy nhiên, Bộ GTVT lại không muốn di dời trạm này khi làm việc với tỉnh An Giang. "Chính sách miễn giảm phí ở trạm T2 không làm cho người dân và doanh nghiệp tỉnh An Giang hài lòng. Ý kiến của tôi là cương quyết phải dời trạm T2" - ông Thạnh nhấn mạnh.

Ông Phạm Sanh - chuyên gia ngành GTVT - cho rằng khi ký hợp đồng BOT, các thủ tục đầu tư được thực hiện có vẻ như đúng quy trình hoàn toàn. Nhưng có nhiều trường hợp khi dự án hoàn thành, doanh nghiệp BOT thu tiền của người dân để hoàn vốn, đến khi phát hiện điều bất hợp lý, bị thiệt hại về kinh tế thì họ bắt đầu cảm thấy như bị "lừa dối" và phản ứng. 

"Cũng như trạm T2, hiện nay có khoảng 10% dự án BOT tồn tại bất cập, điều đó thể hiện qua sự phản ứng của người dân lẫn chính quyền địa phương. Chỗ nào sai ít sửa ít, sai nhiều sửa nhiều. Tôi cho rằng phải làm ngay việc này. Nếu để lâu sẽ làm ảnh hưởng phát triển kinh tế - xã hội" - ông Sanh nhận định.

Qua cầu Vàm Cống đụng trạm T2: Đi bao nhiêu, trả bấy nhiêu! - Ảnh 4.

Trạm thu phí T2 đặt “chặn” tại khu vực ngã ba Lộ Tẻ nhìn từ trên cao - Ảnh: CHÍ QUỐC

Ông Bùi Văn Quản (chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM): Chỉ trả trên đoạn đường mình đi

Hiện nhiều doanh nghiệp vận tải tuyến TP.HCM - miền Tây (và ngược lại) thường xuyên than phiền việc chủ đầu tư đặt trạm T2 không hợp lý. Xe từ TP.HCM qua cầu Vàm Cống hoặc xe ở An Giang muốn đi ra QL 80 để về Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), Rạch Giá (Kiên Giang) cũng phải mua vé cho suốt tuyến BOT...

Tất cả xe đi từ QL 80 vào Long Xuyên (An Giang) bắt buộc phải nộp phí dù chỉ sử dụng một đoạn ngắn trên tuyến nối BOT QL 91. Hằng ngày, để mỗi chuyến xe hoạt động, các chủ xe đã phải gánh chịu nhiều chi phí bảo trì, chi phí cầu đường...

Trước phản ảnh của người dân, Bộ GTVT cần nhanh chóng rà soát, xem xét lại vị trí đặt trạm. Nếu trạm đặt sai vị trí, thu không đúng quy định thì phải có phương án di dời, hoặc điều chỉnh cho phù hợp. Người dân chỉ trả tiền trên quãng đường mà mình đi là hợp lý.

Ông Lê Thành Thảo (chủ doanh nghiệp vận tải): Phí còn cao hơn vé qua phà Vàm Cống

Nhiều tài xế đang chạy tuyến TP.HCM - Đồng Tháp (và ngược lại) tỏ ra bức xúc khi chỉ đi từ tỉnh An Giang qua ngã ba Lộ Tẻ rồi lên cầu Vàm Cống, sử dụng vài trăm mét QL 91 nhưng phải trả phí cho toàn bộ tuyến đường. Số tiền phí BOT phải bỏ ra còn cao hơn vé qua phà Vàm Cống trước đây.

Các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đường dài hiện nay phải gánh một khoản lớn chi phí để qua các trạm thu phí BOT. Điều này khiến giá thành vận tải tăng cao, nhiều doanh nghiệp rơi vào khốn khó do mất khách hàng, lợi nhuận không cao. Không chỉ vậy, cánh tài xế cũng phải chịu thiệt thòi vì doanh nghiệp lợi nhuận thấp, lương thưởng tài xế ngày càng eo hẹp.

Nhà nước cần xem xét lại vị trí đặt trạm T2 đã hợp lý chưa, đồng thời có phương án di dời trạm, hoặc thay đổi phương án thu phí để giúp doanh nghiệp vận tải, tài xế có thể giảm bớt chi phí vận tải.

TS Chung Thành Tiến (chuyên gia kinh tế): Làm để người dân ủng hộ

Nhà nước cần phải quan tâm đến sự phát triển kinh tế lâu dài cho các vùng, những doanh nghiệp vận tải, người dân để có phương án thu phí sao cho hợp lý, công bằng. Chúng ta nên áp dụng việc thu phí qua trạm thu phí dựa trên quãng đường mà người dân đi lại. Như vậy, người dân đi quãng đường bao nhiêu thì tính phí bấy nhiêu.

Để thực hiện được phương án thu phí này, các cơ quan có thẩm quyền phải lên phương án thu phí rõ ràng, có đầy đủ thiết bị công nghệ, nhân lực để giám sát đảm bảo việc thu phí chính xác. Chúng ta làm được như vậy, người dân sẽ hết sức đồng tình, ủng hộ.

THU DUNG ghi

Tài xế tiếp tục phản ứng, trạm BOT T2 phải xả trạm hàng chục lần

TTO - Sau cuộc họp ghi nhận ý kiến giải quyết bất cập của đại diện các cơ quan ban ngành vào buổi sáng, thì chiều 23-5 trạm T2 BOT Quốc lộ 91 tiếp tục bị tài xế phản ứng, phải xả trạm cả chục lần.

CHÍ HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên