18/06/2011 07:55 GMT+7

Phường rối không hắt hiu

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Theo con rối từ ao làng lên phố, những nghệ nhân của phường rối đều cười thật tươi khi chia sẻ: “Vụ mùa đến rồi, lúa chín còn để ở ngoài đồng, nhưng anh em cứ đi múa rối đã!”.

DqmlzQfP.jpgPhóng to
Những nghệ nhân rối Nhân Hòa sau buổi biểu diễn.

Cười cũng vội, nói cũng vội vì nhạc đã nổi, rối đang ở phía sau bức mành tre chờ người điều khiển. Một nghệ nhân múa rối nói rằng người ta chỉ làm rối vì đam mê và theo rối đến lúc chết. Vì vậy, chuyện làm rối, đục con rối và giữ rối cứ được kể râm ran suốt những ngày diễn ra Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc lần 1 (từ ngày 13 đến 18-6 tại Hải Dương). Bởi hết liên hoan, rối lại về với ao làng, biết bao giờ mới có cơ hội gặp lại rối phường bạn.

Rối làng làm du lịch

“Xem rối nước thích lắm”

Một khán giả trung thành của những buổi biểu diễn tại Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc lần 1 - chị Vũ Thị Nga (nhà ở phố Tam Giang, phường Trần Hưng Đạo, TP Hải Dương) chia sẻ: “Tôi đi xem rối nước thích lắm, dù mấy hôm liên hoan trời mưa suốt. Nếu sau này không ai múa rối nữa thì tiếc quá!”.

Giữa lúc nhiều phường vẫn phải ngày ngày mang rối đi diễn làng gần làng xa như trăm năm trước, có một phường rối đã biến ao làng thành sân khấu với những suất diễn cố định hằng tháng. Nghệ nhân diễn rối - đương nhiên - vẫn là những nông dân làm ruộng. Đang gặt ở dưới đồng nhưng thấy thông báo có khách du lịch đến là bỏ ruộng chạy vội về nhà, thay quần áo và trở thành... nghệ sĩ.

Đó là chuyện của phường rối Nhân Hòa (xã Nhân Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Chuyện rối làng làm du lịch đã bắt đầu từ 16 năm về trước. “Năm 1995 chúng tôi bắt đầu chương trình biểu diễn rối nước cho khách du lịch. Thời gian đầu, thi thoảng mới diễn một buổi thôi. Anh em chúng tôi cứ diễn cầm cự như thế. Có những lúc nản chí quá, tưởng bỏ không làm nữa nhưng rồi cũng qua được thời gian khó” - ông Trần Văn Phước (65 tuổi), trưởng phường rối Nhân Hòa, bộc bạch.

Mùa đông nhất của rối, mỗi tháng phường Nhân Hòa biểu diễn hơn 30 buổi. “Có những lúc ba đoàn đến một lúc, anh em phải cho đoàn đi tham quan trong làng rồi diễn phục vụ từng đoàn một. Cứ có lịch là diễn thôi, đang vụ mùa cũng vẫn diễn như ngày nông nhàn. Nhiều anh em diễn xong để lại đồ đạc, chạy vội ra đồng đi cấy tiếp”, ông Phước kể.

Nhưng trớ trêu với rối nước, mùa hè khách đi tắm biển nên khá ế, mùa đông rét căm căm thì khách lại tấp nập. Có rét đến mấy, những nghệ sĩ - nông dân này vẫn phải lội nước, nén tiếng xuýt xoa vì lạnh để hoàn thành vai diễn - thường là những tích trò vui nhộn.

Biểu diễn khá đều đặn nhưng nguồn thu từ du lịch - theo ông Phước - cũng không nhiều. Mỗi buổi diễn, cả phường rối mấy chục nghệ nhân mỗi người được khoảng 30.000 đồng/buổi. “Chúng tôi cũng phải chi phí đủ loại, mỗi năm đục lại con rối những hai lần vì diễn nhiều nên rối chẳng bao giờ khô được. Các loại cây bông hay pháo anh em cũng tự làm để giảm chi phí. Gần đây, có nghe nói Nhà nước định thu thuế các buổi diễn nên anh em càng lo. Giá cả tăng cao, nếu thêm khoản thuế thì tiền công trả anh em sẽ phải bớt đi” - ông Phước chia sẻ.

W5FRj1m6.jpgPhóng to
Xong buổi diễn, nhiều nghệ nhân vội vàng trở về vì ở nhà đang vào vụ gặt - Ảnh: Hà Hương

Giữ rối lại cho con

Giữa những âm thanh ồn ào của buổi biểu diễn, một nghệ nhân già 78 tuổi vẫn chăm chỉ bê từng con rối, đặt vào hòm gỗ cẩn thận. Ông nói ông gắn bó với rối từ thuở đôi mươi, nghề múa rối là di sản người cha truyền lại cho ông. Anh em phường rối của ông ở quê cũng thuần nghề làm ruộng. Chiều trước khi diễn ra liên hoan, phường rối mới gọi anh em từ ngoài đồng về, lên ôtô từ Bắc Ninh đi Hải Dương tham dự liên hoan.

“Tháng giêng, tháng 2 âm lịch, phường rối đi diễn ở các hội làng. Trong năm thì đi khắp Bắc Ninh biểu diễn. Tôi già rồi, không lội nước được nữa thì tôi dạy lại cho con cháu. Hiện nay, tôi dạy 15 cháu từ 15-25 tuổi múa rối. Cứ an tâm là sau này có người giữ nghề”, ông Lê Bá Đổng nói. Ông Đổng ở phường rối Đồng Ngư (xã Ngũ Thái, Thuận Thành, Bắc Ninh) có cả người con trai 54 tuổi và cháu nội 28 tuổi cũng tham gia làm rối. Đó là nghề của gia đình, bao nhiêu năm, đời này sang đời khác, họ cũng không bỏ được.

Còn nghệ nhân Nguyễn Trọng Chính ở phường rối Nguyên Xá (xã Nguyên Xá, Đông Hưng, Thái Bình) cho biết: mỗi phường rối có bí mật làm nghề và truyền nghề trực tiếp. Nhưng cứ lớp này già đi vẫn có lớp khác kế tiếp. Phường rối Nguyên Xá có hơn 20 người trải đều ở các độ tuổi từ 18-80. Người lớn tuổi chơi nhạc, dạy múa, dạy đục rối, người học xong nghề thì lội trước trực tiếp biểu diễn. Cứ như thế suốt bao đời nay, rối chưa bao giờ mất.

Tuy nhiên, không khỏi có chút âu lo khi ông Trần Văn Phước (phường rối Nhân Hòa) bày tỏ: “Lớp trẻ cứ đi học rồi rời khỏi quê lên thành phố hết, nên lớp già vẫn lo mai này không ai làm rối nữa”.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên