Các mô tả đồ hoạ do nhóm tác giả cung cấp
Bản mô tả chi tiết dự án
Nhưng cũng chính vì điều này mà nơi đây chịu cảnh ngập lụt khi triều cường từ các con sông, kênh rạch dâng cao, nhấn chìm những con đường vào lòng nước.
Sau đây là ý tưởng tái kiến thiết khu vực 32ha dọc sông Sài Gòn của vùng đất ngập thành không gian xanh mới mang tên Pier 4, với ý nghĩa là lá chắn ven sông cho quận 4.
Cảm hứng từ ruộng bậc thang của vùng cao Tây Bắc
Trong khoảng thời gian lên ý tưởng cho Pier 4, các bạn trẻ có hai nguồn cảm hứng chính: đảo ngọc và ruộng bậc thang vùng cao. Không thẳng cánh cò bay như ruộng đồng bằng, những thửa ruộng ở vùng cao Tây Bắc chồng lấn lên nhau từ lớp này đến lớp khác.
Mùa lúa chín, ruộng bậc thang sẽ vàng rực những sườn đồi, bình yên và thơ mộng. Còn khi mùa đổ nước, ruộng bậc thang sẽ lấp loáng như mặt gương soi cả mây trời xanh ngắt.
Lấy cảm hứng từ hình ảnh ruộng bậc thang truyền thống, Pier 4 thêm các tuyến đường xanh đi bộ gồm nhiều tầng được bao phủ bởi thảm thực vật bản địa phù hợp với mùa nước dâng cao.
Nhờ thiết kế phân tầng, Pier 4 làm chậm dòng chảy nước hiệu quả hơn 20 lần so với những thiết kế bêtông thông thường, giữ lại các chất dinh dưỡng trong đất khi có mưa lớn, mang lại phù sa màu mỡ được lắng đọng trên các mảng xanh ruộng bậc thang.
... và câu chuyện về đảo ngọc
Những con người lớn lên ở TP.HCM chắc hẳn đã nghe tới cái tên "đảo ngọc giữa lòng Sài Gòn" - danh xưng người ta đặt cho quận 4. Đó là nguồn cảm hứng cho những ốc đảo được thiết kế độc đáo tại Pier 4.
Vào mùa khô, những ốc đảo xanh tươi là không gian rộng rãi cho những cuộc gặp gỡ cộng đồng, sân chơi, hay thậm chí là những buổi chiếu phim ngoài trời khi quận 4 chỉ có một rạp chiếu phim. Không chỉ dừng lại ở đó, những điều kỳ diệu ẩn giấu của ốc đảo này sẽ hiện hữu vào mùa mưa.
Khi triều cường lên cao, những ốc đảo này trở thành những bể chứa nước khổng lồ. Trong trường hợp xảy ra ngập lụt nghiêm trọng, những ốc đảo này có thể tăng kích cỡ lên gấp đôi bằng cách mở rộng sang khu vườn mưa trải dài nằm bao quanh Pier 4 để lưu trữ nước, đóng vai trò như chiến hào cuối cùng bảo vệ tuyến đường Nguyễn Tất Thành.
Một điều thú vị nữa là ở dọc bờ sông, người dân đến Pier 4 có thể nhảy lên những chiếc xe đạp nước tại chỗ, vừa tập luyện sức khỏe vừa giữ cho dòng nước di chuyển và tiếp thêm khí oxy.
Các mô tả đồ hoạ do nhóm tác giả cung cấp
Không một giọt nước bị hoang phí
Các bể dự trữ được ẩn giấu dưới những ốc đảo và vườn mưa. Vào mùa khô, nước mưa ở các bể này có thể giữ hệ sinh thái xanh của Pier 4 được tưới tiêu đến 14 ngày.
Vì vậy, không có hạt mưa nào bị lãng phí, tạo nên một thiết kế tuần hoàn trong từng chi tiết của Pier 4. Nước mưa được thu ở những bể dự trữ được dẫn qua một hệ thống đường ống chạy dọc bờ sông qua các loại cây thủy sinh được trồng trong hồ, vì rễ cây của chúng chính là những bộ máy lọc nước hiệu quả nhất.
Dọc theo hệ thống ao hồ, Pier 4 xây dựng hệ thống đường dạo để người dân đến tham quan có thể trải nghiệm cảm giác tản bộ giữa khu rừng, đưa thiên nhiên gần hơn đến cộng đồng.
Đưa thiên nhiên đến gần hơn với giới trẻ
Các ốc đảo tạo ra không gian khám phá cho trẻ em. Những vùng ngập nước có thực vật thủy sinh địa phương không chỉ giúp làm sạch và lọc nước mà còn tạo ra một không gian học tập và nghiên cứu cho học sinh.
Đặc biệt là trẻ em, các em sẽ có thể chơi đùa ở không gian này, cảm nhận được sự kết nối với thiên nhiên.
Pier 4 còn hướng đến các sinh viên đại học. Có 6 khu vực dọc theo bờ sông Sài Gòn có thể làm không gian học tập và sinh hoạt chung, được bao phủ bởi mái vòm và mạng WiFi, kết hợp với dãy quán cà phê xung quanh.
Không gian xanh cho cộng đồng
32ha dọc bờ sông Sài Gòn có vẻ không nhiều nhưng nó lại vô cùng ý nghĩa với người dân sống trong những con hẻm ngoằn ngoèo, chật bí không gian. Dù nằm giữa lòng ba mặt sông, kênh rạch, người dân sống tại quận 4 lại nghèo nàn không gian công cộng ven sông.
Trên thực tế, theo Siemens Green City Index, Việt Nam chỉ có 11,2m2 không gian xanh/người, so với Thượng Hải là 13,5, London là 27 và Singapore có 66.
Vì vậy, Pier 4 được thiết kế với các con đường uốn lượn dọc theo các thảm cỏ xanh trồng các loài cây bản địa và mép bờ sông, mang lại cảm giác hòa mình vào thiên nhiên cho người dân tham quan.
Từ những ốc đảo xanh và rọ đá để chống ngập cho đến những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của các nghệ sĩ địa phương, Pier 4 mang đến nhiều màu sắc tưởng tượng hơn cho vùng đất trước giờ bị lãng quên bởi sự hào nhoáng của "người hàng xóm" quận 1.
Đặt chân vào Pier 4, người dân sẽ thoát khỏi sự hối hả, nhộn nhịp của Sài Gòn để hòa mình vào thiên nhiên. Người dân tới tham quan sẽ đi vào Pier 4 qua hai đầu con đường Nguyễn Tất Thành được thiết kế với cổng cầu vòm thác nước, gợi nhớ đến đô thị sông nước Sài thành.
Pier 4 được bao phủ bởi cây xanh, có nhà thiền, các khu vực thể thao và xây dựng cộng đồng, trong đó có một không gian lớn ngoài trời có sức chứa lên tới 500 chỗ ngồi.
Nhìn thấy người dân hưởng ứng mô hình xe đạp công cộng mới của thành phố, Pier 4 mở thêm các tuyến đường phẳng dọc theo những ốc đảo để dành những làn cho người đi xe đạp và lối đi bộ.
Người bộ hành và đạp xe nay có thể sà vào bóng râm ở những tuyến đường có cây chạy dọc ở các hướng trong Pier 4.
Không gian bền vững
Ngoài yếu tố về môi trường và cộng đồng, dự án còn hướng đến mục tiêu xây dựng một không gian bền vững mà trong đó không thể không củng cố khía cạnh kinh tế - tài chính.
Pier 4 tạo cơ hội ấy cho dân địa phương thông qua việc thuê các dãy nhà mua sắm với kiến trúc mái xanh và không gian tổ chức sự kiện. Các công ty tàu thuyền lại có thể tận dụng khu vực bến cảng để mở rộng dịch vụ du lịch trên nước.
Pier 4 khuyến khích sự phát triển tài chính đi đôi với trách nhiệm giữ gìn môi trường vì một đô thị bền vững. Nằm dọc theo con sông mang tên thành phố, Pier 4 được thiết kế để mặt đối mặt với những thảm họa không tên của việc biến đổi khí hậu.
Quận 4 với tổng dân số hơn 200.000 người vẫn đang đối mặt với những trận triều cường lênh láng, thấp thỏm một ngày toàn quận sẽ chìm xuống thấp hơn mực nước biển. Pier 4 sẽ là bước chân vững chãi đầu tiên của người dân nơi đây để chống chọi với sự dữ dội của thiên nhiên ở nơi mang tên vùng đất dữ.
Nhóm tác giả dự án Pier 4
Hội thảo "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn"
Cuộc thi "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn" kết thúc nhận bài dự thi vào cuối ngày hôm nay (20-4).
Kết quả cuộc thi, lễ trao giải thưởng sẽ được công bố và diễn ra tại hội thảo "Hiến kế phát triển sông Sài Gòn", do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 22-4 tới tại khách sạn Majestic (TP.HCM), và sẽ được thông tin trên các số báo sắp tới.
Hội thảo dự kiến có sự tham dự của lãnh đạo TP.HCM, đại diện các sở ngành, các chuyên gia và bạn đọc.
Cảm ơn tất cả các bạn đã tham gia gửi bài, đồ án dự thi cũng như đóng góp nhiều ý kiến cho cuộc thi trong thời gian qua.
BAN TỔ CHỨC
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận