16/04/2025 10:57 GMT+7

Thủ tướng: Chuyển từ thụ động phục vụ nhân dân sang tích cực, chủ động phục vụ nhân dân

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu chuyển từ thụ động phục vụ nhân dân sang tích cực chủ động phục vụ nhân dân, với định hướng chính quyền phải gần dân, sát dân, hiểu dân.

Thủ tướng - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 16-4, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày chuyên đề "Về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng:

Những điểm mới trong Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; Những điểm mới trong dự thảo báo cáo 5 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030; phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2026-2030".

Lấy người dân làm trung tâm, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc đến nhiều vấn đề nổi bật như cuộc cách mạng về tổ chức, sắp xếp bộ máy; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong điều kiện mới.

Ông cho biết về mục tiêu tăng trưởng, chúng ta đã đặt mức 6,5-7% nhưng sau đó nhận thấy nếu như vậy rất khó hoàn thành 2 mục tiêu chiến lược 100 năm vào năm 2030 và 2044.

Vì vậy năm 2025 Chính phủ xác định phải tăng trưởng cao hơn 8% để có tiền đề tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo.

Cùng với đó, thống nhất xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế quốc gia. Ông đề nghị hoàn thiện, bổ sung những nội dung này vào các văn kiện sắp tới.

Chia sẻ thêm về những điểm mới trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, Thủ tướng nhấn mạnh bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều thay đổi.

Với Việt Nam, ông cho biết xác định 3 trụ cột là xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước.

“Định hướng xuyên suốt của 3 trụ cột này là lấy người dân làm trung tâm, không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững.

Nhấn mạnh “từ đầu nhiệm kỳ đến nay không có năm nào không khó khăn”, Thủ tướng nhắc lại những thách thức lớn như đại dịch COVID-19; xung đột trên thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; xử lý các ngân hàng yếu kém; siêu bão Yagi tàn phá đất nước và cuộc chiến tranh thương mại.

Dù vậy, Thủ tướng quán triệt quyết tâm thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu 5 năm 2026-2030, phấn đấu tăng trưởng GDP bình quân cho giai đoạn 2026-2030 từ 10%/năm trở lên.

GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 8.500 USD; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội đạt khoảng 8,5%/năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 40% GDP…

Thủ tướng: Chuyển từ thụ động phục vụ nhân dân sang tích cực, chủ động phục vụ nhân dân - Ảnh 3.

Các đại biểu tham dự hội nghị - Ảnh: GIA HÂN

'Không để trí tuệ nhân tạo do ta làm lại thắng chúng ta'

Chia sẻ về những điểm mới trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng, Thủ tướng nhắc đến sự phát triển “như vũ bão” của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo.

Cho rằng sự phát triển này đang làm chuyển đổi trạng thái hoạt động của con người, Thủ tướng lưu ý điều quan trọng nhất “không để trí tuệ nhân tạo do ta làm lại thắng chúng ta”.

Thủ tướng phân tích thực tế không gian ảo và không gian thực là như nhau, cái gì có ở đời thực đều có trên không gian ảo. Vì vậy phải làm tốt an ninh mạng, giữ vững độc lập chủ quyền trên cả không gian mạng.

Về phát triển đất nước trong tình hình mới, Thủ tướng cho rằng có khó khăn và cơ hội đan xen nhưng thách thức nhiều hơn. Chúng ta phải nhận định đúng để chủ động về chiến lược, theo lời Thủ tướng.

Trong đó ông nhắc đến tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần quán triệt, đó là phải tháo gỡ về thể chế, trong đó dứt khoát phải bỏ tư duy "không quản được thì cấm", "không biết mà vẫn quản", để giải phóng toàn bộ sức sản xuất.

Thủ tướng nêu định hướng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ để có thể đứng vững trước mọi thách thức như đại dịch hay việc đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ông nhấn mạnh mục tiêu điều chỉnh tăng trưởng 2 con số rất thách thức nhưng "không làm không được".

Đề cập cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính ở địa phương, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, Thủ tướng nêu mục tiêu quan trọng nhất là tạo ra không gian phát triển mới.

"Đây là điều rất quan trọng vì đất nước ta ngày nay phát triển nhanh, bền vững, dựa vào các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn… Vì vậy phải mở ra không gian phát triển mới", Thủ tướng nói.

Mục tiêu chuyển trạng thái từ thụ động phục vụ nhân dân sang tích cực chủ động phục vụ nhân dân, với định hướng chính quyền phải gần dân, sát dân, hiểu dân và tăng cường cho cơ sở.

Kèm với đó cần giảm khâu trung gian, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh số hóa nền kinh tế, xã hội, công dân số… "Tất cả làm trên không gian mạng thì giảm người, giảm đi lại, giảm chi phí, thúc đẩy giải quyết công việc nhanh hơn", Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng: Chuyển từ thụ động phục vụ nhân dân sang tích cực chủ động phục vụ nhân dân - Ảnh 4.Nghị quyết của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính năm 2025

Việc đặt tên cấp xã sau sáp nhập cần dễ nhớ, ngắn gọn, phù hợp với truyền thống lịch sử và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ; khuyến khích đặt tên theo số thứ tự để thuận lợi cho việc số hóa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0