Lời xin lỗi bằng tiếng Việt của cựu phóng viên chiến trường Mỹ

Hơn 50 cựu phóng viên chiến trường trong và ngoài nước tề tựu về TP.HCM cùng ôn lại những câu chuyện tác nghiệp trong thời kỳ trước năm 1975.

Cái nắm tay của cựu phóng viên chiến trường hai chiến tuyến - Ảnh 1.

Ông Thomas Fox và nhà báo Đoàn Minh Tuấn (thứ hai và thứ ba từ trái sang) cùng các cựu phóng viên chiến trường trong và ngoài nước nắm tay thể hiện tình đoàn kết trong chương trình giao lưu chiều 27-4 - Ảnh: NGỌC ĐỨC

Chương trình gặp gỡ, giao lưu với các phóng viên chiến trường của Việt Nam, quốc tế giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cứu nước do Bộ Ngoại giao phối hợp UBND TP.HCM tổ chức diễn ra chiều tối 27-4.

Hơn 50 phóng viên từng tác nghiệp trong và sau thời kỳ chiến tranh đã tề tựu về tầng 10 khách sạn Caravelle (quận 1) - nơi từng là địa điểm sinh hoạt của phóng viên quốc tế trước ngày 30-4-1975.

Cái nắm tay của các cựu phóng viên chiến trường

Tại chương trình, các phóng viên chiến trường Việt Nam và quốc tế cùng ôn lại những kỷ niệm thời chiến.

Ông Thomas Fox, phóng viên chiến trường của báo National Catholic Reporter (Mỹ), chia sẻ ban đầu ông chỉ đến Việt Nam trong vai trò tình nguyện viên dân sự. Tuy nhiên sau khi chứng kiến những đau khổ người Mỹ đang gây ra với người Việt Nam, ông đã chuyển sang viết báo để đưa tin về sự thật chiến tranh.

Ông Fox kể bằng tiếng Việt sành sỏi: "Thời điểm đó, ở Mỹ người ta thường nói Mỹ đang làm điều tốt đẹp cho Việt Nam. Nhưng từ những gì tôi tận mắt chứng kiến, sự thật là những gì đang diễn ra gây ra rất nhiều đau khổ cho người dân Việt Nam.

Đó cũng là lúc tôi bắt đầu gắn bó với Việt Nam. Tôi học tiếng Việt, học cách ăn nước mắm. Năm 1971, một kỷ niệm hạnh phúc đến với tôi: tôi kết hôn với một cô gái Việt Nam quê Cần Thơ.

Chuyến đi này, tôi vui vì được chứng kiến sức sống mãnh liệt của thế hệ trẻ Việt Nam. Người Việt Nam rất yêu thương chính mình và yêu thương lẫn nhau. Kể từ ngày đất nước thống nhất, Việt Nam thực sự đã trở thành ngôi nhà chung của người Việt ở ba miền Bắc, Trung, Nam".

Cái nắm tay của cựu phóng viên chiến trường hai chiến tuyến - Ảnh 2.

Hơn 50 cựu phóng viên chiến trường trong và ngoài nước tề tựu tại nơi từng là địa điểm sinh hoạt của phóng viên quốc tế trước ngày 30-4-1975 - Ảnh: NGỌC ĐỨC

Tiếp lời ông Fox, nhà báo, nhà văn Đoàn Minh Tuấn chia sẻ hóm hỉnh: "Tôi năm nay đã 94 tuổi. Tôi đã tham gia cách mạng chống lại cuộc xâm lược của Pháp và Mỹ, và nay thì tôi chống... gậy.

Tôi muốn chân thành cảm ơn nước Mỹ và những người bạn của chúng tôi vì đã ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Tôi rất trân trọng các phóng viên chiến trường, bởi nhờ các ông, thế giới đã biết đến Việt Nam, biết đến thực tế của chiến tranh. Các ông cũng đã góp phần vào quá trình hòa giải sau chiến tranh".

Ngay sau khi nghe lời chia sẻ của ông Tuấn, ông Fox và các khách mời đã nắm bàn tay nhau, giơ cao thể hiện tinh thần đoàn kết của những phóng viên từng cùng tác nghiệp trên một chiến trường.

Lời xin lỗi của người cựu phóng viên

Lời xin lỗi bằng tiếng Việt của cựu phóng viên chiến trường Mỹ - Ảnh 3.

Bà Edith Lederer hạnh phúc khi được tái ngộ cùng một cựu phóng viên chiến trường cũng từng tác nghiệp tại miền Nam Việt Nam - Ảnh: NGỌC ĐỨC

Trước đó, đoàn các cựu phóng viên chiến trường có dịp tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh.

Tại đây, ông Thomas Fox đã dành tặng cho bảo tàng quyển sách Living with Agent Orange: Conversations in Postwar Viet Nam (tạm dịch: "Chung sống với chất độc màu da cam: Những cuộc đối thoại tại Việt Nam hậu chiến") của tác giả Diane Niblack Fox.

"Chúng tôi đang đứng trên một mảnh đất linh thiêng, nơi từng chứng kiến biết bao đau thương. Nhưng cũng chính nơi này, nhiều người đã không ngại nguy hiểm, đã hy sinh để kể lại sự thật.

Rất nhiều người Mỹ đồng ý một điều rằng: Chúng tôi đến Việt Nam không phải để làm hại ai. Nhưng chúng tôi biết, chiến tranh đã gây ra quá nhiều đau buồn.

Thay mặt cho những người Mỹ có lương tâm, chúng tôi xin lỗi vì những gì nước chúng tôi đã gây ra cho đất nước này. Chúng tôi mong rằng người Việt sẽ cảm nhận được sự chân thành trong lời xin lỗi này. Tình cảm và ký ức nơi đây, chúng tôi sẽ mang theo suốt đời", ông Fox chia sẻ bằng tiếng Việt.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Fox khẳng định gần như chưa có người Mỹ nào xin lỗi người Việt Nam bằng tiếng Việt. Điều đó đã thôi thúc ông gửi đi lời xin lỗi của mình.

Cái nắm tay của cựu phóng viên chiến trường hai chiến tuyến - Ảnh 4.

Bà Lederer trao tặng kỷ vật cho đại diện Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - Ảnh: NGỌC ĐỨC

Cũng tại bảo tàng, bà Edith Lederer - nữ phóng viên nước ngoài thường trú đầu tiên tại Sài Gòn thời chiến tranh, đã trao tặng cho bảo tàng kỷ vật là một ấn bản của tạp chí LIFE (Mỹ) số ra ngày 22-3-1968 in chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Tôi thấy khu vực này, nay đã rộng hơn rất nhiều so với ký ức của tôi, có hẳn một bức tường trưng bày ảnh của một cựu phóng viên tạp chí LIFE. Tôi vốn rất thích các chợ đồ cũ và trong một lần đi chợ ở thành phố New York, tôi tìm thấy một món đồ mà tôi nghĩ sẽ là món quà hoàn hảo dành tặng cho bảo tàng này", bà chia sẻ.

Lời xin lỗi bằng tiếng Việt của cựu phóng viên chiến trường Mỹ - Ảnh 5.

Bà Marianne Harris, vợ cố nhà báo Tim Page, hỏi thăm sức khỏe một cựu cơ sở tình báo từng hoạt động tại Thành cổ Quảng Trị khi tham quan bảo tàng. Nhà báo Tim Page là một trong những người góp công tạo nên triển lãm Hồi niệm (Requiem) của bảo tàng - Ảnh: NGỌC ĐỨC

Cái nắm tay của cựu phóng viên chiến trường hai chiến tuyến - Ảnh 6.

Ông Thomas Fox trao tặng kỷ vật và chia sẻ cảm xúc với đại diện bảo tàng - Ảnh: NGỌC ĐỨC

Cái nắm tay của cựu phóng viên chiến trường hai chiến tuyến - Ảnh 7.Khối diễu binh Trung Quốc hát vang 'Việt Nam, Hồ Chí Minh' trên đường TP.HCM

Sáng nay 27-4, tổng duyệt diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được tổ chức trang trọng tại đường Lê Duẩn, TP.HCM, với sự tham gia của quân đội Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0