TTCT- Nếu cuộc “khủng hoảng Qatar” leo thang thành một cuộc xung đột mới ở vùng Vịnh, thì có thể nói tất cả bắt đầu với chuyến thăm Saudi Arabia của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Song, đó mới chỉ là nguyên nhân bề nổi. Iran và Saudi Arabia từ lâu đã là kình địch ở khu vực Trung Đông -CNN 2h51 chiều thứ sáu 9-6 tuần rồi, ông Trump tiếp Tổng thống Romania Klaus Iohannis tại Nhà Trắng, tiếp tục chuỗi “tiếp quốc khách đến chào” của ông. Trong cuộc họp báo chung, sau vài câu chào mừng xã giao, ông Trump dành nửa đầu bài diễn văn dài 965 chữ để loan báo quyết định trọng đại của ông về vấn đề Qatar, sau đó mới nói đến quan hệ với Romania. Dàn bài độc đáo này của diễn văn cho thấy mức độ “dấn thân” của ông Trump đến đâu trong vụ này. Cuộc chiến đầu tiên Ông nhắc lại chuyến đi tới Trung Đông và việc gây dựng liên minh ở đó, đồng thời “luận tội và tuyên án” Qatar: “Qatar, thật không may, từng là một nhà tài trợ khủng bố ở mức rất cao. Sau hội nghị (tại Trung Đông), các quốc gia đã họp lại và nói với tôi về việc buộc Qatar đối mặt với những hành vi của họ. Vì vậy, chúng tôi đã phải đi tới quyết định: hoặc đi tiếp trên con đường dễ dàng, hoặc cuối cùng tiến hành một hành động khó khăn nhưng cần thiết? Chúng ta phải dừng việc tài trợ khủng bố. Tôi quyết định, cùng với Ngoại trưởng Rex Tillerson, và các vị tướng tài ba cùng quân đội của chúng tôi, rằng đã đến lúc kêu gọi Qatar chấm dứt các hoạt động tài trợ của họ”. Đồng thời với việc răn đe Qatar, ông đề cao đồng minh vừa được củng cố: “Tôi muốn cảm ơn Saudi Arabia và người bạn của tôi, quốc vương Salman, cùng tất cả các nước đã tham dự hội nghị thượng đỉnh lịch sử này... Hi vọng rằng đó sẽ là khởi đầu của sự chấm dứt tài trợ khủng bố”. 19 ngày trước, ông đã đặt chân xuống thủ đô Riyadh của Saudi Arabia, gặp quốc vương Salman, để rồi Saudi Arabia trở thành đồng minh “số một” của ông Trump ở Trung Đông, điều được khẳng định trong “Tuyên bố tầm nhìn chiến lược hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Saudi Arabia” ngày 20-5: “Hoa Kỳ và Vương quốc Saudi Arabia sẽ bắt tay vào những sáng kiến mới nhằm chống lại việc lan truyền những thông điệp cực đoan bạo lực, cắt đứt việc tài trợ khủng bố, đồng thời tăng cường hợp tác quốc phòng”. Như theo định luật bình thông nhau, một khi chính sách Trung Đông của ông Trump từ nay dựa trên sự ủy thác toàn quyền với hoàng gia Saudi, thì cuộc thương lượng mang nhiều màu sắc nhượng bộ về vấn đề hạt nhân Iran, đã nên hình nên dạng dưới trào cựu tổng thống Barack Obama, bắt buộc phải chấm dứt, có thể nói là ngay từ khi ông Trump đặt chân xuống Riyadh. Khoan nói tới việc gián tiếp chôn vùi hiệp định hạt nhân với Iran này là đúng hay sai, tối thiểu cũng có thể xem quyết định này như là một động thái sôi sục tính chủ quan của ông Trump trong chuỗi các động thái “phi - Obama - hóa” ráo riết từ khi ông lên nắm quyền, bao gồm TPP, Obamacare, Hiệp định Paris... Saudi Arabia, mới cách đây nửa năm còn bị chính quyền cáo buộc là nguyên nhân khiến cuộc xung đột khu vực thêm trầm trọng và phá hoại lợi ích của Mỹ, nay đã quay ngoắt thành “đệ nhất đồng minh”. Câu hỏi đặt ra lúc này trong cuộc “khủng hoảng Qatar” là liệu Saudi Arabia cùng các đồng minh trong khu vực đã có ý đồ cô lập Qatar từ trước hay ý tưởng chỉ nảy ra sau chuyến thăm của ông Trump đến Riyadh. Có một điều chắc chắn là hôm 23-5, Thông tấn xã nhà nước Qatar (QNA) có công bố một video được cho là tường thuật lại phát biểu của tiểu vương nước này, Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani, trong lễ tốt nghiệp của các thiếu sinh quân trường sĩ quan. Ông nói về những căng thẳng với chính quyền mới của Mỹ và dự đoán Tổng thống Trump sẽ còn trụ lại lâu. Ông có vẻ như đã ca ngợi Iran là một “sức mạnh Hồi giáo” và là nguồn ổn định trong khu vực. Ông nói: “Chẳng khôn ngoan chút nào khi cứ chất chứa sự thù hận đối với Iran”. Không dừng ở đó, ông tiếp tục mô tả tổ chức Hamas, vốn bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố, là “đại diện chính thức của người Palestine”. Tuy nhiên, ông bác bỏ những cáo buộc nói Qatar ủng hộ khủng bố. Ông cũng chỉ trích UAE, Bahrain và Ai Cập, cho rằng các nước này đang vận động chống lại Qatar. Trên Twitter của QNA cũng đăng một nội dung tương tự. Ít lâu sau khi bài báo này được đăng lên, Chính phủ Qatar lại quyết liệt phủ nhận bản tin đó và cho rằng trang web của QNA đã bị tin tặc tấn công, chèn vào tường thuật xuyên tạc nói trên. Ngoại trưởng Qatar, hoàng thân Mohammed bin Abdulrahman al-Thani, cố gắng giảm thiểu hạn chế tác động của sự cố này. Ông giải thích rằng Qatar đang tiếp nhận căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, rằng họ muốn duy trì quan hệ anh em với các láng giềng hùng mạnh trong khu vực... Cho dù đây có là một video “lụi” đi chăng nữa và Qatar có chối đến đâu thì nội dung phát biểu được cho là của tiểu vương Qatar cũng “không có gì lạ”: Qatar trước nay vẫn duy trì chính sách đối ngoại “hai hàng” như thế, chứa căn cứ Mỹ song vẫn nổi tiếng ủng hộ phe Hezbollah của Lebanon, nhóm Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, mà các nước vùng Vịnh gọi là một nhóm khủng bố, và thân cả với Iran. CNN thì loan tin FBI nghi tin tặc Nga chủ mưu vụ này. Cho dù những tin tặc này là của Nga hay của bất cứ một nước nào khác thì rõ ràng hậu quả cũng là làm phân hóa nhóm các nước vùng Vịnh. Việc Thổ Nhĩ Kỳ ký hiệp định tương trợ quân sự nhằm bảo vệ chính quyền Qatar càng khiến sự chia rẽ đó thêm sâu sắc. Dù cho những gì đang diễn ra là mục tiêu của nước nào thì đó cũng là một sự khai thác ngay chính xu hướng đối ngoại thích loan báo trước của ông Trump. Đại cục ở Trung Đông Eran Lerman, một học giả từng là phó chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia Israel từ năm 2009-2015, đã đưa ra một cái nhìn toàn cục như sau, qua đó có thể giải mã cuộc khủng hoảng Qatar, theo góc nhìn lợi ích Israel. Cho tới nay có bốn thế lực tranh chấp ở Trung Đông là phe Iran, phe Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), phe Anh em Hồi giáo, và “phe của sự ổn định” (theo cách gọi của tác giả) gồm Saudi Arabia, đa số các nước vùng Vịnh, Ai Cập, Tunisia, Morocco và cả Israel (tất nhiên, các nước khác nhau có thể sẽ gọi tên mỗi nhóm khác nhau). Hiện nay, phe IS đang suy vong, không còn là mối đe dọa ở khu vực như trước nữa, bất quá chỉ là những vụ khủng bố lẻ tẻ ở châu Âu. Hai năm qua, phe Anh em Hồi giáo bị dập tan tác ở Ai Cập. Việc các nước vùng Vịnh cùng Saudi Arabia “đánh hội đồng” Qatar, theo ông Lerman, sẽ dẫn đến “một cuộc chiến tương lai ở Syria, nơi mà Iran đang cố gắng tạo ra một khu vực tiếp giáp kiểm soát được từ Iran, thông qua Iraq và Syria vào Lebanon; và cũng là nơi mà các lực lượng nổi dậy do người Kurd lãnh đạo - vốn được Mỹ nay hậu thuẫn tích cực hơn - quyết tâm ngăn chặn Iran”. Tất nhiên, mỗi nước có cái nhìn lợi ích khác nhau. Song, nhìn từ phía nào đi nữa, cuộc tranh chấp nay là giữa hai đối thủ chính phe Iran và phe bài Iran dưới trướng Saudi Arabia. Tuy nhiên, rạn nứt với Qatar vô hình trung làm cho phe bài Iran tổn thất. Cuộc chiến đầu tiên của ông Trump mới bắt đầu đã không xuôi rồi.■ Tags: QatarKhủng hoảng QatarQatar bị cô lậpQatar trong bàn cờ
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
Người vợ của Anh hùng biệt động Sài Gòn Trần Văn Lai: Hòa bình rồi, tôi không còn làm vợ bé... HỒ LAM 05/11/2024 Ngày đất nước thống nhất, bà Đặng Thị Tuyết Mai, người vợ sau của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai mừng khấp khởi: 'Hòa bình rồi! Chồng tôi làm cách mạng, tôi không có làm 'vợ bé' của ai hết...'
Cận cảnh đôi đũa bằng ngà hải mã của vua Hàm Nghi được cho có thể phát hiện chất độc NHẬT LINH 05/11/2024 Ba hậu duệ của vua Hàm Nghi đã dành tặng lại 4 cổ vật, cũng là kỷ vật được vua sử dụng thuở sinh thời cho Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế, trong đó có đôi đũa của nhà vua.
20 trẻ mầm non phải vào viện do nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột TTXVN 05/11/2024 Chiều 5-11, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu cho biết sức khỏe 20 trẻ mầm non nghi ăn nhầm thuốc diệt chuột đã ổn định.