Trailer phim "Phượng Khấu"
Sáng 8-8, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc tọa đàm Cổ phục Việt từ đời sống đến điện ảnh và các vấn đề cứ liệu lịch sử quanh dự án phim Phượng Khấu tại Trung tâm Văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ).
Phượng Khấu là bộ phim dã sử có ba phần, mỗi phần gồm 6 tập, mỗi tập 60 phút, dự kiến sẽ được phát sóng trên nền tảng trực tuyến. Bộ phim có sự tham gia của dàn diễn viên: Thành Lộc, Hồng Đào, Hồng Vân, Diễm My 9X, Kiều Trinh, Trịnh Tú Trung, Thanh Tú...
Tọa đàm do nhà sản xuất phim Phượng Khấu phối hợp với Công ty Ỷ Vân Hiên thực hiện. Từ trái qua: đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, GS sử học Lê Văn Lan, Giám đốc công ty Ỷ Vân Hiên Nguyễn Đức Lộc, MC Thảo Vân - Ảnh: NGỌC DIỆP
Bộ phim tập trung vào giai đoạn bảy năm trị vì của vua Thiệu Trị (từ năm 1841 tới năm 1847). Được biết đến là phim "cung đấu" nhưng Phượng Khấu không khắc họa những âm mưu, thủ đoạn, thâm độc của phụ nữ chốn thâm cung như các bộ phim cung đấu Trung Quốc hay làm.
"Cảm thức về gia đình Việt Nam trong phim rất lớn. Chúng tôi muốn đi sâu vào phân tích mối quan hệ trong gia đình hoàng tộc. Trong phim vua Thiệu Trị không chỉ là người có khát vọng trở thành ông vua tốt, mà ông còn muốn trở thành người chồng tốt. Ông sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề xung quanh mối quan hệ của chính mình với các bà vợ", đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết.
Do không có phim trường dành cho phim cổ trang, khó có thể chế tác hoành tráng được như phim cổ trang Trung Quốc nên Phượng Khấu dùng phục trang, cũng như kĩ xảo để tạo độ hoành tráng cho phim.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh và diễn viên Diễm My 9X - Ảnh: NGỌC DIỆP
Phần 1 với 6 tập xuất hiện 97 nhân vật. Đoàn làm phim đã chuẩn bị 200 bộ trang phục cho các diễn viên. Đội ngũ chế tác trang phục, thiết kế mỹ thuật cho phim, đạo diễn đã phải làm việc rất chặt chẽ để đảm bảo sự thống nhất về mặt hình ảnh cũng như tính thẩm mĩ cho bộ phim.
Giáo sư Lê Văn Lan, cố vấn lịch sử của bộ phim cho biết việc phục chế cổ phục cung đình vào thời điểm hiện tại gần như không thể thực hiện được vì nhiều nguyên do, chúng ta không còn nguyên liệu thời xưa, cũng như kĩ thuật làm bị thất truyền.
Tư liệu, cũng như hiện vật còn rất ít, nên chọn làm phim dã sử, Phượng Khấu đã lao vào một lĩnh vực rất khó nhằn. Và Phượng Khấu sẽ phải giải quyết được bài toán là làm sao trang phục vừa phải đẹp, đáp ứng được tiêu chí của điện ảnh, đồng thời vẫn phải trung thành với lịch sử.
Giáo sư Lê Văn Lan giới thiệu mẫu áo dài MC Thảo Vân mặc là mẫu của thế kỉ 18 - Ảnh: NGỌC DIỆP
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết đơn vị chế tác trang phục chọn khảo cứu từ những nguồn tư liệu đáng tin cậy trong và ngoài nước, và tiếp cận với những cổ phục "xịn" từ các bộ sưu tập tư nhân cũng như bảo tàng.
Trong quá trình thực hiện, họ đã phải bỏ nhiều mẫu khi phát hiện làm chưa được đúng với cổ vật nguyên gốc. "Nếu ai đó có nguồn tư liệu chuẩn và nói rằng trang phục chúng tôi làm chưa đúng, chúng tôi sẵn sàng tiếp thu vì đây là lĩnh vực vô cùng khó khăn. Chúng tôi mong khán giả mở lòng đón nhận", đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ.
Giám đốc công ty Ỷ Vân Hiên Nguyễn Đức Lộc cho biết ê-kíp làm trang phục cho Phượng Khấu sau khi nghiên cứu cổ phục Việt đều muốn làm ra những bộ trang phục "tiệm cận nhất với lịch sử có thể vì làm sai là có tội với cha ông".
Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ - chắt nội vua Minh Mạng (áo dài tím) khen chiếc áo dài của Diễm My 9X - Ảnh: NGỌC DIỆP
"Để thêu tay toàn bộ trang phục thì chi phí quá lớn nên chúng tôi chọn phương án với những trang phục cần quay cận thì thêu tay, ngoài ra chúng tôi cho thêu máy. Với những đại cảnh nhiều người thì trang phục sử dụng kĩ thuật in ấn, hoặc xử lý kĩ xảo", ông Nguyễn Đức Lộc nói.
"Khi phục dựng cổ phục Việt, chúng tôi hạn chế sử dụng từ thuần Việt, vì văn hóa là sự giao lưu, tiếp diễn, hấp thụ tinh hoa của nhau. Trong trang phục cũng vậy. Từ xa xưa người Nhật đã đến Việt Nam mua tơ tằm về may kimono. Chúng ta cũng thế, cũng phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.
Giờ chế tác lại cổ phục mà phải dùng đúng nguyên liệu trong nước để làm rất khó. Không thể nào nội địa hóa 100%. Tất nhiên mình vẫn phải đảm bảo được màu sắc, tinh thần của trang phục Việt, bởi mỗi nước có nguyên liệu và kĩ thuật làm khác nhau. Nên chúng tôi vẫn sử dụng nguyên liệu trong nước, chỉ là tỉ lệ bao nhiêu mà thôi", ông Đức Lộc cho biết.
Trong buổi tọa đàm, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết dẫu trang phục của Phượng Khấu sẽ có khả năng gây tranh cãi, nhưng ê-kíp cũng chỉ biết cố gắng bám sát với các cứ liệu lịch sử nhất có thể và mong khán giả đón nhận cởi mở.
Mệ Công Tôn Nữ Trí Huệ bên chiếc áo cổ thời Nguyễn được trưng bày tại cuộc tọa đàm - Ảnh: NGỌC DIỆP
Một trong hai chiếc áo cổ thời Nguyễn được trưng bày tại tọa đàm - Ảnh: NGỌC DIỆP
Diễn viên Diễm My 9X chia sẻ về những khó khăn khi tham gia phim "Phượng Khấu" - Ảnh: NGỌC DIỆP
Những cổ vật thời Nguyễn được trưng bày tại cuộc tọa đàm - Ảnh: NGỌC DIỆP
Những cổ vật thời Nguyễn được trưng bày tại cuộc tọa đàm - Ảnh: NGỌC DIỆP
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận