
Ông Phạm Trương, bí thư Thị ủy Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định - Ảnh: T.D.
Được biết, theo đề án sắp xếp xã phường trước đây, thị xã Hoài Nhơn sắp xếp thành 7 phường, đặt tên từ phường Hoài Nhơn 1 tới phường Hoài Nhơn 7.
Sau khi lắng nghe ý kiến người dân và góp ý của dư luận, lãnh đạo thị xã quyết định nghiên cứu lại cách đặt tên phường.
Cụ thể, phương án đặt tên mới cho 7 phường là: phường Bồng Sơn, phường Tam Quan, phường Hoài Nhơn, phường Hoài Nhơn Bắc, phường Hoài Nhơn Nam, phường Hoài Nhơn Đông và phường Hoài Nhơn Tây.
Theo ông Phạm Trương, bí thư Thị ủy Hoài Nhơn, sau khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân, có hơn 97% cử tri thống nhất về phương án đặt tên xã phường mới.
Chính quyền địa phương tới tận nhà phát phiếu lấy ý kiến và giải thích cặn kẽ cho nhân dân những điều chưa rõ. Qua nghiên cứu, bàn bạc, tên gọi mới có mức độ nhận diện cao, gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương, có từ lâu đời.
"Tên gọi Hoài Nhơn đã có từ 555 năm trước, những địa danh Bồng Sơn, Tam Quan cũng đã có từ thế kỷ XIX. Quá trình triển khai đặt lại tên phường chúng tôi làm rất chặt chẽ, đúng quy trình và rất cầu thị.
Phải có trách nhiệm với lịch sử, không để sau này người dân nói ra nói vào không hay" - bí thư Thị xã Hoài Nhơn cho hay.
Tại tỉnh Bình Định, các địa phương có nhiều cách đặt tên gọi xã phường sau sắp xếp. Cụ thể, một số địa phương như TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, đặt tên xã phường theo tên của thành phố và thị xã cũ cộng thêm hướng Đông, Tây, Nam, Bắc...
Huyện Vân Canh vừa đặt theo tên xã cũ vừa đặt theo tên huyện kèm số thứ tự. Huyện An Lão đặt tên xã mới theo tên xã cũ. Còn các huyện khác đặt tên xã mới theo tên huyện kèm số thứ tự như huyện Vĩnh Thạnh, huyện Tây Sơn, huyện Phù Cát, huyện Hoài Ân, huyện Phù Mỹ.
Tới thời điểm này, ngoại trừ thị xã Hoài Nhơn, hầu hết các địa phương vẫn giữ nguyên cách đặt tên, không có sự thay đổi.
Không có mẫu số chung cho việc đặt tên xã phường
Theo ông Lê Kim Toàn, phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, không có mẫu số chung cho việc đặt tên xã phường và việc đặt tên theo phương án nào cũng không thể thỏa mãn được tất cả mọi người dân. Do đó, điều quan trọng nhất là người dân đồng thuận tên mới, dễ đọc, dễ nhớ, dễ nhận biết, không thay đổi nhiều trong các quan hệ xã hội.
Việc đặt tên xã mới theo tên huyện kèm số thứ tự cũng có ưu thế trong nhận diện vùng đất không chỉ với cộng đồng địa phương mà còn với người ở xa. Ít gây ra tranh cãi giữa người dân trong xã mới hơn so với việc chọn lại tên xã cũ hoặc một địa danh tại địa phương.
"Tất cả các phương án cũng chỉ là tương đối, phương án nào có nhiều đồng thuận nhất, đáp ứng được các yêu cầu cao nhất là phương án tốt nhất" - ông Lê Kim Toàn nói.
BÌNH LUẬN HAY