Thần tượng ảo (virtual idol) là những ngôi sao được tạo ra từ công nghệ trí tuệ nhân tạo Al với ngoại hình, tính cách và hoạt động mô phỏng gần giống con người.
Cùng với sự bùng nổ của công nghệ, việc tạo ra các idol ảo được xem là ngành công nghiệp đắt giá, với những con số thống kê khổng lồ về doanh thu.
Thần tượng ảo nhiều thành tích "khủng"
Chỉ mới ra mắt hơn một năm, nhóm nhạc nam ảo Plave đã lập nên vô số kỷ lục đến các idol thật cũng phải ao ước.
Trở lại với album mùa hè Pump Up The Volume, Plave đã nhanh chóng càn quét tất cả các bảng xếp hạng âm nhạc trực tuyến.
Sau 1 ngày ra mắt, bài hát chủ đề Pump Up The Volume đã vươn lên vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng Melon, nền tảng nhạc số trực tuyến hàng đầu Hàn Quốc.
Với thành tích này, Plave trở thành nhóm nhạc nam và cũng là thần tượng ảo đầu tiên giành được vị trí số 1 trên Top 100 của Melon năm 2024.
Đáng nói, trong lịch sử K-pop chỉ có năm nhóm nhạc nam chiếm giữ được “ngôi vương” tại Melon là BTS, Big Bang, NCT Dream, Seventeen và EXO..., chứng minh Plave là một đối thủ đáng gờm trong bản đồ nhạc số K-pop.
Chưa dừng lại ở đó, bài hát Way 4 Luv của Plave vừa xô đổ Pump Up The Volume giành vị trí số 1 của Melon sau 180 ngày phát hành.
Sau BTS, Plave là nhóm nhạc nam thứ hai có hai bài hát liên tiếp giành vị trí đầu của Melon.
Không hề kém cạnh, nhóm nhạc nữ ảo Mave cũng “bỏ túi” hàng loạt hit chục triệu view kể từ khi ra mắt vào năm 2023.
Album đầu tay Pandora’s Box của nhóm đã thu về 45 triệu lượt phát trực tuyến trên Spotify và 30 triệu view cho MV chủ đề Pandora.
Mave không chỉ gây sốt bởi âm nhạc mà còn được yêu thích vì cách xây dựng tính cách các thành viên trong nhóm không khác gì các idol “hàng thật, giá thật”.
Trưởng nhóm cá tính Siu, giọng ca chính ngọt ngào Zena, rapper “girl crush” Tyra và em út đáng yêu Marty, mỗi thành viên đều cuốn hút với những nét riêng.
MV Pandora của nhóm nhạc nữ ảo Mave - Nguồn: 1theK
Ngoài ra, Mave còn được đánh giá cao vì khả năng giao tiếp đa ngôn ngữ, ngoài tiếng Hàn các nữ thần tượng ảo còn có thể giao lưu với người hâm mộ bằng tiếng Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Brazil…
Có thể thấy, với âm nhạc bắt tai cùng giao diện “lung linh”, Plave và Mave đang khiến bao trái tim người hâm mộ thổn thức.
Vì sao các thần tượng ảo ngày càng được yêu thích?
Không chỉ ở Hàn Quốc, các thần tượng ảo còn nhận được sự yêu mến của nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo một cuộc khảo sát về hiện tượng do công ty phát trực tuyến Trung Quốc iQIYI công bố, 64% người trong độ tuổi từ 14 - 24 là tín đồ của các thần tượng ảo.
Khi được hỏi lý do, những người tham gia khảo sát cho rằng các idol ảo đáp ứng được những tiêu chí về hình mẫu hoàn hảo trong lòng họ.
Các thần tượng ảo được tạo ra dựa trên những nghiên cứu kỹ càng về nhu cầu của đa số khán giả ở các quốc gia.
Thế nên, không quá bất ngờ khi các idol ảo được công chúng đón nhận nồng nhiệt.
Biểu tượng thần tượng ảo Nhật Bản - Hatsune Miku, người sở hữu gia tài bài hát lên đến hơn 100.000 chính là một ví dụ.
Nhờ xu hướng yêu thích các sản phẩm truyện tranh, vẻ ngoài “xé sách bước ra” của Miku đã chiếm trọn trái tim người hâm mộ xứ sở mặt trời mọc.
Bên cạnh đó, nhờ công nghệ 3D tiên tiến, các ca sĩ ảo có thể biểu diễn trực tiếp tại các buổi hòa nhạc "không biết mệt". Vì thế, những buổi biểu diễn của họ là một bữa tiệc âm nhạc thực thụ khiến cho người hâm mộ thích thú.
Thần tượng ảo còn được yêu thích vì đời tư trong sạch, không vướng phải các xì căng đan có thể hủy hoại sự nghiệp. Ngoài ra, việc giữ mãi nét thanh xuân cũng là lợi thế lớn của các idol ảo trong ngành công nghiệp có sự đào thải khốc liệt.
Tại Việt Nam, nữ ca sĩ ảo Ann vừa trở lại với MV Cry có sự lột xác về ngoại hình và phong cách âm nhạc.
Nếu như ở sản phẩm đầu, cô còn được nhận xét là hơi “đơ” thì với Cry, Ann đã cho thấy sự tiến bộ về cả kỹ năng trình diễn và giọng hát.
Không chỉ các nghệ sĩ thật, các thần tượng ảo cũng ngày càng được nâng cấp để đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ.
Thế nên, việc các nghệ sĩ ảo ngày càng trở nên nổi tiếng là một điều tất yếu trong thời buổi công nghệ bùng nổ trên toàn cầu.
Bên cạnh những mặt tích cực, việc dành tình cảm cho các thần tượng ảo cũng tồn tại nhiều rủi ro.
Năm 2022, thành viên Carol của nhóm nhạc ảo A-Soul (Trung Quốc) đột nhiên biến mất gây hoang mang cho người hâm mộ.
Các công ty quản lý đứng sau A-Soul cho biết lý do Carol dừng hoạt động liên quan đến tình hình sức khỏe và học tập của người thật phía sau nhân vật ảo này.
Sự biến mất chóng vánh của Carol khiến fan vô cùng hụt hẫng. Nhiều người bày tỏ sự thất vọng vì nghĩ thần tượng ảo không thể bị xóa bỏ, cùng lắm là thay bằng người khác.
Thực tế số phận của các thần tượng ảo không thuộc về họ, thậm chí họ có thể bị xóa sổ bất kỳ lúc nào. Thế nên việc dành quá nhiều tình cảm cho nghệ sĩ ảo có thể khiến người hâm mộ tổn thương và hụt hẫng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận