Tổng thống Iran Hassan Rouhani thăm một cơ sở hạt nhân tại Tehran hồi 4-2019 - Ảnh: AFP
Trong tuyên bố phát trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết đã thông báo đến các bên tham gia ký kết thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (), gồm Iran và nhóm P5+1, rằng Tehran sẽ bắt đầu đình chỉ thực hiện một số cam kết như bán uranium đã được làm giàu và nước nặng cho các nước khác.
Căng thẳng gia tăng
Đúng một năm trước, ngày 8-5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi JCPOA với lý do thỏa thuận quá lỏng lẻo, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Iran, và mới đây gia tăng sức ép lên quốc gia vùng Vịnh này.
Washington thời gian qua đã bóp nghẹt tất cả nguồn xuất khẩu dầu của Iran và gây tranh cãi khi liệt Lực lượng vệ binh cách mạng vào danh sách các tổ chức khủng bố nước ngoài - một sự việc chưa có tiền lệ khi một tổ chức vũ trang chính thức của một nhà nước có chủ quyền bị một quốc gia khác coi là "khủng bố".
Iran phản ứng với đe dọa phong tỏa eo biển chiến lược Hormuz. Trong tháng 4-2019, ông Trump cũng quyết định giữ nguyên biện pháp trừng phạt đối với 5 nước còn nhập khẩu dầu từ Iran.
Cuối tuần trước, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton cho biết Mỹ đang triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay do tàu USS Abraham Lincoln dẫn đầu và một phi đội máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress đến vịnh Ba Tư.
Tất cả rõ ràng nhằm gửi đi một thông điệp "nặng ký" rằng Washington sẽ đáp trả quyết liệt trước bất kỳ cuộc tấn công nào vào lợi ích của Mỹ hoặc các đồng minh.
Bầu không khí thêm ngột ngạt khi Ngoại trưởng Mike Pompeo ngày 7-5 bất ngờ bay tới Baghdad, Iraq để yêu cầu bảo vệ các binh sĩ Mỹ, sau khi có các nguồn tin tình báo cho biết Tehran đang chuẩn bị tấn công binh sĩ Mỹ ở Iraq và Syria.
"Tôi hi vọng Iran sẽ suy nghĩ kỹ trước khi tấn công các lợi ích của Mỹ" - Reuters dẫn lời ông Pompeo dù không nói cụ thể mối đe dọa là gì.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln, thông điệp 200.000 tấn của Mỹ, trên Địa Trung Hải - Ảnh: Reuters
Tôi không nghĩ có bên nào muốn chiến tranh, nhưng tình hình bên miệng hố chiến tranh như thế này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.
Nhà nghiên cứu ALEX VATANKA thuộc Viện Trung Đông (Mỹ) nhận định trên tờ Politico.
Tối hậu thư
Chính quyền Tehran lập luận rằng mình không làm bừa bởi những bước này không vi phạm thỏa thuận và không có nghĩa họ từ bỏ hoàn toàn thỏa thuận.
"Hành động của chúng tôi có trong các điều khoản của JCPOA" - Ngoại trưởng Iran Javad Zarif viết trên mạng xã hội Twitter.
"Mọi người trên thế giới nên biết rằng hôm nay không phải là cái kết của JCPOA, đó chỉ là một bước mới trong khuôn khổ JCPOA" - Tổng thống Iran Hassan Rouhani khẳng định ngày 8-5.
Thật ra thỏa thuận có các điều khoản cho phép một bên có biện pháp đáp trả nếu một bên khác, trong trường hợp này là Mỹ, vi phạm cam kết. Tehran cũng bác bỏ các cáo cuộc của Mỹ và cho rằng đây là đòn "chiến tranh tâm lý" của Washington.
Tuy nhiên tổng thống Iran ra tối hậu thư rằng nước này sẽ làm giàu hạt nhân trở lại nếu các bên gồm Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc trong 60 ngày không thực hiện cam kết bảo vệ các ngành dầu mỏ, ngân hàng của Iran.
Ngoài ra, ông cũng cảnh báo sẽ phản ứng quyết liệt nếu vụ việc được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Châu Âu lo sốt vó
Châu Âu tiếp tục rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan. Chính quyền Pháp ngày 8-5 cho biết nước này muốn giữ với Iran năm 2015 nhưng cảnh báo châu Âu có thể tái áp đặt các biện pháp trừng phạt với Tehran nếu nước này không giữ đúng các cam kết.
"Hiện tại không gì tệ hơn việc Iran tự mình rút khỏi thỏa thuận này" - Bộ trưởng quốc phòng Pháp Florence Parly nói trên Đài BFM TV/RMC, cho biết các nước châu Âu tham gia ký kết thỏa thuận, gồm Anh, Pháp, Đức, đang làm hết sức để cứu vãn thỏa thuận.
Trong khi đó, Hãng tin RIA dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov chỉ trích tình hình Iran trở nên tồi tệ do cách hành xử thiếu trách nhiệm của Mỹ, đồng thời cho rằng còn quá sớm để nói về việc trừng phạt Tehran.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận