Một phụ nữ dạo bước bên bờ sông Matxcơva, đối diện là tòa nhà chính phủ hôm 15-1. Chính phủ Nga đã bất ngờ từ chức cùng ngày - Ảnh: AFP
Thông điệp liên bang ngày 15-1 của Tổng thống Vladimir Putin được ví như một "quả bom" khi công bố ý định cải tổ hệ thống quyền lực ở Liên bang Nga thông qua việc sửa đổi hiến pháp.
Nhà phân tích người Nga Dmitry Butrin nhận xét nếu đi thẳng vào vấn đề, các đề xuất/chỉ đạo của ông Putin đồng nghĩa với việc nước Nga sẽ từ bỏ chế độ "siêu quyền lực tổng thống" để chuyển sang mô hình cộng hòa tổng thống - nghị viện, trong đó Hội đồng Nhà nước có thêm nhiều quyền hành mới.
Các chức danh thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng (trừ 2 bộ nội vụ, quốc phòng) của Nga sẽ do Duma (Hạ viện) lựa chọn và bổ nhiệm; tổng thống giữ lại quyền bãi nhiệm các thành viên chính phủ và vai trò chỉ huy tối cao các lực lượng vũ trang.
Hội đồng Liên bang (Thượng viện) có thể bãi nhiệm thẩm phán liên bang, thẩm phán tòa án hiến pháp và tòa án tối cao...
Nếu đề xuất của ông Putin không vấp phải sự phản đối nào, đây sẽ là thay đổi lớn chưa từng thấy trong cấu trúc quyền lực tại Nga kể từ năm 1993.
Giới quan sát Nga nhận định các diễn biến tiếp theo còn phải chờ xem phản ứng của hệ thống chính trị hiện tại, bởi lẽ không có dấu hiệu nào cho thấy ông Putin đã thảo luận trước chuyện này với các phe nhóm chính trị khác nhau.
Báo Kommersant của Nga dẫn nguồn tin riêng cho biết từ cuối năm 2019, Thủ tướng Dmitry Medvedev cũng chủ trương một kế hoạch cải tổ hệ thống chính trị khác không kém phần triệt để - sáp nhập quyền tổng thống vào nhánh hành pháp giống như ở Mỹ.
Tuy nhiên, sau thông điệp liên bang ngày 15-1 và cuộc gặp tham vấn với tổng thống, ông Medvedev và dàn bộ trưởng lập tức từ chức. Theo lời ông, các đề xuất sửa đổi hiến pháp của Tổng thống Putin sẽ thay đổi cán cân quyền lực hành pháp - tư pháp - lập pháp, do đó chính phủ của ông từ chức để mở đường cho thay đổi mới.
Ông Mikhail Mishustin - tân thủ tướng thay thế ông Medvedev - khi điều hành Cục Thuế liên bang Nga giai đoạn 2010-2019 đã rất thành công với chương trình số hóa hệ thống thuế của Nga, giúp nó được công nhận là một trong các hệ thống tân tiến của thế giới.
Tổng thống Putin có lẽ kỳ vọng người đàn ông này sẽ mang luồng gió mới cho hệ thống hành pháp bằng tài năng đó.
Các đời tổng thống, thủ tướng Nga từ năm 1991 - Đồ họa: TUẤN ANH
Cũng theo tờ Kommersant, giới doanh nghiệp và ngân hàng ở Nga tỏ ra khá bình thản trước biến động lớn trên chính trường. Điều này càng xác nhận tin đồn về thay đổi nhân sự, ít nhất ở cấp chính phủ, lan truyền trong vài tháng qua là có thật.
Nhưng lý do quan trọng hơn hết là không ai trông đợi một thay đổi quy mô xảy ra ngay lập tức ở Nga. "Con người sẽ thay đổi, nhưng đây chưa phải là bầu không khí chính trị hoàn toàn khác" - một nguồn tin bình luận với Kommersant.
Phần lớn ý kiến đều cho rằng những nhân vật quan trọng với lĩnh vực công nghiệp như phó thủ tướng Anton Siluanov và Dmitry Kozak sẽ giữ được ghế trong chính phủ mới.
Ở hướng ngược lại, việc ông Mishustin được bổ nhiệm vào ghế thủ tướng Nga cũng có thể báo trước một cuộc "thay máu" nhân sự lớn. Tổng thống Putin đã nói rõ trong bài diễn văn rằng ông kỳ vọng quyết định này có thể dẫn đến thành tích tăng trưởng GDP 5% cho Nga vào năm 2024.
Sau những gì thế giới chứng kiến, bầu không khí chính trị ở Nga rõ ràng đang rất sôi nổi, có thể đoán rằng cuộc trưng cầu dân ý về thay đổi hiến pháp sẽ diễn ra sớm trong vài tháng tới. Riêng sự kiện ngày 15-1-2020 chỉ chưa trả lời một câu hỏi mà ai cũng rất quan tâm: Ông Putin sẽ giữ vai trò nào trong hệ thống chính trị tương lai?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận