09/02/2013 20:39 GMT+7

Phút giao thừa lặng lẽ

DƯƠNG THỤ
DƯƠNG THỤ

TTXuân - Ba mươi năm trước, tôi ở tít sâu trong một con hẻm thuộc đường Thánh Mẫu, khu Ông Tạ, quận Tân Bình, TP.HCM, đêm giao thừa ta buồn lắm. Không hẳn buồn vì ở một mình, ở một mình quen rồi.

Cũng không hẳn buồn vì nhớ nhà, bởi tôi sống xa nhà từ những ngày còn niên thiếu nên cũng quen rồi.

Z64Nhbw9.jpgPhóng to
Nhạc sĩ Dương Thụ - Ảnh: Nguyễn Á

Hồi còn dạy học cấp III ở Tuyên Quang, những năm cuối thập niên 1960 của thế kỷ trước, tết không về Hà Nội, tôi thường ở lại trông trường. Đêm giao thừa nghe tiếng chuột chạy, rồi tiếng chúng kêu chút cha chút chít tranh nhau gặm chiếc bánh chưng học trò tặng thầy để trên góc bàn, nhìn thấy mà không buồn đuổi. Tôi một mình, cái một mình xa vắng...

Cái một mình xa vắng đột ngột hiện ra khi không có việc gì để mà làm, không có ai ở bên cạnh để có một sự liên hệ nào đó, cái một mình ấy có tên gọi là cô đơn. Đó là cái cảm giác ta không nên có ở trên đời, tôi biết thế, và luôn luôn dị ứng với nó, nhưng lúc ấy mới ngoài hai mươi tuổi, mới mon men trong một góc của cuộc đời, biết làm sao được.

Gần hai mươi năm sau, tức là ba mươi năm trước so với bây giờ, tôi đã có cái một mình khác vì tôi đã hơi biết mình là ai, biết mình thực sự muốn gì. Bấy giờ chưa cấm pháo, đúng mười hai giờ hàng xóm đốt pháo, tiếng pháo nổ xen lẫn tiếng còi tàu kéo đồng loạt từ phía bến cảng Sài Gòn thật vang động đã đánh thức trong tôi một cái gì đấy. Tôi ôm đàn im lặng để nghe cái gì đấy đang mơ hồ dâng lên trong nội tâm mình.

Những giao thừa như thế, năm 1983 tôi viết Lắng nghe mùa xuân về, năm 1984 viết Hơi thở mùa xuân, và để sống lại những giao thừa một mình này, mùa đông năm 1998 viết Phút giao thừa lặng lẽ cùng với Anh Quân - Huy Tuấn. Những bài hát ấy buồn, đúng là vẫn buồn, nhưng là man mác buồn, một nỗi buồn không có tên gọi, nó sâu nặng và... đằm thắm. Sao lại đằm thắm? Vì ta yêu, ta mơ, ta khắc khoải khi biết rằng chính trong phút giao thừa ấy bỗng nhận ra mình đang mất đi nhiều thứ: tuổi trẻ, những phút sống đầy ắp niềm vui và nỗi buồn của ngày cũ, vĩnh viễn mất đi, vĩnh viễn không thể trở lại. Cái yêu, cái mơ, cái khắc khoải này vì thế dịu dàng lắm, tha thiết lắm.

Phút giao thừa ở TP.HCM những năm ấy không có mưa vì trời đang giữa mùa khô, nhưng tôi vẫn “nghe trong mưa đêm mùa xuân lặng lẽ sang. Phải chăng mầm non mùa xuân đang hé nở. Phải chăng ngày xuân đầu tiên đang gõ cửa” (Lắng nghe mùa xuân về).

Và đêm ba mươi thì đen thăm thẳm nhưng tôi vẫn nhìn thấy “con chim bồ câu bé nhỏ, bay qua vùng trời, vùng trời mùa xuân. Tia nắng từ đâu đến ở, long lanh từng ô cửa mùa xuân” để rồi “cho anh khát khao em khi mùa xuân về” (Hơi thở mùa xuân).

Sức sống ấy lấy ở đâu ra, niềm tin ấy, hi vọng ấy lấy ở đâu ra? Tôi được sống và làm việc với các bạn trẻ, nhiều bạn hay lắm, dù họ chỉ là số ít nhưng là cái số ít chúng ta luôn mong nó có trong cuộc sống này. Các bạn ấy không có cái ký ức đau buồn của tôi, cái ký ức hào hùng của thế hệ tôi, không có những “điểm nhạy cảm” mà bọn tôi luôn luôn phải nhận biết mỗi khi suy nghĩ và hành động. Các bạn ấy ý thức được sự tồn tại của cá nhân, luôn tìm cách thể hiện và khẳng định mình, trong khi tôi phải phủ nhận hoặc che giấu nó. Các bạn ấy đã có những gì mà tôi không có được. Chỉ có điều họ chưa có nhiều cái “giao thừa lặng lẽ”, chưa đủ sự trải nghiệm cùng những thất bại cần thiết trên con đường hoàn thiện bản thân và hòa nhập với cộng đồng, với xã hội.

Vậy thì tôi biết tôi không còn cô đơn nữa, dù đấy vẫn là cái một mình trước thời khắc giao thừa, nhưng là cái một mình khác, bởi tôi đã kết nối được với họ. Sức sống, niềm tin, hi vọng là ở đấy.

Ba mươi năm đã trôi qua kể từ ngày viết bài hát giao thừa đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình, cuộc sống biết bao nhiêu đổi thay và văn hóa thì xuống cấp, và mình cũng không còn trẻ nữa, bước sang tuổi 70 rồi còn gì.

Nhưng sao tôi vẫn xao xuyến mỗi khi năm hết tết đến, vẫn thấy từ trong sâu thẳm lòng mình hơi thở của một ngày mới, một mùa xuân mới. Bởi vì tôi đã nhìn thấy cái chân dốc, xuống đến đấy không còn chỗ đi xuống thì phải đi lên thôi, đã nhìn thấy cái thời khắc cuối cùng của giao thừa, qua 12 giờ sẽ là 1 giờ sáng, không sáng ngay nhưng sẽ sáng dần đến lúc sáng hẳn. Quy luật ấy bất biến. Và cũng bởi vì dù trong hoàn cảnh nào thì mỗi khi năm hết tết đến ai chẳng bỗng dưng mơ về một cái gì đấy, chờ đợi một cái gì đấy và cái gì đấy bao giờ chẳng là mùa xuân. Có lẽ thế chăng?

Phút giao thừa lặng lẽ

Từng giọt mưa đêm nay ngập ngừng Ðậu trên áo em rưng rưng Cầm tay em tay em liễu xanh mềm mại Lặng nghe sớm xuân đang về Từng giọt mưa đêm nay thật buồn Mặt hồ sao bỗng như lung linh

Và một năm đi qua với bao kỷ niệm Ðể ta nhớ mãi không quên Lặng lẽ mùa đông như câu hát cuối cùng Những gì đã qua sẽ còn lại trong chúng ta Lặng lẽ mùa xuân như câu hát bắt đầu Từ giây phút giao thừa rì rầm nỗi ước ao

Mùa xuân Một nhành lá xanh tươi lộc xuân Một nhành lá non Một tình yêu chưa biết đến Mùa xuân để ta hái đem trao tặng nhau Lòng tin yêu mãi xanh rờn Sống trong ta mãi muôn đời Kìa mùa xuân về giao thừa đã qua Ðêm đi qua và ngày đang tới Hát câu chuyện tình mùa xuân Còn vang mãi trong lòng ta

Bao năm tháng ngọt ngào Ðể nơi tim ta mãi mãi Vẫn là tiếng hát quyến rũ mùa xuân Từ giọt mưa cuối đông Và ta lắng nghe...

DƯƠNG THỤ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên