12/04/2025 12:11 GMT+7

Châu Âu siết tiêu chuẩn đồ chơi trẻ em

Tối 10-4 (giờ địa phương), các nhà đàm phán từ Nghị viện và Hội đồng châu Âu đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về các quy định mới đối với đồ chơi tại thị trường châu Âu, nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.

đồ chơi - Ảnh 1.

Bé gái đi mua đồ chơi cùng ba tại một cửa hàng đồ chơi ở châu Âu - Ảnh: ThE OBSERVER

Thỏa thuận này cũng sẽ thúc đẩy các chủ thể kinh doanh cải thiện tiêu chuẩn an toàn đồ chơi, cũng như nêu rõ yêu cầu đối với hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số (DPP). 

Ngoài ra, thỏa thuận còn nhằm mục đích ứng phó với một số thách thức mới nổi, bao gồm rủi ro liên quan đến đồ chơi kỹ thuật số và sự bùng nổ của mua sắm trực tuyến.

Quy định khắt khe

Theo trang thông tin chính thức của Nghị viện châu Âu, thỏa thuận lần này sẽ mở rộng danh sách các chất bị cấm trong đồ chơi. Ngoài việc tiếp tục cấm các chất gây ung thư, đột biến gene hoặc ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, quy định mới còn cấm các hóa chất gây rủi ro đặc biệt cho trẻ em, như chất làm rối loạn nội tiết, chất nguy hiểm cho hệ hô hấp, cũng như chất gây dị ứng da và các cơ quan khác trong cơ thể.

Bên cạnh đó Nghị viện châu Âu cấm sử dụng có chủ đích các chất per - và polyfluorinated alkyl (PFASs) hay còn gọi là "hóa chất vĩnh cửu", cũng như cá loại bisphenol nguy hiểm nhất. 

Đồng thời, những loại hương liệu dễ gây dị ứng cũng sẽ bị cấm trong các loại đồ chơi dành cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi hoặc những loại mà trẻ có thể đưa vào miệng.

Về tiêu chuẩn an toàn, các nhà sản xuất sẽ tiến hành đánh giá tất cả các mối nguy hiểm tiềm ẩn, bao gồm hóa chất, vật lý, cơ học và điện có trong đồ chơi trước khi đưa ra thị trường. Ngoài ra khả năng cháy nổ, vệ sinh, tính phóng xạ và tính sát thương cũng nằm trong danh mục đánh giá này.

Đáng chú ý, tất cả các đồ chơi được bán tại châu Âu đều phải đính kèm DPP rõ ràng, thực hiện tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn. "Hộ chiếu" này có thể giúp các cơ quan thực thi pháp luật truy xuất nguồn gốc của đồ chơi nhanh hơn, từ đó hỗ trợ quá trình kiểm tra hải quan và giám sát thị trường. Mặt khác, DPP cũng cung cấp các mã QR giúp người tiêu dùng tiếp cận thông tin và cảnh báo an toàn của sản phẩm.

Theo đó, quy định mới sẽ làm rõ nghĩa vụ của các chủ thể kinh tế, bao gồm nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, nhà phân phối, cũng như các bên chịu trách nhiệm lưu trữ, đóng gói và vận chuyển đồ chơi. 

Thêm vào đó, thỏa thuận cũng đặt ra yêu cầu và trách nhiệm đối với các sàn thương mại điện tử trong bối cảnh mua bán trực tuyến bùng nổ hơn bất cứ thời điểm nào trước đó. Tất cả các thông tin cần thiết đều phải hiển thị rõ ràng trước khi khách hàng hoàn tất giao dịch mua.

"Châu Âu phải là hình mẫu đi đầu"

Châu Âu từ lâu nổi tiếng là một trong những thị trường có tiêu chuẩn khắt khe nhất trên toàn cầu, do đó không quá ngạc nhiên khi các nhà lập pháp của khối này tiếp tục nâng cao yêu cầu đối với đồ chơi trẻ em - một trong những ưu tiên hàng đầu tại lục địa già, đặc biệt khi sức khỏe tinh thần cũng quan trọng không kém sức khỏe thể chất trong thế giới hiện đại ngày nay.

"Thỏa thuận này đã đưa các quy định về an toàn đồ chơi bước vào thế kỷ 21. Lần đầu tiên, chúng ta không chỉ bảo vệ trẻ em khỏi các chất độc hại, còn nhìn nhận rủi ro sức khỏe tinh thần đối với các loại đồ chơi có kết nối, như đồ chơi kỹ thuật số", nhà đàm phán người Áo Anna Sturgkh thuộc Nghị viện châu Âu nhận định.

Bên cạnh đó, bà Sturgkh cho rằng cơ chế phần thưởng khiến trẻ em gặp áp lực khi phải thể hiện bản thân hoặc gắn giá trị của chúng với những chỉ số định lượng là điều không nên tồn tại trong một môi trường vui chơi lành mạnh. Châu Âu phải là hình mẫu đi đầu: Đồ chơi an toàn phải là đồ chơi an toàn cho sức khỏe tinh thần.

Trong khi đó ông Billy Kelleher - đại diện Ireland tại Nghị viện châu Âu - nhấn mạnh thỏa thuận trên đã đạt được những bước tiến cụ thể và đảm bảo một số hóa chất độc hại nhất như bisphenol và PFASs sẽ không xuất hiện trong đồ chơi trẻ em tại thị trường châu Âu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết về các quy định liên quan đến hóa chất và hệ thống pháp lý.

Giải thích về DPP, bà Marion Walsmann - nhà đàm phán chính trong thỏa thuận lần này - cho biết DPP sẽ giúp cả người tiêu dùng và cơ quan chức năng dễ dàng tiếp cận thông tin quan trọng, đồng thời đảm bảo bí mật thương mại của các doanh nghiệp vẫn được bảo mật.

Tuy nhiên ngành công nghiệp đồ chơi của Liên minh châu Âu (EU) đang tạo ra hơn 50.000 việc làm, do đó một trong những ưu tiên hiện nay là đạt được sự cân bằng giữa việc bảo vệ an toàn cho trẻ em và tránh gây gánh nặng quá mức cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy, các nhà đàm phán đã nhất trí áp dụng một giai đoạn chuyển tiếp, giúp những nhà sản xuất đồ chơi có đủ thời gian để thích nghi với quy định mới.

Ngăn đồ chơi không đạt chuẩn tràn vào EU

Theo một cuộc khảo sát do Tổ chức các ngành công nghiệp đồ chơi châu Âu (TIE) công bố cuối năm 2024, 80% trong số hơn 100 món đồ chơi mà họ mua từ 10 nền tảng trực tuyến bao gồm: AliExpress, Temu và Shein (Trung Quốc), Light In The Box (Singapore), Amazon và Wish (Mỹ), Cdiscount (Pháp), Fruugo (Anh), Bol (Hà Lan) và Allegro (Ba Lan) không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của EU.

Tổng giám đốc TIE Catherine Van Reeth cho hay các nền tảng thương mại điện tử không chịu trách nhiệm pháp lý đối với hàng hóa do bên thứ ba cung cấp, tạo điều kiện để đồ chơi không đạt chuẩn tràn vào thị trường EU. Bà kêu gọi Ủy ban châu Âu nhanh chóng giải quyết lỗ hổng pháp lý này.

Hình mẫu châu Âu về đồ chơi trẻ em - Ảnh 2.Công nghiệp đồ chơi trẻ em ở Mỹ lo ông Trump áp thuế vì có xuất xứ Trung Quốc

Giá đồ chơi trẻ em ở Mỹ có thể sẽ tăng giá trong năm 2025 nếu Tổng thống đắc cử Donald Trump áp mức thuế mới nhằm vào Trung Quốc, bởi 80% đồ chơi ở Mỹ được sản xuất ở Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0