TTCT - Đã có những chương trình podcast thuần Việt và thể loại này cũng có một lượng khán giả nhất định ở Việt Nam. Tuổi Trẻ Cuối Tuần tìm gặp những người trong cuộc để thử phác họa bức tranh podcast thị trường được đánh giá nhiều tiềm năng này. Mỗi ngày 40-60 phút di chuyển từ nhà đến chỗ làm và ngược lại mà chỉ nghe nhạc mãi cũng chán, Tuấn Hoàng muốn tìm cách gì đó có thể giúp vừa thư giãn vừa đỡ lãng phí khoảng thời gian nói trên. Tìm hiểu rồi biết đến podcast, Hoàng thử cài vào iPhone, rồi nhanh chóng trở thành fan của một loạt chương trình.Vì sở thích cá nhân và nhờ có khả năng ngoại ngữ, Hoàng chọn nghe podcast về công nghệ của BBC và tạp chí Wired mỗi sáng, chiều về thì nghe các show kiến thức như Stuff You Should Know hay Ridiculous History. Mỗi hai lượt, không cần đọc sách báo hay lướt mạng mà vẫn nạp được bao nhiêu kiến thức. KHÁC GÌ SO VỚI RADIO?Để hiểu sự khác nhau giữa radio và podcast, không gì hay hơn là hỏi người trong ngành phát thanh. Bà Nguyễn Thúy Hoa, trưởng ban hợp tác quốc tế Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), cho biết: “Điểm giống nhau là cả radio và podcast đều tạo ra nội dung bằng âm thanh, tập trung vào các chức năng thông tin, giáo dục hoặc giải trí cho người nghe. Tuy nhiên với radio, hoặc là chương trình phát sóng trực tiếp, hoặc có những phần được thu âm trước nhưng khi phát sóng thì sẽ phát liên tục trong một tổng thể. Trong khi đó, podcast thường được biên tập lại kỹ càng, gọn, không dư thừa, theo từng chủ đề nhằm vào đối tượng người nghe đích”.Theo bà Hoa, khả năng tải xuống và nghe bất cứ khi nào, ở bất cứ đâu và tua đi tua lại đoạn mà chúng ta muốn nghe chính là ưu thế của podcast so với phát thanh truyền thống.Nhưng nếu thế thì có khác gì với các trang web cho nghe online chương trình radio (trực tiếp hoặc nghe lại)?Trả lời câu hỏi này, anh Trần Bình, phó trưởng phòng nội dung số ban thời sự VOV, cho biết có thể hình dung podcast như mạng xã hội chuyên về âm thanh, giống như YouTube chuyên về video, Facebook đa phương tiện, Twitter nghiêng về chữ hay Flickr chuyên về ảnh.“Các ứng dụng podcast có gần như đầy đủ các tính năng như thích, theo dõi, nhận xét… có thông báo khi có phần mới, đặc biệt có thể chọn tự tải về khi có phần mới, tự xóa khi nghe xong, cũng có thể nghe trực tiếp, nghe sau, online hoặc offline. So với website thông thường, rõ ràng nghe qua podcast sẽ tiện lợi hơn nhiều vì người nghe không phải tìm kiếm, chờ đợi, mất thời gian khi muốn nghe một chương trình phát thanh nào đó một khi đã subscribe (theo dõi)” - anh Bình giải thích.Về mặt nội dung, theo bà Thúy Hoa, podcast và radio cũng khác nhau. Trong khi các đài phát thanh sản xuất các chương trình liên quan nhiều đến thời sự thì podcast làm về những nội dung thông tin có thể lưu trữ lâu dài mà vẫn không bị lạc hậu.“Tầm ảnh hưởng của chương trình phát thanh truyền thống là số người nghe ngay lúc đó, tầm ảnh hưởng của chương trình podcast bao gồm cả lượng người nghe sau này” - bà Hoa nói.Cũng theo bà Hoa, người làm podcast có thể tùy chọn định dạng, thời lượng và chủ đề của chương trình mà không bị ảnh hưởng bởi khuôn khổ thời lượng hay format của chương trình phát thanh. Chương trình podcast có thể dài 5 phút, 10 phút, 30 phút, mà cũng có thể là vài giờ…Cơ bản nhất là người nghe chọn nghe theo chủ đề đó một cách chủ động, nghe vào lúc nào họ muốn. “Người làm podcast có thể thu hút những người nghe cùng đam mê một chủ đề mà mình tâm huyết. Do vậy, có thể nói podcast là các kênh phát thanh chuyên biệt” - bà Hoa nhận định.SÂN CHƠI ĐA DẠNGVào các nền tảng nghe podcast phổ biến sẽ thấy xen lẫn các show nước ngoài là chương trình của Việt Nam, chẳng hạn Tâm sự kinh doanh, Sách nói, Đọc sách giùm bạn, Ta đi tây…Theo anh Trần Bình, các đài phát thanh hay công ty truyền thông lớn trên thế giới đều có hệ thống truyền tải thông tin qua podcast khá quy mô và đầy đủ. Các đơn vị này có lợi thế là không phải tốn gì thêm bởi nội dung âm thanh sẵn có. Nhưng điều đó không có nghĩa các cơ quan báo chí không thể nhảy vào làm podcast. Podcast của báo điện tử VietnamPlus (TTXVN) là một ví dụ.Theo ông Nguyễn Hoàng Nhật - phó tổng biên tập VietnamPlus, tờ báo này làm podcast như một cách bám sát những xu thế mới của truyền thông thế giới. “Những cuốn cẩm nang báo chí mà TTXVN duy trì mua bản quyền phát hành trong vài năm trở lại đây cũng đều nhắc nhiều đến podcast” - ông Nhật nói.Lợi thế để tham gia podcast là đa số các cơ quan báo chí đều đang làm truyền thông hội tụ, không còn phân biệt báo in, báo điện tử hay truyền hình nữa và nhiều đơn vị còn có mini studio, đều đặn phát các bản tin truyền hình.“Từ một bản tin chữ, giờ các tòa soạn có thể biến nó thành các dạng thông tin khác như infographic, video… nên việc biến nó thành bản tin phát thanh không phải là điều khó khăn nhờ sự phát triển của công nghệ. Nhiều cơ quan báo chí nước ngoài cũng đều phát triển podcast nhờ việc tận dụng luôn phần đọc thuyết minh từ bản tin truyền hình” - ông Nhật chia sẻ.Theo đại diện VietnamPlus, qua quan sát ở một số diễn đàn, cộng đồng nghe podcast ở Việt Nam không phải là hiếm. Nhiều diễn đàn học tiếng Anh đều chia sẻ kinh nghiệm nghe podcast để luyện kỹ năng nghe (các kênh phổ biến như Ted Talk, BBC News...).Từ nghe tiếng Anh thì họ có thể chuyển qua nghe tiếng Việt, nhưng các kênh tin tức tiếng Việt vẫn là khoảng trống, ngoài podcast của VOV thì hầu như không có sự lựa chọn nào khác ngoài một số kênh của người Việt ở hải ngoại.Đó cũng là lý do mà Tuấn Hoàng không subscribe bất kỳ show tiếng Việt nào vì không có chương trình phù hợp với mối quan tâm và sở thích của bạn trẻ này.Nếu VietnamPlus làm podcast để lấp đầy khoảng trống podcast nội dung tiếng Việt trong nước thì ở chiều ngược lại, anh Trần Bình cho biết podcast là một phương thức rất hữu ích để VOV hay bất kỳ nhà phát hành nội dung nào hướng đến đối tượng là người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài, hay người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.TIN TƯỞNG TƯƠNG LAITrong một bài viết hồi tháng 1-2019, Công ty truyền thông EloQ Communications nhận định đang có sự gia tăng nhận biết về podcast ở Việt Nam và đây là thị trường tiềm năng cho loại hình này.Waves, startup muốn xây dựng nền tảng podcast cho người Việt, cũng đánh giá thị trường nội dung âm thanh tại Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nhờ sự phổ biến của smartphone, tốc độ Internet cao, có hơn 50 triệu người Việt tiêu thụ nội dung số trên các mạng xã hội trung bình hai tiếng rưỡi mỗi ngày.Nhiều chương trình Việt Nam lọt top phổ biến trên Apple Podcasts. Ảnh chụp màn hình“Quan trọng hơn hết là thói quen nghe nội dung âm thanh đã có sẵn khi người Việt rất thích nghe radio, dành rất nhiều thời gian để xem và nghe các chương trình trên YouTube” - Đỗ Bảo Sang, giám đốc kinh doanh tại Waves, chia sẻ.Trong khi đó, anh Trần Bình cho rằng ở Việt Nam, podcast còn khá xa lạ và chưa được chú trọng phát triển, trong khi đây lại là xu thế tiếp cận thông tin trong cuộc sống hiện đại ở các nước phát triển, đặc biệt là các nước như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Úc...Tuy nhiên, đại diện VOV vẫn lạc quan về tương lai khi “chắc chắn podcast sẽ là một hình thức “nghe” phổ biến trong thời gian tới với những người di chuyển bằng phương tiện cá nhân, công cộng… và khi các nhà sản xuất podcast phát triển hơn, các chương trình podcast Việt Nam nhiều hơn”.Ông Hoàng Nhật cũng đánh giá có nhiều yếu tố giúp thay đổi thói quen để podcast phổ biến hơn ở Việt Nam. Ví dụ, các nền tảng phát thanh trực tuyến trên điện thoại di động như Spotify, Apple Podcasts đang tăng trưởng rất mạnh và các dòng ôtô mới đều đã trang bị hoặc hỗ trợ Apple Car Play, Android Auto, qua đó dần thay đổi thói quen của người nghe, chuyển từ phát thanh truyền thống sang phát thanh trực tuyến.Và không chỉ smartphone hay máy tính, xu hướng sử dụng loa thông minh tăng cũng là một kênh giúp podcast đến gần người nghe hơn. “Vậy nên dù lượng người nghe podcast tại Việt Nam chưa cao nhưng chúng tôi vẫn cứ mạnh dạn thử nghiệm, vì có thử nghiệm thật nhiều mới chạm đến được thành công” - ông Nhật nhấn mạnh.Anh Michael Tatarski (người Mỹ), nhà sáng lập và là một trong những người dẫn chính của Saigoneer Podcast, cho biết người nghe podcast ở Việt Nam có thể không bằng Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa người Việt không chuộng món ăn mới này.Saigoneer, trang tin về Việt Nam bằng tiếng Anh nổi tiếng trong cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam, bắt đầu làm podcast từ năm 2017.“Chúng tôi có nhiều bạn đọc trong nước nhưng cũng có rất nhiều người ở nước ngoài nên khi làm podcast, chúng tôi nghĩ người nghe sẽ phần lớn không sống ở Việt Nam - anh Tatarski nói - Giờ đây, sau hơn hai năm, tôi rất vui khi thấy đại đa số người nghe đến từ Việt Nam, điều đó rõ ràng cho thấy vẫn có nhu cầu nghe podcast ở đây”.Tiếp tục so sánh thói quen của thính giả podcast ở Việt Nam và Mỹ, anh Tatarski cho biết sẽ có khác biệt vì ở Việt Nam không nhiều người dùng phương tiện công cộng, vốn là thời gian thích hợp để nghe podcast. Hiện đang sống ở Sài Gòn, anh Tatarski cũng “nhập gia tùy tục”, nghe podcast khi chạy xe máy và cả khi tập thể dục, nấu ăn... “Tôi thấy nhiều người đeo tai nghe khi đi trên đường nên hi vọng họ cũng đang nghe podcast” - anh nói.Theo Michael Tatarski, do lẽ podcast đang phát triển ở Mỹ và châu Âu, “việc podcast tăng trưởng ở Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian”. “Mặc dù thị trường podcast ở Việt Nam còn nhỏ song khá đa dạng, xét về mặt thể loại và chủ đề của các chương trình podcast tiếng Việt” - anh kết luận.■Podcast hoàn toàn có thể trở thành sân chơi để mỗi cá nhân là một nhà sáng tạo nội dung (content creator) và tiếp cận lượng thính giả, người hâm mộ khắp mọi nơi, như cách họ làm với video phát trên YouTube và hình ảnh chia sẻ trên Instagram.Các nghệ sĩ trong một buổi thu âm podcast. Ảnh: WavesNhững nền tảng trung gian như Waves (huy động thành công 1,2 triệu USD vòng tài trợ hạt giống hồi đầu năm) sẽ hỗ trợ các nhà sản xuất podcast cá nhân và làm cuộc chơi sôi động hơn, nơi ai cũng có thể vừa là thính giả vừa là người sáng tạo nội dung, như ở các nước khác.Bảo Sang (Waves) chia sẻ: “Tôi nghĩ nội dung âm thanh là một sân chơi mới để mọi người chia sẻ quan điểm, suy nghĩ, thể hiện mình tốt hơn video, vì điểm đặc biệt của âm thanh giúp người nghe chỉ tập trung vào nội dung thay vì vào môi trường xung quanh (bị phân tâm vì hình ảnh trên video). Quá trình thu âm sản xuất nội dung âm thanh dễ dàng và đơn giản hơn làm video phải chuẩn bị chỗ quay, hoặc khi quay phải chú ý biểu cảm khuôn mặt, cũng như viết blog tốn sức và tốc độ chậm hơn thu âm”.Không có nhiều số liệu công khai liên quan đến việc sản xuất và nghe podcast ở Việt Nam. Các nền tảng như Apple Podcasts không công bố lượt theo dõi của các show cũng như lượt nghe của mỗi tập. Con số công khai thường là đánh giá (rating) và nhận xét (review) của người dùng. Spotify còn chưa có cả mục đánh giá. Podcast Việt khá phổ biến Tâm sự kinh doanh có 1.300 lượt đánh giá trên Apple Podcasts với điểm trung bình 5/5.Anh Trần Bình tiết lộ các podcast chính của VOV như VOV - Chương trình thời sự đạt trên 356.000 lượt nghe (trung bình 370 lượt/chương trình), VOV - Kinh tế tài chính, 240.000 lượt (270 lượt/chương trình). Waves cho biết có hơn 30 chương trình tự sản xuất, hợp tác với hơn 100 nhà sáng tạo nội dung. Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Podcast: món ăn tinh thần mới Tiếp theo Tags: PodcastThị trường podcastChương trình podcast Việt NamNghệ sĩ thu âm podcastDoanh thu thị trường podcast
Học toán trong thời đại AI: Ta cần nghĩ tới những điều mình có thể giúp người khác KHỔNG LOAN 19/12/2024 2011 từ
Tinh gọn bộ máy: Phải có 'đường chạy' nhất quán CAO VŨ MINH (TRƯỜNG ĐH KINH TẾ - LUẬT) 18/12/2024 1788 từ
Công bố Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp 2025 với nhiều nội dung mới TRỌNG NHÂN 23/12/2024 Ngoài tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, năm 2025, báo Tuổi Trẻ tổ chức thêm ba ngày hội Tự tin vào lớp 10 tại TP.HCM và Hà Nội.
Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM phải 'đá tiền đạo' khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình THẢO LÊ 23/12/2024 Ví như một đội bóng, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi xác định TP.HCM phải nằm trong đội hình chính và có vai trò đá tiền đạo.
Chi tiết các bảng lương viên chức năm 2025 THÀNH CHUNG 23/12/2024 Tuổi Trẻ Online giới thiệu với bạn đọc thông tin chi tiết toàn bộ bảng lương viên chức dự kiến được áp dụng từ năm 2025.
Tình báo Mossad tiết lộ toàn cảnh kế hoạch tinh vi kích nổ máy nhắn tin và bộ đàm của Hezbollah THANH HIỀN 23/12/2024 Hàng nghìn máy nhắn tin và bộ đàm của các thành viên lực lượng Hezbollah đã đồng loạt phát nổ tại Lebanon vào tháng 9 vừa qua. Vì sao?