
Giới chức Đan Mạch và người dân tức giận trước lời tuyên bố thâu tóm Greenland của chính quyền ông Trump - Ảnh: REUTERS
Theo tờ New York Times ngày 11-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức theo đuổi kế hoạch mua Greenland. Hiện Nhà Trắng đang thúc đẩy một kế hoạch toàn diện nhằm mua lại hòn đảo Bắc Cực này từ Đan Mạch bằng cách vận động chính trị, truyền thông và cả các đề xuất tài chính hấp dẫn.
Kế hoạch được đưa ra khi Greenland dần trở thành một nơi có giá trị kinh tế và chiến lược cao trong bối cảnh băng tan do biến đổi khí hậu, mở ra tuyến hàng hải và tài nguyên mới.
Mỹ thuyết phục người Greenland gia nhập thay vì ép buộc
Trước đó, ông Trump nhiều lần ám chỉ khả năng sử dụng vũ lực để thâu tóm Greenland, nhưng một quan chức Mỹ cho biết kế hoạch hiện tại không bao gồm biện pháp quân sự.
Thay vào đó, chính sách nhấn mạnh việc thuyết phục hơn là ép buộc. Chính quyền Mỹ sẽ triển khai chiến dịch truyền thông và hứa hẹn kinh tế nhằm thuyết phục khoảng 57.000 cư dân Greenland gia nhập Mỹ.
Một trong những đề xuất được đưa ra là thay thế khoản viện trợ hằng năm 600 triệu USD của Đan Mạch bằng trợ cấp 10.000 USD/năm cho mỗi công dân Greenland nếu họ đồng ý gia nhập Mỹ.
Ông Trump và các cố vấn cũng nhấn mạnh Đan Mạch đã "quản lý kém" hòn đảo, rằng chỉ có Mỹ mới đủ tiềm lực để bảo vệ Greenland khỏi Trung Quốc và Nga, giúp người Greenland "trở nên giàu có" nhờ khai thác tài nguyên thiên nhiên quý giá trên đảo như đất hiếm, vàng, uranium, dầu mỏ.
Ngoài ra chiến lược mới cũng nhấn mạnh mối liên hệ văn hóa giữa người Inuit ở Greenland và cộng đồng Inuit bản địa tại bang Alaska. Giới chức Mỹ tin rằng việc nhấn mạnh nguồn gốc chung này có thể giúp tạo sự đồng cảm và cảm giác gắn kết giữa Greenland và Mỹ.
Người Inuit ở Greenland là hậu duệ của các cộng đồng di cư từ bang Alaska hàng trăm năm trước, ngôn ngữ chính thức của họ cũng bắt nguồn từ các phương ngữ Inuit ở bắc Canada.
Phó tổng thống Mỹ JD Vance mới đây cũng đến thăm căn cứ quân sự Mỹ tại Greenland, bày tỏ hy vọng người dân hòn đảo sẽ "chọn độc lập khỏi Đan Mạch, sau đó đàm phán với Mỹ".
Giới chức Đan Mạch phẫn nộ
Tuy nhiên người dân Greenland chưa từng thể hiện ủng hộ sáp nhập vào Mỹ, giới chức Đan Mạch cũng phản đối mạnh mẽ kế hoạch này, khẳng định Greenland không phải để bán.
Trong chuyến thăm Greenland gần đây, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen mạnh mẽ tuyên bố: "(Mỹ) không thể sáp nhập lãnh thổ của một quốc gia khác", và lên án chính quyền ông Trump "áp lực và đe dọa" làm tổn hại nghiêm trọng đến mối quan hệ giữa hai nước.
Bà Frederiksen cho biết người dân Đan Mạch vô cùng hoang mang khi "quốc gia họ từng ngưỡng mộ" lại đòi sáp nhập một phần lãnh thổ của đất nước mình.
Trước đó trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump cân nhắc việc mua Greenland nhưng đã rút lại sau khi bị chỉ trích "ảo tưởng". Sau khi tái đắc cử, ông quay lại ý tưởng này nhưng với quyết tâm lớn hơn.
Tuy nhiên ông Trump đang bị nhiều quốc gia nhìn nhận là chủ nghĩa đế quốc trắng trợn sau tuyên bố "chiếm Greenland bằng mọi giá". Trước đó ông cũng từng nói về việc "thu lại kênh đào Panama", thậm chí "sáp nhập Canada".
BÌNH LUẬN HAY