
Tính đến giữa năm 2024, TP.HCM có 191 sản phẩm được công nhận OCOP - Ảnh: BÙI NHI
Sáng 23-4, Học viện Cán bộ TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học "Giải pháp phát triển sản phẩm OCOP tại TP.HCM".
Tại hội nghị, PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân - phó viện trưởng Viện Khoa học an toàn và vệ sinh lao động - nhận định số lượng sản phẩm OCOP tại TP.HCM còn ít so với các tỉnh thành khác.
Báo cáo tại hội nghị cho biết tính đến giữa năm 2024, TP.HCM có 191 sản phẩm đạt OCOP. Trong số đó có 79 sản phẩm đạt loại chất lượng 4 sao, 112 sản phẩm đạt 3 sao và không có sản phẩm nào đạt 5 sao.
Bà Hoàng Thị Mai - chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), thông tin thời gian qua, bên cạnh những thuận lợi, chương trình OCOP tại TP.HCM cũng đối mặt với nhiều khó khăn.

Bà Hoàng Thị Mai nói về thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai chương trình OCOP thời gian qua tại TP.HCM - Ảnh: BÙI NHI
Cụ thể, một sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao phải gắn với vùng nguyên liệu rộng rãi. Tuy nhiên, tại TP.HCM, tốc độ đô thị hóa diễn ra khá cao, vùng nguyên liệu đặc trưng ngày càng hẹp.
Một bộ phận cán bộ cấp phường xã vẫn còn rào cản trong hỗ trợ doanh nghiệp địa phương phát triển sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó các doanh nghiệp nhỏ lẻ vẫn còn tâm lý ngại xét chuẩn OCOP. Hiện chính sách riêng để phát triển sản phẩm OCOP cũng chưa có và được lồng ghép vào các chính sách chung của thành phố.
Trước những thực trạng này, ông Nguyễn Minh Nhựt - phó trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP.HCM - đã đề ra một số giải pháp khắc phục và phát triển chương trình. Trước hết, TP.HCM cần đặt mục tiêu tăng cường liên kết vùng trong cung ứng nguyên liệu cho sản phẩm OCOP và hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp này.
Một điểm quan trọng khác là phải ứng dụng được công nghệ trong quy trình sản xuất gồm chế biến và bảo quản. Sản phẩm OCOP phải nâng cao chất lượng, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế để tiếp cận thị trường quốc tế. Việc đẩy mạnh quảng bá thương hiệu và mở rộng kênh tiêu thụ cũng cần chú trọng.
Ngoài ra doanh nghiệp cần không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có hiểu biết về công nghệ lẫn quy định về tiêu chuẩn quốc tế, hướng đến đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng trong lẫn ngoài nước.
Mở rộng khái niệm OCOP
PGS.TS Vương Đức Hoàng Quân đánh giá khái niệm OCOP tại Việt Nam đã được mở rộng, linh hoạt theo sát thực tiễn phát triển của địa phương.
Chương trình không chỉ bó hẹp trong công cuộc xóa đói giảm nghèo mà còn là mô hình phát triển kinh tế chung.
Ngoài sản phẩm nông nghiệp, OCOP còn mở rộng ra lĩnh vực phi nông nghiệp hay dịch vụ, gắn chương trình này với phát triển du lịch cộng đồng với mục đích nâng cao giá trị sản phẩm địa phương.
BÌNH LUẬN HAY