23/05/2015 11:16 GMT+7

Phương Tây đang thất bại trước IS, vì sao?

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Bất chấp chiến dịch không kích của liên quân Mỹ - châu Âu - Ả Rập, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) không hề suy yếu mà vẫn bành trướng dữ dội tại Iraq và Syria.

Lãnh thổ IS kiểm soát ở Iraq và Syria - Ảnh: CNN

Hồi đầu tháng 5, quân đội Iraq chiếm lại được thành phố Tikrit từ tay IS. Chính quyền Baghdad và liên quân quốc tế bắt đầu thảo luận khả năng giành lại thành phố Mosul ở miền bắc Iraq. Hàng loạt thủ lĩnh IS bị không kích thiệt mạng. Có tin đồn thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi đã chết.

Trong cuộc họp báo ngày 15-5, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố: “Chiến lược chống IS đang đạt hiệu quả”. Nhưng chỉ một tuần sau, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải thừa nhận liên quân chống IS đang phải đối mặt với một “bước thụt lùi chiến thuật” dù ông bác bỏ cáo buộc IS đang chiến thắng.

IS thích ứng cực nhanh

Hàng chục nghìn người Iraq dắt díu nhau trốn khỏi Ramadi vì bị IS tấn công - Ảnh: Reuters

Những ngày qua, IS bành trướng dữ dội ở cả Iraq và Syria bất chấp các đợt không kích của liên quân. Mới đây, IS đã chiếm được thành phố Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar lớn nhất Iraq.

Quân đội Iraq một lần nữa sụp đổ hoàn toàn, bỏ chạy trước khi IS tiến đến Ramadi, để lại cho nhóm khủng bố này vô số khí tài, xe quân sự, nhiên liệu…

IS chiếm 50% diện tích Syria

Đài Quan sát nhân quyền Syria (SOHR) ước tính hiện IS đã kiểm soát hơn 95.000 km2 đất đai ở Syria, tương đương với 50% diện tích nước này.

Như vậy, hiện chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad chỉ còn kiểm soát vỏn vẹn 22% lãnh thổ Syria (phần còn lại thuộc về các nhóm nổi dậy).

Với chiến thắng này, IS đang tiến đến gần thủ đô Baghdad của Iraq hơn bao giờ hết. Không chỉ ở Iraq, IS còn đang mở rộng “vương quốc” tại Syria.

Chúng đã chiếm được thành phố cổ Palmyra và đang tấn công dữ dội lực lượng Syria tại thành phố miền nam Deir Ezzor, các tỉnh Homs và Hama, thành phố miền nam Quneitra gần Israel.

Các chiến dịch tấn công của IS đã tạo ra một làn sóng di tản của hàng chục nghìn người tại cả Syria và Iraq. Liên Hiệp Quốc (LHQ) ước tính từ giữa tháng 5 đã có ít nhất 55.000 người chạy khỏi Ramadi và ùa đến Baghdad. Hội đồng Bảo an LHQ cảnh báo nguy cơ IS phá hủy thành phố cổ quý giá Palmyra.

Báo The Australian dẫn lời một số chuyên gia nhận định IS đã thích nghi cực kỳ hiệu quả để đối phó với các cuộc không kích của liên quân quốc tế. Trước đó, IS tổ chức chiến tranh theo kiểu thông thường, dàn quân quy mô lớn với vũ khí hạng nặng nên dễ bị dội bom.

Nhưng hiện tại, IS đã chuyển sang hoạt động theo lối du kích với nhiều nhóm binh sĩ quy mô nhỏ, dùng vũ khí hạng nhẹ, mặc quần áo thường dân, di chuyển trong đêm, hòa vào cộng đồng dân cư địa phương. Mô hình của IS chuyển sang phi tập trung hóa, các thủ lĩnh vùng miền được gia tăng quyền lực…

Nhờ đó, IS chẳng những không suy thoái mà còn tiếp tục phát triển, ngày càng lớn mạnh, đủ sức chiếm đóng Ramadi và mở rộng địa bàn ở cả Iraq và Syria. Các vụ tấn công của IS đều có tính chiến thuật rất cao.

Ví dụ, khi tấn công lực lượng người Kurd ở Iraq, IS điều 11 tiểu đội dùng thuyền nhỏ vượt sông Zab, tận dụng bóng tối và thời tiết xấu, xâm nhập vào khu vực của người Kurd, tàn sát các đội an ninh rồi rút lui.

Cùng thời điểm, IS triển khai 14 xe chở nhiên liệu chứa đầy chất nổ đồng loạt tấn công lực lượng người Kurd ở Aski Mosul. Hàng loạt máy bay chiến đấu của liên quân và vũ khí chống xe tăng của lực lượng người Kurd bị phá hủy.

Chiến lược của Mỹ thất bại

Một người lính Iraq đánh một kẻ bị tình nghi là quân của IS - Ảnh: CNN

Sau khi thành phố Ramadi rơi vào tay Iraq, hàng loạt chuyên gia quân sự và nghị sĩ Mỹ chỉ trích chiến lược chống IS của Tổng thống Mỹ Barack Obama.

BBC dẫn lời nhà phân tích Saudi Arabia Aimen Den chỉ trích Mỹ, châu Âu và Ả Rập đang mở một chiến chống IS mà không có sự điều phối cần thiết.

Tạp chí Foreign Policy cho rằng sau khi chiếm được Ramadi, chắc chắn IS sẽ còn tiến quân xâm chiếm các khu vực mới ở cả Iraq và Syria bất chấp các cuộc không kích của liên quân. Rõ ràng là không hề có dấu hiệu cho thấy IS đang suy yếu.

“Kể từ giữa tháng 6 tới, IS sẽ tấn công dữ dội và hầu như không thể bị ngăn cản. Việc mất Ramadi và Palmyra sẽ không phải là thất bại cuối cùng của chiến dịch chống IS”, chuyên gia Den bi quan dự báo.

Và chiến dịch không kích đã bộc lộ rõ điểm yếu khi IS thích ứng. Chính tổng thống Obama cũng thừa nhận đã đến lúc phải điều chỉnh chiến lược chống IS. Một số nghị sĩ Mỹ kêu gọi Washington đưa khoảng 10.000 quân đến Trung Đông để chống IS.

Nhưng các quan chức Nhà Trắng khẳng định lực lượng địa phương ở Iraq và Syria phải là đối tượng chính chống IS trên bộ. Hiện Mỹ có 3.000 quân ở Iraq nhưng chỉ làm nhiệm vụ đào tạo cho lực lượng Iraq.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết cuộc chiến chống IS ở Iraq và Syria có thể sẽ phải kéo dài hơn 3 năm. Và như vậy tổng thống Mỹ kế nhiệm ông Obama sẽ phải “thừa hưởng” cuộc chiến này.

“Hai năm tới tình hình trên chiến trường có thể sẽ thay đổi, đòi hỏi sự thay đổi chiến lược. Đó là điều chúng tôi phải để lại cho tổng thống kế nhiệm”, ông Earnest nhấn mạnh.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên