Trung Quốc thủ thế dù ông Trump liên tục hối thúc đàm phán

Giữa lúc Mỹ tuyên bố áp thuế 245% lên hàng Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn chưa vội đàm phán. Chuyên gia Trung Quốc nhận định ông Trump chịu áp lực lớn về thời gian, kinh tế.

Trung Quốc thủ thế dù ông Trump liên tục hối thúc đàm phán - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2019 - Ảnh: REUTERS

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, ngày 16-4 Nhà Trắng tuyên bố Trung Quốc có thể phải đối mặt với mức thuế lên tới 245%. Tuy nhiên Bắc Kinh vẫn giữ nguyên lập trường và chưa phát tín hiệu sẵn sàng quay lại bàn đàm phán, bất chấp áp lực thuế quan ngày càng tăng.

Theo truyền thông Trung Quốc, chiến lược mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang áp dụng được gọi là "áp lực tối đa" - một thuật ngữ được phía Trung Quốc sử dụng từ cuộc chiến thương mại năm 2019 để mô tả phương thức đàm phán đặc trưng của chính quyền Washington thời điểm đó.

Theo Trung Quốc, đây là cách tiếp cận mang tính chất gia tăng căng thẳng trước đàm phán, thông qua việc đưa ra các yêu cầu với mức độ cao, tạo sức ép lớn để nâng vị thế thương lượng. 

Tuy nhiên, kinh nghiệm từ vòng đối đầu trước khiến Bắc Kinh không còn bất ngờ hay dao động.

Đòn 'phản chế' có tính toán

Khi chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố tăng thuế "toàn cầu" vào ngày 2-4, Trung Quốc ngay trong ngày đã công bố các biện pháp trả đũa.

Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, Trung Quốc nâng thuế đối với hàng Mỹ từ 84% lên 125%. Đồng thời đưa 11 doanh nghiệp Mỹ vào Danh sách không đáng tin cậy, giới hạn tiếp cận nguyên liệu hiếm như đất hiếm, gali và gecmani - các nguyên liệu được xem là xương sống của công nghệ cao và quốc phòng Mỹ.

Nhận định trong một chương trình tọa đàm trực tuyến của trang Guancha ngày 13-4, chuyên gia Lưu Dương Thanh (Viện Nghiên cứu chiến lược Thái Hòa) cho rằng đây không phải là hành động bột phát, mà là kết quả của một hệ thống phản chế có tính toán, đánh trúng vào những điểm yếu chiến lược của nền kinh tế Mỹ, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và năng lượng ở các bang có nhiều cử tri ủng hộ ông Trump.

'Lông cừu cắt từ thân cừu'

Một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc giữ thái độ cứng rắn là do họ đánh giá nội bộ kinh tế và chính sách của Mỹ đang đối mặt nhiều thách thức.

"Lông cừu cắt ra là từ con cừu của mình, chứ không phải cừu của người khác. Gánh nặng thuế cuối cùng sẽ đổ lên đầu người tiêu dùng Mỹ, chỉ khiến suy thoái và khó khăn kinh tế của Mỹ trầm trọng thêm" - ông Đinh Nhất Phàm, chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Chính phủ Trung Quốc, nhận định trong một chương trình tọa đàm trực tuyến.

Nền tảng tin tức tài chính Tài Liên xã (Trung Quốc) ngày 17-4 dẫn lời Thống đốc bang Kentucky Andy Beshear nhận định các mức thuế quan mà chính quyền ông Trump cân nhắc có thể khiến mỗi hộ gia đình Mỹ thiệt hại trung bình 4.700 USD/năm.

Nền tảng này cho biết Viện Kinh tế quốc tế Peterson cũng đưa ra một ước tính khác, theo đó một hộ gia đình trung lưu tại Mỹ có thể chịu thiệt hại khoảng 1.700 USD/năm do tác động của thuế quan.

Chuyên trang Sina Finance ngày 16-4 dẫn thông tin từ Bộ Tài chính Mỹ cho biết USD hiện chỉ chiếm 59% dự trữ ngoại hối toàn cầu - mức thấp nhất trong 25 năm.

Trong khi đó, Trung Quốc đẩy mạnh thanh toán bằng nhân dân tệ qua hệ thống CIPS, chiếm 30% thương mại với ASEAN. Bên cạnh đó Saudi Arabia, Iran và Brazil cũng mở rộng sử dụng nhân dân tệ trong thương mại và dự trữ ngoại hối.

Những xu hướng này trong một số kịch bản có thể đóng vai trò như một yếu tố phanh hãm đối với các chính sách thuế quan quyết liệt của Mỹ, đồng thời thúc đẩy khả năng nối lại đối thoại thương mại Mỹ - Trung.

Thời gian là 'tử huyệt' cho chiến lược của ông Trump

Theo giáo sư Hoàng Tĩnh (Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải), thời gian chính là "tử huyệt" cho chiến lược của ông Trump.

Trả lời trong chương trình tọa đàm của trang Guancha, ông Hoàng nhận định nếu không đạt được kết quả cụ thể trong nửa cuối năm 2025, ông Trump có thể mất ưu thế chính trị.

Trong khi đó, Trung Quốc không bị ràng buộc bởi chu kỳ chính trị ngắn hạn nên có thể "chịu trận" lâu hơn để đàm phán trong điều kiện công bằng hơn.

Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng việc tiến hành đàm phán trong bối cảnh phía Mỹ chưa ổn định về chính sách có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì chính sách của Mỹ trong thời gian qua thường xuyên thay đổi, thiếu tính nhất quán và dễ chịu tác động từ các yếu tố chính trị nội bộ.

Trong khi Washington tiếp tục sử dụng các công cụ như điều chỉnh thuế để định hình lại cán cân thương mại, Bắc Kinh tập trung vào việc củng cố nội lực, thúc đẩy mở rộng hợp tác quốc tế theo hướng đa phương.

Sự khác biệt trong định hướng này được nhận định sẽ góp phần định hình lại quỹ đạo quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong thời gian tới.

Trung Quốc thủ thế dù ông Trump liên tục hối thúc đàm phán - Ảnh 3.Trung Quốc nhắn Mỹ: 'Muốn tháo chuông thì phải tìm người buộc chuông'

Ngày 17-4, Bộ Thương mại Trung Quốc kêu gọi Mỹ ngừng gây áp lực cực độ lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và yêu cầu sự tôn trọng trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0