Nở rộ fanpage tích xanh lừa đảo dịch vụ 'hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo'

Hiện nay, không có bất kỳ cơ quan nào cung cấp dịch vụ hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo. Nhưng trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook lại đầy rẫy những fanpage có tích xanh cung cấp dịch vụ này.

tích xanh - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình các Fanpage có gắn tích xanh với nội dung "có mùi lừa đảo" - Ảnh K.HƯNG

Đi kèm với đó là đủ mọi chiêu trò để khiến người dùng nhầm tưởng là trang thật.

"Hệ thống ma" dắt nạn nhân vào bẫy

"Tiếp nhận thu hồi vốn nhanh chóng", "Tiếp nhận thông tin, thu hồi và giải ngân tiền treo", "Công ty Xử lý hồ sơ giải ngân tiền treo Online"... là những fanpage có tích xanh Facebook có dấu hiệu lừa đảo tiền người từng bị lừa đảo online.

Các trang này đang hứa hẹn thu hồi tiền chuyển nhầm qua số tài khoản; thu hồi tiền kẹt trong các app, sàn chứng khoán, sàn thương mại điện tử; hỗ trợ người dân bị lừa đảo mạng...

Không dừng lại ở việc mua tích xanh để được Facebook xác thực, nhằm tăng uy tín, đánh lừa người dùng trên các trang này còn là một "hệ thống ma" để dẫn dắt nạn nhân vào bẫy. Cụ thể, ngoài các chiêu trò cũ như chạy quảng cáo để tăng lượng tiếp cận người dùng, sử dụng video từ các đài truyền hình, các vụ án nóng về lừa đảo để thu hút sự quan tâm... thì các đối tượng này còn "đầu tư" bài bản đến từng bình luận.

Ví dụ, dưới trang có tích xanh, mỗi bài đăng luôn được dẫn theo một đường link đến trang cá nhân là các luật sư giả danh nhân viên pháp lý. Khi vào xem những trang này người dùng sẽ không mảy may nghi ngờ vì mọi thông tin đều rất hoàn hảo.

Trong vai một người bị lừa tiền qua mạng, tôi đã liên hệ đến fanpage trên và được giới thiệu đến luật sư Trần Th. có tài khoản tích xanh.

Một điều khá bất ngờ là ở trang cá nhân vị luật sư này đang sử dụng hình ảnh của các công ty luật nổi tiếng, có dẫn đường link giới thiệu từ những tờ báo, trang tin tổng hợp nhiều người đọc. Ngoài ra, ở trên trang, các bài viết lẫn hình ảnh luôn được chăm chút, đặc biệt là những bài viết về "nạn lừa đảo online".

Hay khi liên hệ đến một fanpage khác, tôi được giới thiệu gặp "nhân viên pháp lý" là luật sư Lê Ngọc Luân. Và khi vào trang cá nhân vị luật sư ảo này, tôi cũng "choáng" vì mọi thông tin trên đó đều được "làm như thật". Tìm hiểu kỹ hơn, tôi mới biết đây là trang giả mạo luật sư Lê Ngọc Luân mà chính ông từng lên tiếng trên nhiều kênh.

Ngoài những chiêu trò kể trên thì các đối tượng lừa đảo còn tiếp thị seeding (bình luận từ tài khoản ảo), tạo các hội nhóm trên mạng xã hội, tạo kênh YouTube, TikTok, giả mạo cơ quan công an... Thậm chí, kể cả những tài khoản ảo chuyên dùng bình luận dưới trang cũng được thuê tích xanh để tạo "uy tín" nhằm lừa người từng bị lừa.

Việc nở rộ fanpage tích xanh dùng lừa đảo gần đây cho thấy một lần nữa các đối tượng lừa đảo đang đi trước một bước. Nếu chúng ta không có biện pháp quyết liệt ngăn chặn, người dân không được nâng cao khả năng phân biệt thật giả thì sẽ có thêm rất nhiều người rơi vào vòng xoáy này.

Lỗ hổng mua bán tích xanh, xác thực tài khoản

Vấn đề nằm ở lỗ hổng mua bán tích xanh Facebook hay các nền tảng mạng xã hội quá dễ dàng. Ngoài ra, mặc dù nghị định 147 đã có hiệu lực nhưng trên thực tế việc xác thực vẫn còn bỏ ngỏ. Bây giờ, ai cũng có thể mua hoặc thuê tích xanh Facebook.

Điều đáng nói, có rất nhiều cá nhân, tổ chức trong nước đang nhận làm dịch vụ này một cách nhanh chóng mà không cần bất kỳ giấy tờ chứng minh nào.

Tôi đã liên hệ đến một cá nhân nhận làm tích xanh Facebook thì được hứa hẹn "có tích xanh chỉ sau 1-3 giờ làm việc, không cần giấy tờ...".

Theo đó, mức giá thuê chỉ từ vài trăm ngàn đồng theo tháng. Với giá thuê siêu rẻ, cách làm siêu dễ dàng như thế thì dịch vụ xác thực tích xanh đang bị lợi dụng để lừa đảo. Với những tổ chức tội phạm lớn, lừa đảo xuyên quốc gia thì việc mua/thuê tích xanh trở nên quá đơn giản.

Cho dù nghị định 147 đã hoạt động từ tháng 12-2024, đến nay các tài khoản ảo vẫn hoạt động mạnh mẽ.

Thậm chí, tài khoản ảo còn được đầu tư tích xanh hẳn hoi, có người chăm chút từng bài viết, từng hình ảnh để khiến người dùng nhầm lẫn với tài khoản thật. 

Điều này dễ dàng thấy ở các trang lừa đảo kể trên, phía dưới bình luận có đến hàng ngàn tài khoản giả mạo được gắn tích xanh đang đóng giả làm nạn nhân kiểu "cảm ơn đã hỗ trợ tôi lấy lại tiền bị lừa", "công ty uy tín, hỗ trợ lấy lại tiền nhanh"...

Tìm hiểu kỹ hơn mới thấy việc xác thực người dùng qua số điện thoại hoặc số định danh cá nhân đã đăng ký quá đơn giản. Ngày nay, cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, có vô số cách để "xác thực ảo": thuê sim ảo trên mạng, tạo phôi giả CMND/CCCD qua các web đen...

Nở rộ fanpage tích xanh dùng lừa đảo - Ảnh 2.Lừa đảo qua fanpage đã nâng mức nguy hiểm

Xâu chuỗi những câu chuyện về nạn lừa đảo qua trang Facebook (fanpage) suốt nhiều năm qua tôi thấy rằng chiêu trò này đã nâng mức độ nguy hiểm. Người dân khó nhận biết thật giả và bị lừa số tiền rất lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0