Philipp Lahm (Đức), nhà vô địch thế giới và là một trong những hậu vệ hay nhất mọi thời đại, từng nhận xét về danh hiệu Quả bóng vàng: "Có lẽ không nên tồn tại một giải thưởng cá nhân xuyên suốt trong trò chơi đồng đội.
Thay vào đó, tôi nghĩ chúng ta chỉ nên trao các giải thưởng xuất sắc nhất cho từng vị trí: thủ môn, hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo".
Nhận định của Lahm rất có lý, nếu nhìn nhận từ góc độ chuyên môn bởi bóng đá là một môn thể thao tập thể với phạm vi quá rộng. Chỉ tính riêng trong một đội bóng cũng đã thấy vô số tranh cãi.
Làm thế nào để khẳng định Ronaldo là người xuất sắc nhất trong hành trình vô địch Champions League liên tiếp của Real Madrid giai đoạn 2016-2018? Ronaldo ghi nhiều bàn thắng nhất là điều hiển nhiên.
Nhưng đến khi Ronaldo rời đi, người hâm mộ mới thấy Benzema cũng có thể ghi được nhiều bàn như vậy, một khi sau lưng anh vẫn còn có Modric cùng Kroos. Trái lại, Ronaldo đã không còn thành công ở cấp độ tập thể nữa kể từ ngày rời Real.
Tương tự là tranh cãi của Messi ở Barca, khi anh nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời từ Xavi cùng Iniesta.
Những tranh cãi lại tiếp tục được mở rộng hơn nữa khi nhìn nhận từ các góc độ khác. Huyền thoại Johan Cruyff gọi Quả bóng vàng là "gánh xiếc truyền thông" khi Ronaldo giành danh hiệu này vào năm 2013. Năm đó, Ribery được đánh giá là người chơi hay nhất ở cấp độ CLB (CLB Bayern Munich của anh vô địch Champions League).
Nhưng rồi trái với thông lệ, Ribery bại trận trước Ronaldo trong cuộc bầu chọn. Tất cả là vì "hiệu ứng play-off" của Ronaldo. Khi đó, Ronaldo tỏa sáng rực rỡ giúp tuyển Bồ Đào Nha đánh bại Thụy Điển trong hai trận play-off World Cup 2014.
Và hai trận đấu đó diễn ra đúng trong khoảng thời gian bỏ phiếu bầu Quả bóng vàng được FIFA gia hạn (từ 15-11 sang 29-11). Tỏa sáng vào phút bù giờ, tạo ra hiệu ứng truyền thông to lớn, Ronaldo đã trở thành người chiến thắng Quả bóng vàng.
Cứ như vậy, những tiêu chí về Quả bóng vàng không bao giờ rõ ràng, và lại phụ thuộc nhiều vào yếu tố may mắn.
Sau khi Argentina vô địch World Cup 2022, ai cũng tin rằng Messi sẽ giành một Quả bóng vàng nữa. Nhưng nếu họ thua trên loạt luân lưu với Pháp ở trận chung kết, chẳng lẽ Messi lại không xứng đáng?
Câu chuyện giữa Tiến Linh và Văn Quyết cũng vậy. Nếu Việt Nam vô địch AFF Cup, tiêu chí trao Quả bóng vàng khi đó có lẽ đã nghiêng hẳn về thành tích đội tuyển. Nhưng vì Việt Nam thất bại, nhiều người sẽ bắt đầu lưỡng lự rằng "không thể bỏ qua thành tích CLB"...
Nhưng cũng như luật việt vị, phạt đền và VAR, cuộc chơi càng thú vị hơn khi ranh giới giữa mọi thứ trở nên mong manh. Nếu cứ sau mỗi trận đấu, sau mỗi cuộc bầu chọn, tất cả đều gật gù thừa nhận người chiến thắng là xứng đáng, bóng đá đã không còn là môn thể thao vua.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận