Hôm 29-5, báo chí quốc tế bất ngờ dành sự chú ý cho bài viết của chuyên gia Nga Dmitry Suslov, thành viên của Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng - một trung tâm cố vấn có trụ sở ở Matxcơva.
Ông Suslov đề xuất Nga nên cho nổ một quả bom hạt nhân để thị uy, nhắc nhở phương Tây về hậu quả có thể xảy ra nếu họ vượt "lằn ranh đỏ" trong vấn đề Ukraine.
Nga sẽ thử nghiệm hạt nhân?
Ngoài việc trung tâm của ông Suslov được cho là có ảnh hưởng không nhỏ tới các quyết định của Điện Kremlin, ý kiến của chuyên gia này thu hút sự chú ý đặc biệt khi từ "hạt nhân" đang là chủ đề nhạy cảm.
Trước đó chỉ một ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có thông điệp gửi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong đó, ông phản đối một số quan điểm ủng hộ Ukraine dùng vũ khí tầm xa tấn công lãnh thổ Nga, cảnh báo NATO đang "đùa với lửa" vì đây sẽ là diễn biến có thể dẫn tới một cuộc đụng độ trực tiếp giữa Nga và NATO, gây xung đột toàn cầu và gia tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Lâu nay, phương Tây và NATO nói riêng khá cẩn trọng khi đề cập tới chuyện gửi vũ khí tầm xa cho Ukraine, lo ngại Kiev sẽ sử dụng "vũ khí phương Tây cung cấp" để tấn công lãnh thổ Nga. Nhưng vài tuần qua, báo chí đã liên tục nhắc tới một sự thay đổi trong cách tiếp cận này.
Sau khi lãnh đạo Pháp và Đức nhất trí rằng Ukraine "nên" được cho phép tấn công các mục tiêu quân sự trên đất Nga, đến lượt hai quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng lấp lửng về khả năng làm điều tương tự.
Trên thực tế, đây là cách hiểu của báo giới khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bị phóng viên "ép" trả lời về vấn đề này. Ông cho rằng Washington phải "thích nghi khi các điều kiện thay đổi, chiến trường thay đổi và Nga cũng thay đổi".
Sự thay đổi được đề cập nằm ở thực tế Nga tiếp tục có những bước tiến ở Ukraine, đặc biệt vùng Kharkov. Nếu chỉ cung cấp vũ khí cho Ukraine như những gì diễn ra từ năm 2022 tới nay, sớm muộn gì Kiev cũng khó trụ vững.
Theo trang Politico, chính quyền ông Biden bị châu Âu và Ukraine gây sức ép để xóa bỏ hạn chế và cho phép Ukraine tấn công trên đất Nga nhằm vô hiệu hóa cơ sở quân sự của các lực lượng Nga.
Khi phương Tây gia tăng sức ép lên Nga, một số ý kiến đang nghiêng theo hướng Nga thực sự có khả năng sắp cho nổ bom thị uy hoặc ít nhất thực hiện một cuộc tập trận dùng vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Ông Putin nói là làm?
Theo ý kiến của chuyên gia Nga Suslov, việc nổ bom thị uy sẽ tạo hiệu ứng chính trị và tâm lý đủ tốt để nhắc nhở phương Tây. Vị này lập luận rằng khi quả cầu khói hình nấm của bom hạt nhân được chiếu trên truyền hình khắp thế giới, các đối thủ của Nga hẳn được gợi nhớ về học thuyết răn đe hạt nhân vốn từng góp phần lớn chấm dứt mong muốn chiến tranh của các siêu cường cách đây gần 80 năm.
Hiện nay, giới quan sát đánh giá Nga và đặc biệt cá nhân ông Putin đều muốn phát thông điệp rằng Matxcơva sẵn sàng leo thang. Và mức độ leo thang của Nga gần như không có giới hạn, bởi cái gọi là "lời cảnh báo của Putin" ngày càng cho thấy nó không chỉ mang ý nghĩa dọa nạt.
Khi đưa quân vào Ukraine tháng 2-2022, ông Putin khẳng định động thái này xuất phát từ việc NATO đã nhiều năm phớt lờ các cảnh báo của Nga khi mở rộng về phía đông. Khi Nga tiến đánh vùng Kharkov vài tháng gần đây, ông Putin tiếp tục đổ lỗi cho phương Tây vì đã bỏ qua cảnh báo của Nga về việc đừng để Ukraine tấn công vào các phần lãnh thổ Nga (ví dụ Belgorod).
Chính vì vậy, đối với giới làm chính sách phương Tây, "lời cảnh báo của Putin" liên quan tới chuyện NATO đưa lính tới Ukraine hoặc cho phép Ukraine nã tên lửa sang Nga không thể bị xem nhẹ.
Điều nguy hiểm nữa nằm ở chỗ vũ khí hạt nhân là phương án cuối cùng khi căng thẳng đã chạm đỉnh. Khi Nga bắt đầu phát tín hiệu cho nổ bom hạt nhân, những người yêu hòa bình và ngại chiến tranh có thể không dám tưởng tượng kịch bản leo thang nào cao hơn nữa. Hiện nay Nga và Mỹ đều đã rút khỏi các hiệp ước hạn chế hạt nhân.
"Điện Kremlin dường như đang đi theo con đường do một số chuyên gia diều hâu của Nga phát tín hiệu và không thể loại trừ khả năng họ đang chuẩn bị cho nhiều bước leo thang khác" - Pavel Podvig, chuyên gia nghiên cứu hạt nhân Nga, viết trên European Leadership Network (trụ sở ở Anh) về chuyện Nga muốn thử nghiệm vũ khí hạt nhân chiến thuật.
Nếu Nga thực sự sử dụng răn đe hạt nhân, phương Tây sẽ khó đưa ra sự đáp trả thích đáng. Ông Podvig cho rằng cách tốt nhất là phải ngăn Nga phát thông điệp leo thang. Điều này có thể được thực hiện thông qua nỗ lực phản đối đe dọa hạt nhân, gây áp lực chính trị lên Matxcơva.
Châu Á cũng phải lo
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Hãng thông tấn RIA ngày 30-5, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Matxcơva có thể thực hiện một số bước răn đe hạt nhân nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và ngắn ở châu Âu và châu Á.
Trước đó vào tháng 4, Mỹ lên kế hoạch đưa tên lửa tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đáp trả "việc quân sự hóa ngày càng gia tăng" của Trung Quốc. Nhưng theo ông Lavrov, Nga không loại trừ các bước răn đe hạt nhân bổ sung, vì với động thái trên của Mỹ, các trung tâm chỉ huy và địa điểm hạt nhân của Nga sẽ rơi vào tầm bắn của Mỹ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận