
Alexandria là thành phố lớn thứ hai của Ai Cập và là cảng biển rất quan trọng - Ảnh: CROSS EGYPT CHALLENGE
Nằm bên bờ biển Địa Trung Hải và về phía tây bắc của Cairo, Alexandria là thành phố lớn thứ hai của Ai Cập và là cảng biển rất quan trọng của quốc gia này.
Thành phố chìm dần theo thời gian
Lịch sử ấn tượng của Alexandria bắt đầu từ khi thành phố được Alexander Đại đế thành lập vào năm 331 TCN, từ đó trở thành trung tâm văn hóa và trí thức lớn, theo Indy 100. Đây cũng là nơi sinh của Nữ hoàng Cleopatra.
Hiện nay, Alexandria là nơi tọa lạc của nhiều di tích và tàn tích cổ, bao gồm hầm mộ Kom el Shoqafa và các ngôi mộ Anfushi. Tính đến năm 2023, thành phố có dân số 6,1 triệu người.
Trong 10 năm qua, tỉ lệ các tòa nhà trên bờ biển của thành phố đã gia tăng từ khoảng một tòa mỗi năm lên tới 40 tòa, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Earth's Future. Điều này đã gây ra mối lo ngại lớn.
Trong hai thập kỷ qua, 280 tòa nhà đã bị sập và hơn 7.000 tòa nhà khác đang có nguy cơ sụp đổ trong tương lai, theo nghiên cứu. Chỉ riêng trong giai đoạn từ 2014 đến 2020, 86 tòa nhà đã sập và 201 tòa nhà bị sập một phần trên khắp thành phố, gây ra 85 ca tử vong.
Các nhà khoa học phát hiện rằng thành phố Alexandria đang chìm do mực nước biển dâng và xói mòn bờ biển.
"Chi phí thực sự của mất mát này không chỉ giới hạn trong gạch và vữa", ông Essam Heggy, đồng tác giả nghiên cứu, một nhà khoa học tại Trường Kỹ thuật Viterbi thuộc Đại học Southern California, cho biết. "Chúng ta đang chứng kiến sự biến mất dần dần của các thành phố lịch sử, và Alexandria đang ở mức báo động".
Các tòa nhà ở Alexandria sụp đổ do mực nước biển dâng lên. Nước mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền làm mất ổn định các công trình và tăng khả năng sụp đổ. Các bờ biển trên toàn cầu đã và đang thay đổi, gây ra các vụ sập nhà với tốc độ chưa từng có.
Bảo vệ di sản là bảo vệ lịch sử
Dữ liệu thu thập được cho thấy tại thành phố Alexandria, bờ biển di chuyển dần vào đất liền hàng chục mét trong vài thập kỷ qua. Một số khu vực bị xói mòn đất lên đến 24 đến 36 mét mỗi năm.
Mực nước biển dâng chủ yếu là do biến đổi khí hậu, đặc biệt là các tảng băng và lớp băng tan chảy, làm tăng lượng nước trong các đại dương.
Nước biển ấm lên do biến đổi khí hậu cũng giãn nở, càng góp phần làm tăng mực nước biển.
Các nhà nghiên cứu gợi ý thành phố có thể chuẩn bị cho việc mực nước biển sẽ còn dâng cao trong tương lai, bao gồm xây dựng đụn cát và rào dọc theo bờ biển, nâng cao các tòa nhà.
Những người sống ở các khu vực có nguy cơ cao có thể phải di dời.
"Các thành phố như Alexandria, cái nôi của sự trao đổi văn hóa, sáng tạo và lịch sử, đóng vai trò rất quan trọng trong di sản chung của nhân loại", Heggy nói.
"Khi biến đổi khí hậu làm mực nước biển dâng và xói mòn bờ biển, việc bảo vệ di sản không chỉ là cứu các tòa nhà, mà còn là bảo tồn cả một lịch sử".
BÌNH LUẬN HAY