
Tổng Bí thư Tô Lâm (phải) và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại sự kiện giao lưu nhân văn hai nước vào ngày 15-4 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đối với Việt Nam, đây không chỉ là sự kiện đối ngoại có ý nghĩa quan trọng, mà còn thể hiện rõ lập trường nhất quán về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đồng thời khẳng định quyết tâm thúc đẩy các lợi ích phát triển chính đáng của một quốc gia có chủ quyền.
Củng cố niềm tin chiến lược
Chiều 15-4, sau cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm tới Việt Nam. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ra sân bay quốc tế Nội Bài chủ trì lễ tiễn trang trọng với nghi thức trống hội cùng sự hiện diện của đại diện 54 dân tộc anh em Việt Nam. Chỉ ít phút sau khi chuyên cơ cất cánh, Việt Nam và Trung Quốc đồng thời phát tuyên bố chung.
Tuyên bố chung gồm 11 điểm này là tài liệu không chỉ tổng hợp các hoạt động mà còn là cơ sở để hiểu rõ các lĩnh vực hai nước sẽ thúc đẩy sau chuyến thăm. So với tuyên bố chung gần nhất sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Trung Quốc vào tháng 8-2024, sự khác biệt về tên gọi không đáng kể nhưng nội hàm sâu rộng hơn.
Tuyên bố chung tháng 8-2024 có tên "Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc".
Trong khi đó, tuyên bố ngày 15-4 có tiêu đề "Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược".
Mặc dù ít hơn một điểm và giữ nguyên cụm "thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc", tuyên bố chung mới nhất đã thể hiện quyết tâm làm sâu sắc hợp tác thực chất.
Về mặt chính trị, hai bên kiên định thúc đẩy sự nghiệp hữu nghị, tái khẳng định cần ủng hộ lẫn nhau trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp với tình hình mỗi nước và xác định cần nâng tin cậy chiến lược lên mức cao hơn.
Về mặt thực chất, hai nước tái khẳng định cần xây dựng trụ cột hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn, nhất trí coi việc Trung Quốc phát triển lực lượng sản xuất chất lượng mới, Việt Nam phát triển lực lượng sản xuất mới là cơ hội để xây dựng cấu trúc hợp tác toàn diện và sâu rộng hơn.

Chủ tịch nước Lương Cường tiễn Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sau hội đàm tại Phủ Chủ tịch - Ảnh: TTXVN
Đường sắt kết nối
Trong chuyến thăm này, một số lĩnh vực được nhắc đến cụ thể, đặc biệt là đường sắt và hợp tác khoa học công nghệ. Hai nước đã thiết lập Ủy ban liên hợp về hợp tác đường sắt Việt - Trung, một cơ chế hợp tác quan trọng.
Theo tuyên bố chung, Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam nghiên cứu triển khai hợp tác về công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực cho đường sắt. Hai nước nhất trí sớm triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi, cố gắng sớm khởi công xây dựng, đẩy nhanh nghiên cứu phương án đoạn đường sắt kết nối Lào Cai - Hà Khẩu. Hai bên cũng hoan nghênh ký kết Công thư viện trợ lập quy hoạch hai tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Ba tuyến đường sắt này không chỉ là những sáng kiến quan trọng trong kết nối cơ sở hạ tầng giữa hai nước mà còn có tác động tích cực đến toàn khu vực Đông Nam Á. Đường sắt Việt Nam - Trung Quốc là một phần quan trọng của tuyến đường sắt xuyên Á phía Đông, khi hoàn thành sẽ giúp mạng lưới đường sắt của Việt Nam kết nối thông suốt với mạng lưới đường sắt của khu vực Tây Nam Trung Quốc, góp phần hoàn thiện mạng lưới đường sắt xuyên Á.
Theo TS Nguyễn Tăng Nghị - trưởng khoa quan hệ quốc tế Trường đại học KHXH&NV - Đại học Quốc gia TP.HCM, điều này sẽ thúc đẩy kết nối giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cũng như quá trình hội nhập kinh tế khu vực. Bên được lợi trực tiếp vẫn là hai nước Việt Nam và Trung Quốc nhưng qua đó cả khu vực cũng được hưởng lợi.
Cơ hội kinh tế mới
Ngoài hợp tác đường sắt, hai nước còn thúc đẩy tăng cường kết nối chiến lược giữa hai nền kinh tế, kết nối các chiến lược phát triển vùng như khu vực vịnh lớn Quảng Đông - Hong Kong - Ma Cau, khu vực đồng bằng sông Trường Giang, mở rộng tuyến hành lang kinh tế trong khu vực "Hai hành lang, một vành đai" kéo dài đến Trùng Khánh.
Hai bên khuyến khích các doanh nghiệp có thực lực, uy tín và công nghệ tiên tiến đầu tư vào thị trường của nhau, tạo môi trường kinh doanh công bằng và thuận lợi. Hai nước cũng sẽ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, phát triển xanh, kinh tế số và hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ 5G.
Việc xây dựng tuyến đường sắt sẽ cho phép vận chuyển hàng hóa của Việt Nam dễ dàng hơn đến các thị trường quốc tế như châu Âu thông qua mạng lưới đường sắt Trung Quốc. Điều này không chỉ giúp Việt Nam tối ưu hóa chuỗi cung ứng, giảm sự phụ thuộc vào thị trường chung mà còn mở rộng thị trường quốc tế và tăng cường khả năng cạnh tranh trong thương mại toàn cầu.
Đồng thời những dự án này sẽ thúc đẩy sự phát triển của các khu công nghiệp, cảng và thành phố dọc theo tuyến đường. Ví dụ tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng sẽ đi qua các trung tâm sản xuất lớn ở miền Bắc Việt Nam, bao gồm nhà máy của các tập đoàn sản xuất như Samsung, Foxconn. Điều này sẽ thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa các khu vực dọc tuyến, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.
Kết nối cơ sở hạ tầng cũng sẽ tạo ra nhiều mô hình kinh doanh và chuỗi công nghiệp mới, thúc đẩy tái cơ cấu và nâng cấp kinh tế. Xây dựng đường sắt Trung Quốc - Việt Nam sẽ thúc đẩy phát triển các lĩnh vực mới nổi như lưu thông phân phối các mặt hàng đông lạnh, thương mại điện tử qua biên giới.
Theo GS Đào Nhất Đào - giám đốc Trung tâm nghiên cứu đặc khu kinh tế (Đại học Thâm Quyến, Trung Quốc), "nhân tài của nước này có thể ra sức vì nước khác" và khẳng định Việt Nam, Trung Quốc có thể làm được điều đó.
Trong bối cảnh hai bên thúc đẩy xây dựng "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược", lĩnh vực và không gian hợp tác giữa hai nhà nước rất rộng lớn. Việc duy trì cơ chế đối thoại cấp cao, lấy tin cậy chính trị làm định hướng tổng thể lớn là bảo đảm quan trọng trong quan hệ Việt - Trung.
GS Đào nhận định với sự tương đồng về thể chế chính trị, Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều điểm giống nhau trong cách lựa chọn lộ trình cải cách và mở cửa cũng như trong tiến trình đổi mới.
"Hai bên có thể tham khảo lẫn nhau thông qua giao lưu và trao đổi giữa cơ quan học thuật hoặc cơ quan tham vấn, giảm chi phí thí điểm, cùng tìm kiếm mô hình phát triển hiệu quả thực hiện hiện đại hóa, từ đó hoàn thiện lý luận kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa một cách phong phú", bà nói với Tuổi Trẻ.
Với cơ chế cởi mở hơn, thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, sử dụng tốt ưu thế và thực lực nổi bật của Trung Quốc về xây dựng cơ sở hạ tầng, Việt Nam có thể nâng cao trình độ hiện đại hóa cơ sở hạ tầng.
Cuối cùng, từ chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, GS Đào khẳng định hợp tác trong lĩnh vực điện tử hóa, thông tin hóa, công nghệ cao sẽ là lĩnh vực quan trọng và có triển vọng rộng lớn trong hợp tác kinh tế thương mại Trung - Việt thời gian tới. Động lực đổi mới không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Mở rộng hợp tác công nghệ
Chuyến thăm đánh dấu bước tiến mới trong quan hệ Việt - Trung khi hai nước cam kết tăng cường hợp tác công nghệ cao. Các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, năng lượng sạch, phát triển xanh và kinh tế số được ưu tiên.
Đặc biệt hai bên sẽ thúc đẩy hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ 5G - nền tảng quan trọng cho phát triển công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số của cả hai quốc gia.
BÌNH LUẬN HAY