
Ông Lê Viết Hải - chủ tịch MBS trả lời cổ đông - Ảnh: BK
Ngày 15-4, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.
Mục tiêu nhiều tham vọng của chứng khoán MBS: Lợi nhuận nghìn tỉ, tăng 40%
Theo đó, cổ đông MBS đã thông qua mục tiêu tổng doanh thu đạt 3.370 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.300 tỉ đồng, tăng lần lượt 8% và 40% so với năm 2024.
Kế hoạch lợi nhuận đặt ra như trên của MBS là mức tăng cao nhất trong các công ty chứng khoán tính đến thời điểm hiện tại. Đồng thời là mức cao kỷ lục từ trước đến nay của chính công ty chứng khoán này.
Một nội dung quan trọng khác được trình và thông qua tại đại hội lần này, đó là phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ của MBS.
Cụ thể, MBS sẽ thực hiện phát hành thêm tổng cộng 94,5 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 5.728 tỉ đồng lên 6.673 tỉ đồng.
Ba phương án được đưa ra, bao gồm: hát hành quyền mua cổ phần cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
Trong đó, MBS sẽ chào bán 68,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tỉ lệ thực hiện quyền là 100:12 (tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tương ứng 1 quyền, 100 quyền được mua 12 cổ phần mới).
Ngoài ra, công ty chứng khoán này sẽ phát hành gần 17,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn chủ sở hữu, tỉ lệ thực hiện quyền là 100:3 (tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tương ứng 1 quyền, 100 quyền được nhận thêm 3 cổ phiếu mới).
Đồng thời, MBS cũng phát hành gần 8,6 triệu cổ phiếu ESOP. Với cổ phiếu ưu đãi này, người lao động sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ thời điểm kết thúc phát hành. Kết thúc năm thứ 3, người mua được giải tỏa 50% số lượng cổ phiếu và giải tỏa toàn bộ sau 5 năm.
Với kế hoạch nêu trên, MBS dự kiến thu hơn 773 tỉ đồng, chủ yếu được phân bổ cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) với 537 tỉ đồng, còn lại để bổ sung vốn cho tự doanh và bảo lãnh phát hành.
Thuế quan mới của Mỹ đặt ra thách thức nhưng cũng nhiều cơ hội?
Trong phần thảo luận, một cổ đông lo ngại liệu kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu sẽ gặp khó khăn khi được đưa ra trong bối cảnh thị trường nhiều bất định trước những biến động quốc tế.
Trả lời, ông Lê Viết Hải - chủ tịch MBS - cho biết Ngân hàng Quân Đội (MB) đang nắm giữ khoảng 78% vốn điều lệ của MBS và kế hoạch tăng vốn đều cần sự đồng thuận từ cổ đông lớn này.
Với sự đồng hành chiến lược và gắn bó lâu dài của MB Group, khả năng phát hành thành công là rất cao, ông Hải đánh giá. Ngoài ra, vị này cho biết MBS luôn duy trì chính sách cổ tức ổn định và minh bạch, đồng thời khẳng định không có gì đáng lo ngại.
Ông Phạm Thế Anh - chuyên gia kinh tế, thành viên HĐQT độc lập MBS - trao đổi thêm: Hoạt động công ty gắn chặt với những biến động nền kinh tế vĩ mô, đặc biệt gần đây liên quan nhiều đến chính sách thuế quan Mỹ.
Việc Mỹ đưa ra chính sách thuế quan nhằm muốn khắc phục thâm hụt ngân sách, tìm nguồn thu mới thay thế cho các nguồn thu truyền thống.
Với động thái này từ Mỹ, ông Thế Anh dự báo xuất khẩu của Việt Nam sẽ có ảnh hưởng, thậm chí là cú sốc trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài sẽ tìm cách thích ứng.
Bối cảnh mới, theo ông Thế Anh, sẽ đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội cùng sức ép đổi mới bên cạnh những thách thức.
Ngoài ra Chính phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hơn, đơn cử như việc thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đầu tư công, ông Thế Anh nhấn mạnh.
Chưa kể, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là lợi thế đáng kể, giúp cải thiện chi phí vốn và thúc đẩy hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường có xu hướng tăng mạnh, nỗ lực nâng hạng thị trường tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chứng khoán.
BÌNH LUẬN HAY