Lòng biết ơn - cầu nối của các thế hệ Việt Nam

Trên mạng xã hội - không gian gần gũi nhất của người trẻ, hàng loạt hình ảnh, câu chuyện, dòng trạng thái được chia sẻ trong dịp 30-4 đã lan tỏa lòng biết ơn khi nhắc về ngày vui của đất nước.

thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Du khách chụp ảnh với những khẩu pháo ở bến Bạch Đằng, quận 1, TP.HCM chiều 12-4 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Chúng ta đang bước gần đến đại lễ. Trong không khí ấy, thế hệ trẻ hôm nay lớn lên trong hòa bình, sống giữa thời đại công nghệ có những cách rất riêng để thể hiện lòng biết ơn với những thế hệ đi trước, góp phần tiếp nối truyền thống đẹp của dân tộc: sống và lớn lên với lòng biết ơn - cầu nối các thế hệ qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử của mảnh đất hình chữ S.

Trên mạng xã hội - không gian gần gũi nhất của người trẻ, hàng loạt hình ảnh, câu chuyện, dòng trạng thái được chia sẻ trong dịp 30-4 đã lan tỏa lòng biết ơn khi nhắc về ngày vui của đất nước.

Đó là những bức ảnh cờ đỏ sao vàng, là thước phim đen trắng ghi lại ký ức chiến tranh, là những bài viết giản dị kể về ông bà cha mẹ từng là bộ đội, thanh niên xung phong...

Có bạn trẻ viết: "Năm nay thật trọn vẹn và ý nghĩa, vì chúng ta vẫn còn được nhìn thấy những người lính năm xưa trong đội hình diễu hành", những người chứng kiến cả hai trạng thái đối lập của lịch sử.

Nhiều bạn trẻ xúc động nói hình ảnh của các cựu chiến binh trong đoàn diễu hành là "đẹp nhất" khi các bác các chú dù đi chưa đều, đánh tay chưa đều nhưng các bác các chú là những người đã từng chiến đấu giỏi nhất - sự tự hào này đem đến những cảm xúc nghẹn ngào.

Rất tự nhiên, không cần khuôn mẫu, sự biết ơn ấy cứ tự nhiên hiện diện - như một phần của máu thịt, như điều gì đó đã thấm vào tiềm thức của mỗi người Việt.

Nhiều bạn trẻ lại chọn cách cụ thể hóa lòng biết ơn qua hành động: thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ gia đình chính sách, đến các bảo tàng ghi nhớ chiến công thế hệ đi trước, hay tạo ra các sản phẩm và dự án truyền thông về lịch sử...

Xúc động hơn nữa là hình ảnh hàng trăm bạn trẻ hòa mình đi sau các khối diễu binh, đầy nhiệt huyết hòa tiếng hát cùng các chiến sĩ hay tiếng reo hò vang dội khi đoàn diễu binh diễu hành "đi giữa vòng tay nhân dân" ngang qua.

Trong khoảnh khắc ấy, tình quân dân - một giá trị đã làm nên sức mạnh của người Việt suốt bao cuộc chiến - như được tái hiện đầy chân thực giữa đời thường, với nhân chứng là thế hệ trẻ hôm nay.

Lòng biết ơn đã không dừng ở quá khứ. Lòng biết ơn đang dần trở thành ý thức trách nhiệm với hiện tại và tương lai.

Chúng ta tin rằng người trẻ hôm nay cảm nhận được họ đang sống tiếp một phần của câu chuyện đất nước - một câu chuyện không còn tiếng súng, nhưng vẫn cần lòng dũng cảm, sự tận tâm và khát vọng vươn lên.

Chúng ta có niềm tin rằng, viết tiếp câu chuyện hòa bình, xây dựng đất nước bằng tri thức, lòng tử tế và tinh thần cộng đồng - đó chính là cách mà những người trẻ sẽ thể hiện cùng đất nước, vì đất nước.

Tiếng quân nhạc hào hùng sẽ tiếp tục ngân lên tự hào. Nhưng với người trẻ, những lời ca giản dị trong bài hát Tự nguyện của nhạc sĩ Trương Quốc Khánh: "Nếu là chim, tôi sẽ là loài bồ câu trắng...

Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương" sẽ là hành trang mới. Họ sẽ "chết" cho khát vọng sống đẹp, như một lời hứa của bao thế hệ người Việt: sống xứng đáng với những người đi trước, và cống hiến cho tương lai bằng tất cả những gì mình có.

Một thế hệ biết cúi đầu trước lịch sử sẽ biết ngẩng cao đầu trong tương lai, hay như cách nói quen thuộc: một thế hệ biết có lòng biết ơn là một thế hệ có tương lai. Và khi lòng biết ơn trở thành truyền thống, trở thành cầu nối giữa các thế hệ trong một dân tộc, dân tộc ấy sẽ không bao giờ lạc lối.

Lòng biết ơn - cầu nối của các thế hệ Việt Nam - Ảnh 1.Các khối diễu binh trùng điệp giữa trung tâm TP.HCM trong đêm tổng luyện 22-4

Tuổi Trẻ Online gửi tới bạn đọc những hình ảnh ấn tượng của buổi hợp luyện diễu binh, diễu hành tối 22-4, đây là buổi hợp luyện cuối trước khi sơ duyệt, tổng duyệt và trình diễn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0