Tấm ảnh “Tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12-1978”. Chưa đầy hai tháng sau, hầu hết những người có mặt trong ảnh đều đã hy sinh - Ảnh: L.Đ.DỤC chụp từ tư liệu Đồn biên phòng Pò Hèn
Đọc bản tin về sự kiện này trên các báo, nghĩ về cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2-1979), hẳn nhiều người trong chúng ta nhận ra đây không chỉ là một bản tin mà đó còn là câu chuyện đền ơn đáp nghĩa và nhấn mạnh thêm lần nữa thông điệp "Không ai, không điều gì bị lãng quên".
Có một ý kiến rất hay khi nhắc đến cuộc chiến tranh biên giới này rằng "Quá khứ, rất cần khép lại để cho tương lai đâm chồi. Nhưng cũng phải trân trọng những năm tháng đã thuộc về quá khứ".
Vì vậy, việc công nhận khu di tích Pò Hèn là di tích lịch sử quốc gia chính là sự trân trọng với quá khứ, mà có lúc này lúc khác, trong những khúc quanh của lịch sử, điều đó chưa được đặt đúng tầm vóc của sự kiện, của di tích.
Khu di tích lịch sử Pò Hèn gồm bốn điểm: Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, Chốt đồi Quế, Chốt trạm kiểm soát cửa khẩu Pò Hèn và Đài quan sát đồi Tây.
Nhắc đến Pò Hèn là nhắc đến cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc khi Trung Quốc đưa quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới từ Phong Thổ (Lai Châu) đến Móng Cái (Quảng Ninh) vào rạng sáng ngày 17-2-1979.
Rất nhiều lần đi đi về về với Pò Hèn, nhiều lần ăn ngủ cùng những người lính biên phòng Pò Hèn, ám ảnh trong tôi luôn là tấm ảnh treo ở phòng khách của đồn. Một tấm ảnh đen trắng với dòng chú thích: "Tập thể cán bộ chiến sĩ đồn Pò Hèn, tháng 12-1978".
Một tấm ảnh bình thường, được chụp vào dịp anh em đồn liên hoan cuối năm và đón năm mới 1979. Nhưng nếu ai đã biết về huyền thoại Pò Hèn những năm tháng đó thì sẽ giật mình hiểu ra. Bởi chỉ chưa đầy hai tháng sau khi tấm ảnh được chụp, hầu hết anh em cán bộ chiến sĩ có mặt trong tấm ảnh ấy đều đã hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên cương Tổ quốc vào tháng 2-1979.
Máu những người lính trẻ ấy đã nhuộm đỏ ngọn đồi Pò Hèn, nhuộm đỏ khoảng sân đồn, nơi các anh em đã từng ngồi khoác vai nhau cười rạng rỡ trong bức ảnh mừng xuân.
Trên nền doanh trại cũ của Đồn Pò Hèn thuở ấy, chính trên mảnh đất thấm máu hàng chục liệt sĩ của đồn, một đài tưởng niệm đã được dựng lên. Hai bên đài tưởng niệm là hai nhà bia với tấm bia lớn khắc tên tuổi của 86 liệt sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất này.
Nhắc đến Pò Hèn là nhắc đến nữ anh hùng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, người nữ mậu dịch viên của cửa hàng thương mại Pò Hèn, trong buổi sáng 17-2-1979 ấy đã sát cánh bên người yêu, anh Bùi Văn Lượng - cũng là một chiến sĩ của Đồn biên phòng Pò Hèn. Cả hai đã chiến đấu và ngã xuống cùng hơn 70 đồng đội của mình.
Gần mười năm trước, không hiểu vì lý do gì ngôi trường ở xã Bình Ngọc mang tên chị - Trường THCS Hoàng Thị Hồng Chiêm - được thay bằng tên Trường Bình Ngọc. Hy vọng khi Pò Hèn trở thành di tích lịch sử quốc gia, ngôi trường sẽ được trả lại tên cho chị.
Hơn cả một cái tên trường, đó là lòng tri ân với những người đã vì chủ quyền Tổ quốc mà đổ máu gìn giữ.
Dọc dài biên ải phía Bắc, chiến địa ác liệt và sự hy sinh máu xương không chỉ có Pò Hèn, vì thế chúng ta có quyền hy vọng sau Pò Hèn sẽ có những di tích khác được đặt đúng với tầm vóc lịch sử quốc gia.
Sau gần nửa thế kỷ, sự công nhận này có muộn, nhưng "thà muộn còn hơn không bao giờ", hay như một câu Kiều: "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận