
Bà Trương Mỹ Lan được giảm án về tội lừa đảo - Ảnh: HỮU HẠNH
Sau một tuần nghị án kéo dài, ngày 21-4, Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tuyên án đối với bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.
Kháng cáo về tội danh của bà Trương Mỹ Lan không được chấp nhận
Theo hội đồng xét xử, sau phiên tòa sơ thẩm, đa số các bị cáo trong vụ án có kháng cáo. Trong đó bà Trương Mỹ Lan (69 tuổi, chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó tổng giám đốc SCB) kháng cáo toàn bộ bản án; các bị cáo còn lại kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt; những người có nghĩa vụ liên quan kháng cáo về phần dân sự liên quan đến họ.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Trần Thị Hoàng Uyên (49 tuổi, thư ký bà Trương Mỹ Lan) và bị cáo Trần Xuân Phượng (55 tuổi, thư ký tổng giám đốc Vạn Thịnh Phát) xin rút kháng cáo nên hội đồng xét xử đình chỉ xét xử đối với các bị cáo này.
Hội đồng xét xử nhận định về tội danh và hình phạt, cũng như các biện pháp tư pháp về cơ bản đã được tòa án cấp sơ thẩm giải quyết đúng yêu cầu pháp luật.
Tại phiên tòa phúc thẩm, hội đồng xét xử tập trung xem xét thái độ ăn năn, hối cải, thiện chí khắc phục hậu quả của vụ án để xét kháng cáo của các bị cáo.
Với vai trò chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, đồng thời là người nắm giữ quyền quyết định cao nhất, chi phối toàn bộ hoạt động Ngân hàng SCB, bà Trương Mỹ Lan đã đồng ý với đề xuất của Nguyễn Phương Hồng (đã chết) và chỉ đạo các lãnh đạo chủ chốt của Ngân hàng SCB sử dụng bốn công ty An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra phát hành 25 mã trái phiếu "khống".
Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, từ năm 2018 - 2020, các bị cáo đã phát hành 25 mã trái phiếu với tổng số lượng hơn 308 triệu trái phiếu, huy động vốn của 35.824 nhà đầu tư (nhà đầu tư thứ cấp).
Tính đến ngày 7-10-2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt số tiền 30.081 tỉ đồng của 35.824 bị hại.
Xét các nội dung kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan, hội đồng xét xử cho rằng quy trình như chạy dòng tiền khống, lập các hợp đồng kinh tế khống, lập, ký khống các chứng từ giao dịch và hạch toán khống giao dịch trên hệ thống Ngân hàng SCB… đã thể hiện rất rõ hành vi gian dối của các bị cáo trong việc phân phối trái phiếu nhằm chiếm đoạt tiền của trái chủ.
Do đó quan điểm của bị cáo Trương Mỹ Lan và các luật sư cho rằng bị cáo không ý thức chiếm đoạt là không có căn cứ.
Bà Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo các cá nhân thuộc Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chuyển tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB hoặc cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản nhằm cắt đứt dòng tiền để che giấu, hợp thức nguồn gốc bất hợp pháp số tiền 445.748 tỉ đồng.
Đây là số tiền có được từ việc phát hành trái phiếu và hành vi tham ô tài sản đã được xét xử trong giai đoạn 1. Căn cứ nghị quyết số 03 ngày 24-5-2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì hành vi sử dụng tiền từ nguồn tiền do phạm tội mà có vào hoạt động kinh doanh và hoạt động khác là hành vi khách quan của tội "rửa tiền".
Về tội danh "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", bà Trương Mỹ Lan không vận chuyển cơ học nhưng đã lợi dụng nghiệp vụ thanh toán quốc tế, lập các hợp đồng khống để chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài với tổng số tiền hơn 4,5 tỉ USD.
Do đó hội đồng xét xử không chấp nhận quan điểm kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan liên quan tội "rửa tiền" và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới".
Về kháng cáo xin miễn án phí, hội đồng xét xử cho rằng bà Trương Mỹ Lan không đủ điều kiện được miễn án phí nên không chấp nhận.
Bà Trương Mỹ Lan có thiện chí khắc phục hậu quả
Hội đồng xét xử xét bà Trương Mỹ Lan có thiện chí khắc phục hậu quả vụ án. Cụ thể, tính đến ngày 31-3, cơ quan chức năng đã thu hơn 8.600 tỉ đồng. Đồng thời các cá nhân, tổ chức phải trả cho bà Lan hơn 21.000 tỉ đồng.
Theo hội đồng xét xử, số tiền đã thu hồi và dự kiến thu hồi rất lớn, đây được xem là tình tiết mới. Đồng thời bà Trương Mỹ Lan có nhiều tình tiết giảm nhẹ, đã ăn năn hối cải, thể hiện thái độ mong muốn khắc phục hậu quả nên tòa xét thấy cần giảm nhẹ hình phạt tù chung thân xuống tù có thời hạn.
Đối với việc bà Trương Mỹ Lan đề nghị thu hồi 15.000 tỉ đồng tại một số tổ chức tín dụng, hội đồng xét xử xác định do giới hạn xét xử nên những nội dung trên nằm ngoài phạm vi xét xử.
Tại tòa phúc thẩm bà Lan đề nghị giải tỏa kê biên số tiền 43.000 tỉ đồng tại một số công ty, hội đồng xét xử cho rằng bà Lan có nghĩa vụ rất lớn trong việc bồi thường và bà Lan đồng ý dùng số tiền này để khắc phục hậu quả vụ án nên tiếp tục kê biên.
Đối với việc bà Lan xin lại 2 túi Hermes bạch tạng, hội đồng xét xử cho rằng đây là tài sản của bà Lan có nguồn tiền phạm tội mà có nên tiếp tục tạm giữ.
Với việc bà Trương Mỹ Lan xin miễn án phí dân sự sơ thẩm, tòa xác định bà Lan không đủ điều kiện nên không chấp nhận.
Từ đó hội đồng xét xử tuyên phạt bà Trương Mỹ Lan 20 năm tù về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản", 12 năm tù về tội "rửa tiền", 8 năm tù về tội "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", tổng hợp là 30 năm tù.
Tổng hợp hình phạt của bản án phúc thẩm giai đoạn 1, buộc bà Lan chấp nhận hình phạt chung của 2 bản án là tử hình.
BÌNH LUẬN HAY