
Để điều chỉnh được búa nện chính xác trên ghe là việc làm khó, mà không phải thợ rèn nào cũng làm được - Ảnh: THANH HUYỀN
Giao thông nông thôn ở các tỉnh miền Tây sông nước ngày càng phát triển, người dân dần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nên nghề rèn không còn thịnh hành như trước.
Tuy nhiên, ở đâu đó dọc theo các con sông từ Hậu Giang đến miệt rừng U Minh ở Cà Mau vẫn còn những thợ rèn hằng ngày vẫn rong ruổi trên sông kiếm sống bằng nghề cực nhọc, rày đây mai đó.

Những chiếc ghe (chẹt) rộng chừng 8m² với đầy đủ đồ nghề di chuyển theo các sông rạch miền Tây để đến tận nhà khách hàng - Ảnh: THANH HUYỀN
Cuộc sống của vợ chồng anh Nguyễn Thanh Nhân "trôi dạt" từ miệt Hậu Giang xuống tới Cà Mau. Mấy chục năm nay, từng khúc sông, từng tánh nết của khách hàng ven các con sông rạch đều được vợ chồng anh Nhân nhớ rất rõ.

Tranh thủ đi ngang qua xứ rừng, anh Nhân mua thêm ít than để trên nóc ghe xài dần - Ảnh: THANH HUYỀN
Anh Nhân là một người thợ rèn ở xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Vợ anh, chị Trần Thị Thúy Phượng, đã gắn bó với nghề rèn suốt gần 20 năm, đồng hành cùng chồng trên từng chặng đường mưu sinh.
Họ gặp nhau khi cùng đi làm thuê, từ đó nên duyên vợ chồng và cùng nhau bén duyên với nghề rèn.
Sau nhiều năm chắt chiu, hai người mua được một chiếc ghe, rồi bắt đầu cuộc sống nay đây mai đó - len lỏi qua các con sông, kênh rạch khắp miền Tây để mưu sinh bằng chính đôi tay và lửa rèn của mình.

Ghe đi tới đâu được người dân nhiệt tình cho kéo điện đến đó để chạy các máy móc phục vụ việc rèn - Ảnh: THANH HUYỀN
Lúc ban đầu ghe chưa được đầu tư nhiều trang thiết bị phục vụ nghề rèn như máy dập, máy phát điện, mô tơ, máy mài. Tuy nhiên thời điểm trước năm 2000, giao thông chưa phát triển nhiều, người dân còn sử dụng nhiều dụng cụ làm nông nghiệp như dao, rìu, búa, phản nên thợ rèn là nghề "ăn nên làm ra".
Nhờ chất lượng, uy tín và vui vẻ nên lò rèn trên sông của anh Nhân vẫn tồn tại và rong ruổi khắp miền Tây - Clip: THANH HUYỀN
"Giai đoạn tôi có con nhỏ, một mình anh Nhân làm nuôi 7 miệng ăn trong nhà. Bây giờ có máy móc hỗ trợ nên công việc nhẹ hơn, tôi chỉ đi theo phụ việc, đập phụ một vài công đoạn nên khỏe lắm.
Con cái ở nhà (trên bờ) được đi học và có việc làm, có thu nhập. Hai vợ chồng sống quen với sông nước rồi nên bỏ nghề không được, đành đi làm cho vui, giữ mối và có thêm chút đỉnh thu nhập", chị Phượng chia sẻ.

Ghe được thiết kế bằng sắt nên lò lửa của anh Nhân an toàn và rất tiện lợi - Ảnh: THANH HUYỀN
Xuôi theo các con kênh, lò rèn của anh Nhân xuyên rừng, xuyên qua các vùng nông nghiệp ở Cà Mau.
Khoảng 3 tháng là anh đi giáp vòng và quay lại đường cũ. Những ai có kéo, búa, dao và nhiều vật dụng khác cần trui, rèn thì đợi anh Nhân quay lại hoặc điện thoại cho anh để hẹn thời gian làm.

Dù có nhiều thiết bị hiện đại để định hình nhưng chị Phượng và anh Nhân vẫn tự tay làm một số công đoạn để đảm bảo chất lượng sản phẩm - Ảnh: THANH HUYỀN
"Bà con ở đây chủ yếu làm rẫy, trồng lúa, nghề rừng nên dùng nhiều công cụ lao động, từ đó mình làm nhiều hơn nơi khác nên ở lâu.
Có khi bà con thương mình cho gà, vịt, mớ rau, trái dừa, thậm chí cho kéo điện nhờ hoặc cho nước tắm rửa nên mình cũng đáp lại là làm giùm cho họ hoặc lấy giá rẻ, để cả hai bên cùng vui, sống nghĩa tình", chị Phượng tâm sự.

Thợ rèn giỏi là người mài dao rất bén, vì họ hiểu được khả năng "chịu đựng" và độ dày tối thiểu của dao đến mức nào - Ảnh: THANH HUYỀN
Trung bình mỗi ngày vợ chồng anh Nhân rèn hơn chục cây dao và một số dụng cụ lao động khác, kiếm được 500.000-700.000 đồng, giá cả dao động 20.000-100.000 đồng/sản phẩm. Tùy loại dao bằng chất liệu thép gì mà có thể rèn hơn một giờ hoặc lâu hơn.

Ngày nay, nhờ có điện nên các công đoạn mài dao được rút ngắn thời gian rất nhiều - Ảnh: THANH HUYỀN
Anh Nhân cho biết là nghề rèn trên ghe khó hơn trên bờ do phải bố trí các vật dụng sao cho phù hợp, tiết kiệm diện tích, cột búa, chỗ để máy mài, nơi treo sản phẩm dao kéo giới thiệu mặt hàng phải tính đến độ xô của sóng nước để đặt trụ búa vào tâm ghe.
Trụ búa có chắc thì đường búa nện xuống mới đủ lực, dụng cụ được rèn mới tốt. Nếu công đoạn này làm không kỹ, cột búa lỏng lẻo, sóng nước bấp bênh, ghe tròng trành khiến búa nện không chuẩn thì dụng cụ được rèn không đạt chất lượng tốt nhất.

Chui cán dao được nhiều người chọn làm và ưng ý với cách làm kỹ của anh Nhân - Ảnh: THANH HUYỀN

Kiểm tra độ sắc bén của dao trước khi giao hàng cho khách - Ảnh: THANH HUYỀN
Một ngày làm việc của thợ rèn trên ghe khoảng hơn 10h, bắt đầu từ lúc hừng đông đến khoảng 16h khi người dân địa phương bắt đầu bữa cơm chiều. Không còn khách, ghe lò rèn rời bến đi tìm chỗ đậu để nghỉ và ngủ qua đêm.

Sau một buổi chờ đợi, anh Tửu vui vẻ nhận 4 cây dao ưng ý để mang về sử dụng - Ảnh: THANH HUYỀN
Là khách "mối" của anh Nhân, anh Trịnh Đình Tửu cho biết lò rèn Nhân này làm tốt lắm, làm kỹ và chất lượng.
"Có khi đồ hư mà ghe chưa qua khu vực này là tôi và bà con ở đây phải đợi, điện thoại hẹn thời gian để làm, cỡ nào cũng phải đợi hết.
Làm xong anh em ngồi chén trà, chén rượu và kể chuyện cho nhau nghe về quãnng đường và công việc đã trải qua, thật thú vị", anh Tửu nói.
BÌNH LUẬN HAY