Xuất hiện với một mái tóc nhuộm xanh lè, tai và mũi đeo đầy khuyên ngầu đét đúng kiểu dân hip hop, nghệ sĩ hình ảnh Phương Vũ (tên đầy đủ: Vũ Thiên Phương) dẫn khách vào Nirvana Streetwear, ở đó có Antiantiart studio mà anh là người đồng sáng lập.
Trong không gian trang trí đậm tính sáng tạo, những người anh em của Phương đang trong cơn ngái ngủ sau một đêm chạy deadline mệt nghỉ.
Phương Vũ và Antiantiart trở thành hai từ khóa được tìm kiếm trên mạng khi giám đốc điều hành Apple Tim Cook ghé thăm nhân chuyến sang Việt Nam giữa tháng 4 vừa qua.
Hồi cuối tháng 3, "anh cả" của nhóm - Phương Vũ là một trong những người trẻ nhất tham gia diễn đàn Người Việt có tầm ảnh hưởng 2024 (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF 2024) diễn ra tại Paris (Pháp).
Ở diễn đàn đó, nghe các cô bác, các anh chị nói chuyện, Phương tự nhận mình "nhỏ bé quá". Mỗi người một lĩnh vực, nhưng tựu trung đều kể "câu chuyện Việt Nam". Câu chuyện đó ra sao trong lĩnh vực sáng tạo?
Phương suy tư một chốc rồi chia sẻ bằng tất cả trải nghiệm hơn 10 năm qua, từ khi còn là một anh chàng shipper cho một cửa hàng thời trang rồi bị hút vào thỏi nam châm của thế giới hình ảnh rộng lớn nhưng đầy kích thích.
Một thời phương Tây, Hàn và Nhật là đích đến
"Ở lứa làm nghề sáng tạo trước đây, câu chuyện việt Nam không thường được nhắc đến. Người Việt hay có tư duy sính ngoại và có một thời, những người làm ngành này xem phương Tây, Hàn Quốc hay Nhật Bản là đích đến", Phương nói.
Bây giờ, điều đó đã thay đổi ít nhiều cùng với sự chuyển dịch về khuynh hướng thẩm mỹ từ văn hóa phương Tây sang văn hóa Á Đông. Có nhiều bạn trẻ đã bắt đầu đưa các chất liệu Việt vào song sức ảnh hưởng không quá lớn.
9x này nhắc đến nhạc Trịnh hoặc tranh của họa sĩ thế hệ Đông Dương như hai ví dụ về sự ảnh hưởng thực sự. Hiện chất Việt biểu hiện trong những sản phẩm của thế hệ đương thời khá mờ nhạt.
Phương Vũ nói, Antiantiart rất hay nhận được các đề bài của khách (cả quốc tế lẫn khách trong nước) muốn giống Hàn, giống Nhật, giống Tây… Khi nghe, anh cảm thấy rất "ngứa tai" vì đó là một thiên kiến về văn hóa. Sao lại thế nhỉ?
Dẫu chẳng phải là một người yêu văn hóa truyền thống lắm đâu - như Phương tự thú, nhưng là một người làm công việc liên quan đến hình ảnh, Phương thấy Việt Nam của mình cũng… đẹp mà.
HOA XUÂN CA 2023
Không khoái bất cứ sự so sánh nào mang thiên hướng tôn một cái gì lên, đồng thời vùi dập một cái gì đó xuống. Với Phương, cái gì cũng có cái hay, thú vị của nó. Anh muốn nhìn nó sòng phẳng như mọi chất liệu trên đời.
Đó là lý do nghệ sĩ thường đưa nhiều chất Việt vào các sản phẩm của mình, qua đó muốn làm rõ một điều: Mọi thứ đều có thể làm đẹp được nếu biết làm nó đúng cách.
Phương Vũ lý giải theo góc nhìn riêng, đất nước đi qua các cuộc chiến tranh liên miên, văn hóa chưa được quan tâm, xây dựng vững chắc. Kinh tế phát triển, bản thân người Việt học hỏi rất nhanh nhưng lại thiếu nền tảng, những gì các bạn trẻ thu nạp (về văn hóa đương đại) lại khác quá xa so với văn hóa truyền thống.
Ở thế hệ gen Z, hiện những bạn trẻ có cơ hội được đi học nước ngoài, tư duy rất "tây", rất mới nhưng họ lại chưa thực sự "sống trải" với văn hóa Việt Nam.
Những bạn ở Việt Nam hiểu và cảm nhận văn hóa Việt Nam rõ lại chưa có những điều kiện cần và đủ về mặt tri thức và nền tảng để tạo ra những sản phẩm được lòng và đi ra thế giới nhiều hơn.
Vì thế, dẫu ta có nhiều element (yếu tố thiết kế) để có thể phát triển nhưng vì những lý do ở trên nên khó cho nhiều bạn khi hoạt động trong lĩnh vực này.
Phương Vũ nói, Việt Nam giống như một bãi đất rộng nhưng chưa có ai xây móng. Vẫn cần một móng nền vững chắc để có thể đi tiếp lên tầng 5, 6… trong phát triển các ngành công nghiệp sáng tạo, công nghiệp văn hóa.
Và trên đường đi đó, nhiều khó khăn nhưng cũng có không ít thuận lợi. Trong đó có việc Việt Nam đang sở hữu một nguồn nhân lực trẻ, rất trẻ, năng lượng nhiều, thông minh, chịu khó cập nhật xu hướng.
Có điều, để kết hợp hài hòa chất liệu văn hóa truyền thống với văn hóa đương đại, ta cần nhận diện chất Việt Nam ở đây thực chất là gì.
Hiện một bộ phận sử dụng chất liệu này khá tùy tiện. Phương Vũ kể bức tranh chung ở Sapa và tự hỏi vùng đất đó đã, đang bị "hủy diệt" như thế nào.
"Việt Nam hay làm văn hóa, làm du lịch theo kiểu khai thác tối đa, triệt để nhưng chưa đúng cách. Chúng ta mải miết "ăn sẵn", "đào" trên một phần móng không rõ ràng", anh nói.
Giấc mơ không tưởng và khoản thù lao to đùng
Phương Vũ không gọi công việc mà anh đang làm là sáng tạo. Thay vào đó, anh cho đó là "một nghề nuôi sống bản thân", "không có gì cao siêu".
Con đường đã qua dạy cho thủ lĩnh của Antiantiart sự lãng mạn, bay bổng lẫn sự tỉnh táo cần thiết để có thể chạm vào những điều "không tưởng".
Sinh ra trong một gia đình không phải khá giả, Phương Vũ nói anh không phải là một đứa con ngoan (mê hip hop quá, bất chấp sự cấm cản của bố mẹ vẫn bỏ học theo chân các anh trong nhóm học nhảy trên phố).
Sau này, anh phải làm nhiều nghề để mưu sinh, từ làm shipper cho một cửa hàng thời trang quen, đến buôn bán điện thoại, rồi bán đồ secondhand rồi mở cửa hàng bán quần áo, vì không có tiền thuê chụp mẫu nên phải tự chụp…
"Khi đó, thế giới hình ảnh, thời trang… thật đẹp nhưng có tưởng tượng thế nào, cũng không nghĩ có một ngày làm công việc này vì khá xa vời", Phương tựa người vào ghế và hồi tưởng về những ngày đầu tiên.
Rồi cứ thế theo thời gian cố gắng từng bước từng bước, cả đi cả mày mò học hỏi, tự rút kinh nghiệm. Trên con đường đó, công việc gì nuôi sống được bản thân thì làm.
Không được học hành bài bản, Phương cố gắng đọc sách, xem nghe nhiều hơn, tích lũy kiến thức đó đây làm tư liệu cá nhân của mình.
Năm 2018, Antiantiart studio được thành lập, quy tụ những người anh em cùng chí hướng và sở thích. Phương hay nói với các cộng sự, phải cố gắng làm ra những sản phẩm Việt tiệm cận xu hướng thế giới.
Bắt đầu từ những dự án nhỏ, chỉ trong vài ba năm ngắn ngủi, Antiantiart nhanh chóng trở thành một cái tên đáng gườm của cộng đồng sáng tạo.
Song song với những dự án quảng cáo, Antiantiart cũng nhận cả những dự án nhỏ nhưng có giá trị nghệ thuật cao. Phương Vũ nói, họ cố gắng đi bền rồi bước ra khỏi biên giới, để một ngày nào đó không phải quẩn quanh với kiếm tiền, mưu sinh mà làm một điều gì đó lớn hơn.
Lúc này Phương nhớ nhất điều gì? Phương kể về khoản thù lao những ngày đầu, từ mấy triệu - anh em phải chia nhau từng số lẻ, tới mấy chục triệu to đùng - sung sướng và hạnh phúc quá nên đi khoe với gia đình, họ hàng.
Nhớ cả chiếc điện thoại Iphone cũ cùng nhau thủ thỉ giấc mơ đầu. Nhớ luôn chiếc máy ảnh cũ được tặng kèm lời nhắn "ở bên em nó có giá trị hơn" như người ta đang trao cho mình một ước mơ… Tất cả đều trở thành những thời khắc quan trọng.
Vì thế, khi nói về bản thân, Phương Vũ khá trung thực với những gì anh nghĩ hoặc cảm thấy, đồng thời cũng rất thực tế trong chuyện không nuông chiều cảm xúc quá để làm được nhiều thứ mà anh đề ra hơn.
Theo chàng trai này, tính cá nhân của con người được rèn luyện qua thời gian và càng ngày, anh càng nhìn thấy tính cá nhân của mình rõ hơn, khai thác bản thân nhiều hơn…
Vẫn là thiếu niên nhảy hip hop trên đường phố Hà Nội
Năm học lớp 8, lớp 9, Phương Vũ bắt đầu khám phá văn hóa hip hop qua những bước nhảy trên đường phố Hà Nội. Hồi đó, cộng đồng hip hop chưa mạnh như bây giờ, nhóm thanh thiếu niên mê thích phải lê la khắp chốn tìm chỗ nhảy.
Nhờ thế, một không gian văn hóa mới, nhiều dị biệt được nảy mầm trong lòng thiếu niên 9x với những cách kể chuyện, tỏ bày và kết nối với thế giới không giống cách diễn đạt thông thường.
Hip hop cho Phương Vũ mọi thứ: anh em bạn bè, một công việc vui vẻ và nhiều kiến thức để làm nghề. Nhờ hip hop mà những ý niệm về hình ảnh cũng nhiều gợi mở, bao la.
Anh thích cảm giác hình ảnh được tạo ra từ suy nghĩ, rồi sau đó có thể nhìn thấy, sờ nắn được, có thể chụp lại hoặc quay phim.
MV Nâng Chén Tiêu Sầu
Sang Thái, Hàn, Nhật…, thấy mọi thứ phẳng quá, đều tăm tắp quá hoặc sạch sẽ, tinh tươm cũng chán. Chính trạng thái hỗn loạn, xô lệch… của Việt Nam có thể tạo ra những hình ảnh mà người làm ra nó cũng không thể tính toán được trước.
Hay nhất và tự do nhất ở chỗ, cái đẹp đến từ việc người nghệ sĩ căn từng khoảnh khắc, lựa từng chất liệu và ở thời gian tạo ra.
Phương yêu cảm giác "sự sống" và "có hồn" đó ở Việt Nam và muốn đưa không khí đó vào các sản phẩm của Antiantiart.
Antiantiart đóng đô ở Hà Nội nhưng Phương Vũ lại bay TP.HCM như đi chợ. Dù vậy, anh không Nam tiến luôn như bao người.
Phương vẫn ở Hà Nội với tận cùng hai trạng thái đối lập của nó: rất nóng và rất lạnh, tận cùng hoài cổ và tận cùng hiện đại… Vì ở đây hay mà, rất kích thích cảm giác sáng tạo.
Đi không chậm nhưng cố gắng đi thật đều, con đường Phương Vũ đi là câu trả lời cho bản mệnh của một Sơn Đầu Hỏa thứ thiệt. Xem những sản phẩm mà người thanh niên ấy đứng sau, thấy có một giấc mơ hiện hiện, lồng lộng và rọi sáng dần.
Như những bông hoa nở ra từ trong bóng tối, từ trong đá; như bánh chưng hình vuông, bánh dày hình tròn trên cao, như những nhạc cụ dân tộc rộn ràng vang lên hòa làm một trong bầu khí quyển nghệ thuật đương đại… trong video Hoa xuân ca, Phương Vũ cho thấy một tự sự ấm nóng như ngọn lửa trên núi.
Anh sẽ còn đi tiếp trong mảnh đất văn hóa Việt, trong thế giới hình ảnh mà anh cho là đẹp, nhiều bí mật để khám phá, diễn giải.
Antiantiart là đại bản doanh của mười mấy thanh niên gen Z, tuổi đời còn rất trẻ và có nhiều đam mê.
Cùng với Phương Vũ, họ đã cho ra loạt sản phẩm đậm chất "nghệ" viral trên mạng như Con rồng cháu tiên hợp tác cùng Apple, đoạn phim hướng dẫn an toàn bay của Vietnam Airlines, video Hoa xuân ca (hợp tác cùng VTV), Hà Nội một mảnh tôi, Thủ Đô Cypher…
Ngoài ra còn có các MV của nhiều nghệ sĩ V-pop như Nấu ăn cho em của Đen Vâu, Hit me up của Binz (a.k.a Xuân Đan), Call me của Wren Evans, Nâng chén tiêu sầu của Bích Phương.
Mới đây là MV pho real của rapper Low G, Anh Phan kết hợp cùng rapper người Canada bbno$.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận