Nguyên nhân chính của nó là con người có mối liên hệ mật thiết với giới tự nhiên, bốn mùa khác nhau thì sự trao đổi chất của con người theo từng mùa cũng khác nhau, cho nên cần dựa theo sự thịnh suy, tiêu trưởng của âm dương để tiến hành chọn lựa những phương pháp dưỡng sinh bằng thuốc khác nhau. Thuận theo quy luật của bốn mùa, lấy “xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm” (sách “Hoàng đế nội kinh”) làm nguyên tắc cho dưỡng sinh.
Phương pháp dưỡng sinh bằng thức ăn, vị thuốc trong mùa xuân
Đến mùa xuân, chúng ta cần phải suy nghĩ đến việc dương khí bắt đầu sinh ra, cho nên cần ăn những thứ có vị cay ngọt, có tính phát tán, chứ không nên ăn những đồ chua có tính thu liễm.
Sách “Hoàng đế nội kinh” có viết: “Can chủ về mùa xuân, Can không thích sự gấp rút, cho nên dùng vị ngọt để làm hòa hoãn nó lại. Can bệnh thì ăn đồ cay để sơ thông khí cơ, dùng thuốc cay để bổ cho nó, dùng vị chua để tả nó”. Trong mối quan hệ giữa ngũ tạng và ngũ vị thì vị chua có tính thu liễm mà đi vào Can, nó không có lợi cho dương khí thăng phát và Can khí sơ tiết, cho nên vào mùa xuân cần chọn lựa những thức ăn, vị thuốc có tác dụng nhu Can dưỡng Can, sơ Can lý khí, ví dụ trong “Thọ thế mật điển” có ghi chép: “Tháng ba lấy hoa đào, ngâm trong rượu dùng để uống, có thể trừ bách bệnh, làm đẹp nhan sắc”.
Nếu trong mùa xuân, sau khi mắc bệnh ôn nhiệt hoặc người mà cơ thể tân dịch tổn thương thì cần dùng phép lương bổ để tư âm sinh tân. Ngoài ra, phương nam mưa nhiều, nóng lạnh thay đổi thất thường, thấp khí vây khốn Tỳ khí, cho nên cần dùng những thuốc kiện Tỳ hóa thấp như Bạch linh, Đảng sâm, Câu kỷ tử, Uất kim, Đan sâm, Mạch môn, Hà Thủ ô, Huyền hồ… Đồ ăn thì có thể chọn những thứ có vị cay, tính phát tán như đại táo, hành, rau thơm, lạc, tỏi, gừng…
Mùa mưa, không khí ẩm thấp, thời tiết ấm áp là thời tiết tốt cho việc điều dưỡng Tỳ vị. Điều dưỡng Tỳ vị có thể nâng cao chức năng miễn dịch của cơ thể, có thể phòng chống lão hóa, ăn nhiều rau cỏ tươi, ăn nhiều hoa quả để bổ sung lượng nước cho cơ thể, ăn ít đồ dầu mỡ, tránh làm dương khí tiết ra ngoài, nếu không thì Can mộc thăng phát thái quá, sẽ khắc Tỳ thổ.
Những đồ ăn mùa mưa có thể chọn rau hẹ, bách hợp, cải cúc, ngồng cải, măng, hoài sơn, ngó sen, khoai sọ, củ cải, mía, còn về thuốc thì có thể chọn các vị giúp Tỳ vị tăng giáng và chức năng sinh hóa, ví dụ như: sa sâm, tây dương sâm, quyết minh tử, bạch cúc hoa, hà thủ ô hoặc bài bổ trung ích khí thang.
Phương pháp dưỡng sinh bằng thức ăn, vị thuốc trong mùa hè
Theo y học cổ truyền, mùa hè là mùa “phồn tú”, cũng có nghĩa là gian đoạn cây cối sinh sôi nảy nở. Thời điểm này, dương khí bốc lên, sự trao đổi chất của con người ở trong trạng thái mạnh mẽ.
Mùa hè, nhiệt tà có thể làm tổn thương âm dịch, tổn hại dương khí, cộng thêm mồ hôi dễ ra nhiều cho nên khí âm càng bị tổn thương, nếu có mưa thì còn ẩn phục cả thấp tà.
Dựa theo những đặc điểm trên, thuốc dùng cho mùa hè chủ yếu là các vị cam bình, cam lương để bổ khí âm, tân dịch, ngoài ra có thể thêm các vị có tác dụng thanh nhiệt trừ thấp.
Ngoài ra, mùa hè do ăn uống đồ lạnh nhiều, dễ làm tổn thương Vị khí, cho nên cùng lúc với bổ khí và tân dịch cần phải chú ý kiện Tỳ hòa Vị.
Về mặt nghỉ ngơi thì cần ngủ muộn, dậy sớm, làm cho dương khí có thể tuyên tiết ra ngoài, hơn nữa không nên bực tức, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến Tâm.
Về mặt ẩm thực, sáng sớm nên ăn một chút hành tây, sau bữa cơm tối nên uống một chút rượu vang, duy trì khí huyết thông suốt. Thường nhật nên ăn những đồ ăn ít béo, ít muối, nhiều vitamin, như thế có tác dụng dưỡng tâm, thanh nhiệt giải độc, lợi thấp khu đàm, dưỡng huyết an thần.
Mùa này thường chọn những loại rau củ hay thuốc y học cổ truyền như: lá sen, rau diếp cá, mạch môn, bạch linh, xuyên khung, đan sâm, hồng hoa, xích thược, hoắc hương, bội lan, dưa hấu, ngó sen, canh đậu xanh, canh ô mai, canh bí đao, canh mướp đắng, nước hoa cúc.
Phương pháp dưỡng sinh bằng thức ăn, vị thuốc trong mùa thu
Theo y học cổ truyền, mùa thu là mùa “dung bình”, dương khí trong tự nhiên dần dần giảm bớt, âm khí dần dần tăng lên, khí hậu từ nhiệt chuyển hàn, tất cả đều trong giai đoạn “dương tiêu âm trưởng”.
Do khí hậu dần dần chuyển mát, khí khô tăng lên, làm cho con người cảm thấy miệng, họng, da dẻ đều khô, như thế có thể thấy, táo khí làm tiêu hao tân dịch của cơ thể. Tân dịch bị tổn thương thì bổ pháp thích hợp cho mùa thu sẽ là tư bổ tân dịch. Mùa thu là mùa mà vạn vật trưởng thành, mùa thu hoạch, đồng thời nó cũng là mùa cây khô, lá rụng. Lúc này dương khí trong giới tự nhiên ngày càng suy yếu, còn âm hàn dần tăng lên, mưa ít dần, thời tiết khô hanh, gió thu đến từng cơn. Vì vậy, mùa thu cần phải dưỡng âm, đề phòng tân dịch hao tán, trước tiên cần dưỡng Phế, cẩn trọng trong ăn uống nghỉ ngơi, điều chỉnh tình chí.
Dùng thuốc y học cổ truyền có thể chọn những vị có tác dụng tuyên Phế hóa đàm, tư âm dưỡng khí như: sa sâm, tây dương sâm, bách hợp, mạch môn, hạnh nhân, viễn chí, xuyên bối mẫu, bàng đại hải.
Về mặt ẩm thực cần ăn ít đồ hải sản, đồ lạnh, đồ muối, đồ cay chua, mà nên ăn đồ nhạt, dễ tiêu hóa, chứa nhiều vitamin. Đồng thời, ăn những đồ nhuận táo như vừng, gạo nếp, mật ong, chế phẩm từ sữa, tăng thêm thịt gà, thịt vịt, thịt bò, gan lợn, cá để tăng cường sức khỏe.
Những loại rau củ quả có tác dụng sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt hóa đàm, chỉ khái bình suyễn, cố thận bổ phế thích hợp dùng trong mùa thu có lê, táo, trám, bạch quả, hành tây, rau cải, củ cải trắng…
Phương pháp dưỡng sinh bằng thức ăn, vị thuốc trong mùa đông
Đến mùa đông, dương khí trong giới tự nhiên suy vi, vạn vật tàng ẩn lại, cây cối điêu linh, nhiều loại động thực vật gần như trong trạng thái ngủ đông, chuẩn bị tinh thần cho mùa xuân năm tới phát triển. Thời điểm này, dương khí tiềm ẩn, có lợi cho tinh khí bổ xung và tích lũy. Cho nên dưỡng sinh vào mùa đông thì cần phải tàng tinh, dưỡng âm phòng hàn, nghỉ ngơi phải điều độ, việc phòng thất cần hợp lý, không được quá lao lực. Ngoài ra, mùa đông hàn khí tràn ngập, hàn là tà khí thuộc âm, rất dễ làm hại đến thận dương, vậy nên cần phải dưỡng tàng cố tinh, bổ ích thận dương.
Trong “Thiên kim dực phương” có viết: “Mùa đông uống rượu thuốc 2 đến 3 đợt, đến lập xuân thì thôi”. Nhóm rượu thuốc này bao gồm: rượu thập toàn đại bổ, rượu câu kỷ tử, rượu sâm nhung, rượu đông trùng… Mỗi ngày uống 1 - 2 lần, mỗi lần uống khoảng 1 chén. Còn thuốc bổ thường dùng trong mùa đông gồm: nhân sâm, hoàng kỳ, a giao, đông trùng hạ thảo, hà thủ ô, câu kỷ tử, đương quy, đào nhân, đại táo, long nhãn, hoài sơn, hạt sen, bách hợp, lộc nhung, quế nhục… Nhưng cần phải chú ý rằng, cũng không được dùng quá nhiều đồ nóng, để tránh làm hại đến âm dịch. Y gia nổi tiếng là Trương Chí Thông đã đưa ra cách lý giải cho nguyên tắc “Thu đông dưỡng âm” trong “Hoàng đế nội kinh” rằng: “Mùa thu và mùa đông, âm thịnh ở ngoài nhưng lại suy yếu ở trong”, cho nên không được chỉ dùng thuốc ôn bổ trợ dương mà còn phải kết hợp với thuốc tư bổ âm tinh, làm cho âm dương chuyển hóa lẫn nhau. Ngoài ra, mùa đông ít mưa, khí hậu tương đối khô hanh, cho nên cần dùng những thuốc ôn nhuận như tang ký sinh, thỏ ti tử, thục địa…
Nhìn chung, mỗi mùa có một đặc điểm khí hậu riêng biệt, nếu chúng ta biết cách chọn lựa, sử dụng thức ăn vị thuốc một cách hợp lý thì cơ thể sẽ luôn được khỏe mạnh, đồng thời phòng chống được bệnh tật phát sinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận