Ảnh vệ tinh chụp xe bọc thép tập trung tại căn cứ Zyabrovka ở Belarus ngày 9-2 - Ảnh: AFP
Các lực lượng và thiết bị của Nga đã được đưa đến đồng minh Belarus, nằm giáp Ukraine, từ giữa tháng 1-2022 và khoảng 30.000 lính Nga sẽ tham gia đợt tập trận Allied Resolve (Quyết tâm đồng minh) từ ngày 10 đến 20-2 cùng với các hệ thống tên lửa S-400 và chiến đấu cơ Su-35.
Các công dân Mỹ nên rời đi bây giờ. Chúng ta đang đối phó với một trong những lực lượng quân đội lớn nhất thế giới. Đây là tình huống rất khác, và mọi thứ có thể nhanh chóng mất kiểm soát.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nói trong cuộc phỏng vấn với Đài NBC News phát hôm 10-2.
"Thời khắc nguy hiểm"
Nếu đúng như phía Mỹ ước tính, đây là đợt triển khai quân lớn nhất của Nga đến Belarus kể từ thời Chiến tranh lạnh và ngay giữa lúc căng thẳng với phương Tây đang trong giai đoạn cao trào.
Có mặt tại Belarus để kiểm tra lực lượng vào đầu tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu khẳng định cuộc diễn tập đã được dàn xếp kỹ lưỡng.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, đợt diễn tập nhằm "chống khủng bố và bảo vệ lợi ích" của hai nước cũng như tập luyện chống lại "sự xâm lược từ bên ngoài".
Ngoài Allied Resolve, Matxcơva cũng điều động quân sự ở biển Đen, đưa 6 tàu đổ bộ đến bán đảo Crimea và tổ chức các cuộc diễn tập khác ở khu vực phía nam.
Nga tuyên bố các cuộc tập trận của nước này đều tuân thủ luật quốc tế và cam kết rút quân khỏi Belarus sau khi diễn tập xong.
Dù là diễn ra thường niên, giới quan sát cho biết cuộc tập trận Allied Resolve năm nay có quy mô lớn bất thường và thời điểm cũng khác với mọi năm.
Vì vậy, không có gì lạ khi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cảnh báo cuộc tập trận có thể là bước chuẩn bị cho việc Matxcơva tấn công nước láng giềng Ukraine, nơi thủ đô Kiev nằm cách Belarus chỉ khoảng 150km.
Ngày 11-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết Nga vẫn tiếp tục đưa thêm lực lượng về biên giới Ukraine và có thể xua quân qua biên giới bất cứ lúc nào.
Trước đó, Tổng thống Joe Biden cũng kêu gọi công dân Mỹ ở Ukraine rời đi do tình hình trong khu vực "có thể nhanh chóng mất kiểm soát".
Hôm 10-2, NATO cảnh báo châu Âu đang đối mặt với "thời khắc nguy hiểm" từ cuộc tập trận Nga - Belarus.
"Đây có lẽ là thời khắc nguy hiểm nhất trong vài ngày tới khi châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh lớn nhất trong nhiều thập niên", Hãng tin Reuters dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Trong khi đó, Ukraine thông báo tổ chức huấn luyện quân sự tại nhiều nơi trên toàn quốc để thử máy bay không người lái Bayraktar và các hệ thống vũ khí khác từ Anh. Mỹ và các thành viên NATO cũng tăng cường lực lực lượng đến khu vực phía đông NATO nhằm thể hiện sự đoàn kết, nhưng hầu như chỉ mang tính biểu tượng vì không nước nào cam kết đưa quân đến Ukraine.
Thông điệp
Giới chuyên gia cho rằng cuộc tập trận Nga - Belarus khó dẫn đến một cuộc xâm lược hoặc tấn công quy mô toàn diện Ukraine. Tuy nhiên họ cũng không loại trừ khả năng xảy ra đụng độ quân sự nếu các bên gia tăng căng thẳng.
"Sự hiện diện quân sự (của Nga) nhằm dọa Ba Lan và Lithuania ở phía tây và phía bắc của Ukraine. Thông điệp ở đây là Nga có khả năng thực hiện một chiến dịch có thể chiếm Kiev" - Alexander Khara, chuyên gia chính sách an ninh tại Trung tâm Các chiến lược phòng thủ Ukraine, nhận định trên tờ Al Jazeera.
Nhà phân tích địa chính trị Eugene Chausovsky thuộc Viện Newlines cho rằng: "Nga muốn thể hiện rằng họ rất nghiêm túc về khả năng xảy ra chiến tranh".
"Họ muốn gửi một thông điệp đến Ukraine, những người ủng hộ phương Tây và công dân của họ để có được càng nhiều nhượng bộ càng tốt", ông Chausovsky nói. Nhưng ông cảnh báo bất cứ động thái động quân nào của Nga có thể thay đổi hoàn toàn tình hình.
Dù vậy, Nga tiếp tục phớt lờ những phân tích lẫn nhận định từ phương Tây. "Phương Tây coi trọng các cuộc tập trận này vì cuộc khủng hoảng Ukraine. Họ coi các cuộc tập trận là một phần của việc dồn quân quanh Ukraine và để "xâm lược" (Ukraine).
Trong những năm gần đây, các nhà phân tích phương Tây gọi Belarus là bàn đạp của Nga tấn công vào vùng Baltic và sau đó là Ukraine", Hãng tin Tass của Nga mỉa mai.
Đàm phán Normandy bất thành
Một trong những nỗ lực ngoại giao mới nhất để tháo gỡ căng thẳng là cuộc đàm phán của nhóm bộ tứ Normandy (gồm: Đức, Pháp, Nga và Ukraine) đã không đạt được kết quả cụ thể.
Trong thông báo ngày 11-2, người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin cho biết phương Tây có vấn đề trong việc đọc hiểu thỏa thuận Minsk 2015.
Pháp nói rằng Nga đồng ý tiếp tục cuộc thảo luận nhưng với điều kiện Ukraine phải cam kết đàm phán với phe ly khai ở vùng Donbass.
Nhà đàm phán của Ukraine Andriy Yermak cũng cho biết cuộc đàm phán tại Berlin đã không đạt được tiến triển, song việc đạt được một lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong nhiều ngày qua đã là một kết quả tốt. Cho tới nay, phía Chính phủ Ukraine vẫn từ chối đối thoại với phe ly khai ở miền Đông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận