Toàn cảnh buổi tọa đàm - Ảnh: PVN
Thông tin được nêu ra trong Tọa đàm "Kinh tế vĩ mô, tài chính tiền tệ năm 2021, cập nhật quý I, dự báo quý II và đánh giá tác động đến sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) được tổ chức mới đây".
Đây là hoạt động định kỳ được PVN tổ chức nhằm tham vấn ý kiến chuyên gia, phân tích, dự báo chính sách và các tác động đến nền kinh tế Việt Nam, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, dầu khí.
Với báo cáo "Toàn cảnh kinh tế vĩ mô quý I và dự báo quý II-2021", TS Võ Trí Thành đánh giá về tình hình dịch COVID-19, phân tích những ảnh hưởng và tác động của dịch bệnh đối với kinh tế thế giới nói chung, kinh tế Việt Nam nói riêng, các hoạt động sản xuất kinh doanh của PVN như: giá dầu, rủi ro về diễn biến dịch bệnh, đầu tư công, công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số…
Đối với công tác chuyển đổi số, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh, bài học rút ra thông qua công tác này là người đứng đầu phải vào cuộc, dẫn dắt. Công tác chuyển đổi số tại doanh nghiệp gắn với chiến lược kinh doanh, cũng như phù hợp với đặc thù riêng của từng doanh nghiệp.
Chuyển đổi số gắn văn hóa doanh nghiệp
"Quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp làm chuyển đổi số là văn hóa doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải xác định công nghệ quan trọng nhưng nó thay đổi liên tục, văn hóa mới là gốc của chuyển đổi số trước khi triển khai các vấn đề khác trong công tác này" - TS. Thành nhấn mạnh.
TS. Võ Trí Thành phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: PVN
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế TS. Cấn Văn Lực cũng phân tích khả năng phục hồi kinh tế thế giới và Việt Nam năm 2021, tình hình thị trường tài chính - tiền tệ và dầu thô thế giới năm 2021.
Ông cho rằng các số liệu thống kê về giá dầu thô và hoạt động dầu khí được Tổng cục thống kê công bố hằng tháng chưa phản ánh rõ quy mô hoạt động của PVN. Trong khi đó, hoạt động xuất bán dầu thô chỉ là một trong số các chuỗi hoạt động, tạo nên đóng góp vào chuỗi giá trị chung của tập đoàn. Cũng bởi hiện nay, không chỉ lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí, PVN còn có các lĩnh vực điện, dịch vụ dầu khí cũng như các hoạt động đầu tư khác.
Phân tích các tác động của giá dầu tới tình hình kinh tế Việt Nam, TS. Cấn Văn Lực cho rằng giá dầu giảm làm giảm chi phí nhập khẩu xăng dầu, qua đó giúp giảm nhập siêu cũng như tiết kiệm cho Việt Nam một lượng ngoại tệ nhập khẩu xăng dầu.
TS. Cấn Văn Lực phát biểu tại tọa đàm - Ảnh: PVN
Bên cạnh đó, giá xăng dầu giảm giúp người dân tiết kiệm được chi phí (nhất là giao thông), từ đó tăng tiêu dùng cho nền kinh tế, đồng thời giảm áp lực lên lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, giá dầu giảm cũng khiến giảm thu ngân sách Nhà nước, cũng như các loại thuế liên quan (thuế xuất nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt), khiến việc cân đối ngân sách khó khăn khi Chính phủ tăng cường đầu tư công để phục hồi kinh tế.
Ứng phó diễn biến giá dầu, cơ cấu hoạt động
Giá dầu giảm tác động tiêu cực đến ngành khai khoáng, nhất là ngành dầu khí khi hiện đang đóng góp khoảng 7,8% trong cơ cấu GDP. Từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác, thăm dò của năm 2020, cũng như các năm tiếp theo của PVN và các đơn vị thành viên.
TS. Cấn Văn Lực cũng đưa ra một số khuyến nghị cho PVN trong việc xây dựng và thực thi chiến lược phát triển đến 2030, theo đó chú trọng cơ cấu lại hoạt động, tăng cường quản lý rủi ro, đề xuất việc nghiên cứu xây dựng kho dự trữ dầu để ứng phó với biến động giá dầu cũng như xây dựng và thực thi chiến lược chuyển đổi số.
"Nhận định, năm 2021 được dự báo có khả năng phục hồi mạnh, chính vì vậy, đòi hỏi các doanh nghiệp như PVN có tâm thế sẵn sàng nắm bắt vận hội mới, giai đoạn mới, trong đó xác định con người và công nghệ luôn là hai đột phá chiến lược" - ông Lực đề nghị.
Tổng giám đốc PVN Lê Mạnh Hùng đề nghị các đơn vị, Ban chuyên môn tiếp thu các ý kiến trao đổi, tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các thông tin tại tọa đàm cũng như các dự báo để đưa vào chính sách điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng kết luận buổi tọa đàm - Ảnh: PVN
Theo đó, ông nhấn mạnh trong thời gian tới PVN sẽ tiếp tục triển khai việc cập nhật chiến lược và mong muốn nhận được sự quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến của các chuyên gia kinh tế vào việc xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp với các xu hướng chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng trong giai đoạn tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận