28/03/2025 14:40 GMT+7

Sinh viên trải nghiệm môi trường truyền thông thực tế

Sáng 28-3, talkshow đầu tiên với khách mời chuyên gia trong khuôn khổ chương trình hợp tác đào tạo giữa báo Tuổi Trẻ và Trường đại học Nguyễn Tất Thành đã diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

Sinh viên trải nghiệm môi trường truyền thông thực tế - Ảnh 1.

Trong buổi học, sinh viên trực tiếp tác nghiệp nhằm phục vụ cho báo cáo cuối kỳ - Ảnh: HỮU HẠNH

Diễn giả của chương trình là TS Nguyễn Thị Vân, trưởng trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý, khoa tâm lý học, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Người thật, việc thật, làm thật

Talkshow này là hoạt động thuộc học phần sản xuất sản phẩm truyền thông điện tử, nằm trong chương trình hợp tác giữa báo Tuổi Trẻ và Trường đại học Nguyễn Tất Thành dành cho sinh viên khóa 22 khoa truyền thông sáng tạo.

Với chuyên đề “Nghiện mạng xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của người trẻ”, talkshow mang đến những góc nhìn chuyên sâu về tác động của mạng xã hội trong đời sống hiện đại.

Sinh viên trải nghiệm môi trường truyền thông thực tế - Ảnh 2.

Diễn giả - TS Nguyễn Thị Vân chia sẻ với sinh viên những góc nhìn sâu về thực trạng nghiện mạng xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của người trẻ - Ảnh: HỮU HẠNH

Trong buổi học, sinh viên được chia thành các nhóm để cùng phát triển một sản phẩm mở thiên về sáng tạo truyền thông xoay quanh từ khóa “thối não” (brain rot) và tác động của nó đến giới trẻ, đảm bảo tính logic và truyền tải thông điệp rõ ràng.

Đầu tiên, các nhóm nghiên cứu các khái niệm liên quan đến chuyên đề. Tiếp đó, mỗi nhóm xây dựng một video ngắn từ 3-5 phút. Cuối cùng, sinh viên thực hành kỹ năng phỏng vấn chuyên gia để thu thập thêm góc nhìn chuyên sâu, bổ sung nội dung và hoàn thiện sản phẩm truyền thông.

Nhà báo Nguyễn Thanh Liêm, một trong những giảng viên của học phần, chia sẻ mục tiêu của buổi học giúp sinh viên tạo ra các sản phẩm truyền thông thực tế, tương tự như quy trình làm việc tại báo Tuổi Trẻ.

Việc lựa chọn chủ đề và chuyên gia đóng vai trò quan trọng trong hiệu quả của chương trình. Các chủ đề được cân nhắc dựa trên tâm tư, nhu cầu thực tế của sinh viên, giúp các em tiếp cận kiến thức một cách gần gũi và thiết thực.

Đồng thời, việc mời những chuyên gia có kinh nghiệm thực tiễn không chỉ làm cho buổi học trở nên sinh động hơn mà còn kích thích sự tham gia tích cực từ sinh viên. Khi được đặt vào bối cảnh thực tế và làm việc với những người giàu kinh nghiệm, sinh viên có cơ hội hiểu sâu hơn về lĩnh vực truyền thông, từ đó đặt ra những câu hỏi sắc sảo, mang tính ứng dụng cao.

Cách tiếp cận này không chỉ phù hợp với chương trình hợp tác giữa báo Tuổi Trẻ và Trường đại học Nguyễn Tất Thành mà còn có thể áp dụng rộng rãi trong môi trường đào tạo truyền thông, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng thực hành và nâng cao tư duy chuyên môn ngay từ trên ghế giảng đường.

Giúp sinh viên mở rộng góc nhìn, nâng cao kỹ năng

Nhiều sinh viên tỏ ra hào hứng khi không chỉ được học chuyên ngành mà còn có cơ hội tiếp cận kiến thức tâm lý về tác hại của nghiện mạng xã hội đối với sức khỏe thể chất và tinh thần.

Đồng thời, việc trao đổi trực tiếp với chuyên gia giúp sinh viên hiểu sâu hơn về tâm lý của những cá nhân nghiện mạng xã hội, từ đó mở rộng góc nhìn và nâng cao chất lượng sản phẩm truyền thông.

Một sinh viên đặt câu hỏi được diễn giả đánh giá rất hay, như hiện nay với sự phát triển không ngừng của AI, ngày càng nhiều người chia sẻ vấn đề tâm lý với trí tuệ nhân tạo. Điều này đặt ra câu hỏi liệu các phương pháp trị liệu tâm lý truyền thống có còn duy trì được hiệu quả trong bối cảnh AI ngày càng phát triển mạnh mẽ?

Sinh viên trải nghiệm môi trường truyền thông thực tế - Ảnh 3.

Sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành thực hành trong buổi talkshow - Ảnh: HỮU HẠNH

Sau buổi học, sinh viên Nguyễn Lê Phước Vinh cho biết em cảm nhận rất rõ giá trị của những buổi học này. Sinh viên không chỉ tiếp thu được kiến thức mà còn được lồng ghép những bài học từ các chuyên gia uy tín, giúp sinh viên tiếp cận nhiều thông tin giá trị hơn.

“Điều này giúp chúng em hiểu đúng và sâu sắc hơn về tình trạng nghiện mạng xã hội - một vấn đề đáng báo động và đang rất phổ biến trong giới trẻ”, Vinh đánh giá.

Tương tự, bạn Võ Thị Quỳnh Nhi cho biết khi học tập tại báo Tuổi Trẻ, bạn có cơ hội được học hỏi và thực hành trực tiếp. “Điều này không chỉ giúp tụi em trau dồi kỹ năng mà còn tạo thêm động lực để sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm truyền thông của mình” - Quỳnh Nhi hào hứng nói.

Đánh giá về buổi học, diễn giả - TS Nguyễn Thị Vân nhận xét: “Các bạn rất năng động, nhiệt huyết, luôn dành sự đầu tư nghiêm túc cho việc học tập. Đây thực sự là một chương trình rất ý nghĩa, tạo cơ hội để học hỏi những vấn đề mình quan tâm”.

Việc học tập tại báo Tuổi Trẻ mang đến cho sinh viên cơ hội làm việc trực tiếp với các nhà báo giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện và quan hệ công chúng, đồng thời sinh viên còn được tiếp cận với các chuyên gia để rèn luyện kỹ năng thực hành như phỏng vấn, tổ chức talkshow, tường thuật và sản xuất video ngắn.

Những trải nghiệm này không chỉ là chất liệu quan trọng cho bài tập kết thúc môn mà còn góp phần giúp sinh viên phát triển tư duy truyền thông chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành.

Nhà báo Bùi Tiến Dũng (giám đốc trung tâm đào tạo, báo Tuổi Trẻ):

Một bước tiến

Đây là một bước tiến nữa trong chương trình hợp tác giữa Trường đại học Nguyễn Tất Thành và báo Tuổi Trẻ, khi sinh viên không chỉ được học thực hành, thực chiến với các nhà báo đầy kinh nghiệm của báo Tuổi Trẻ mà còn có cơ hội tiếp cận các chuyên gia thực thụ. Những buổi học như vậy không chỉ trang bị cho sinh viên kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn là chất liệu thực, nhân vật thực, con người thực để sinh viên thực hành các kỹ năng đã được học, sáng tạo ra các tác phẩm truyền thông hấp dẫn, thu hút công chúng.

Sinh viên trải nghiệm môi trường truyền thông thực tế - Ảnh 4.Sinh viên Trường đại học Hoa Sen học thực hành tại báo Tuổi Trẻ

Sáng 25-3, sinh viên Trường đại học Hoa Sen bắt đầu học thực hành học phần tạo lập văn bản truyền thông tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0