27/01/2021 13:36 GMT+7

Phượng Hoàng - 'The Beatles Sài Gòn' lẫy lừng một thuở

MI LY
MI LY

TTO - Những câu chuyện không thể nào quên về ban nhạc Phượng Hoàng một thuở đã được ghi lại trong sách Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles Sài Gòn.

Phượng Hoàng - The Beatles Sài Gòn lẫy lừng một thuở - Ảnh 1.

Âm nhạc Phượng Hoàng điển hình cho tinh thần nhạc trẻ Sài Gòn, tức là rất Âu châu, "thế giới cũ", vương vấn thật nhiều triết lý hiện sinh.

Nhạc sĩ QUỐC BẢO

Phượng Hoàng thành lập năm 1971 gồm các thành viên chính: Lê Hựu Hà, Nguyễn Trung Cang, Nguyễn Trung Vinh, Như Khiêm, Elvis Phương. Chỉ 4 năm hoạt động thường xuyên với hơn 40 ca khúc, Phượng Hoàng đã đặt những viên gạch làm nền móng cho nhạc trẻ Việt Nam và ghi dấu ấn ban nhạc rock Việt thực thụ.

Sục sôi tinh thần nhạc trẻ Sài Gòn

Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà của ban nhạc Phượng Hoàng được ví như John Lennon - Paul McCartney của rock Việt thập niên 1970. Nếu Nguyễn Trung Cang sáng tác u huyền như Lennon thì Lê Hựu Hà "yêu đời, yêu người và yêu em" như McCartney.

Về nhạc Nguyễn Trung Cang thuở Phượng Hoàng, Phạm Duy gọi đó là "nhạc tình ảo tình". Nguyễn Trung Cang viết nên những ca từ như "Cuộc đời như chó hoang lang thang về đêm" (Mặt trời đen - được cho là ca khúc đặt nền móng cho rock Việt).

Trong khi đó, nhạc Lê Hựu Hà sáng bừng của khát khao "tìm đến thiên nhiên, sống như loài hoa hiền", khi lại muốn "hóa loài thú đi hoang, loài chim ngàn và cười vào những khoe khoang" (dẫn ca từ trong Tôi muốn, bài hát nổi tiếng của ông).

Đặt Phượng Hoàng cạnh The Beatles dễ gây tranh cãi, nên người làm sách rào đón đây không phải so sánh quy mô, tầm vóc, sức ảnh hưởng. Chỉ đơn giản, Phượng Hoàng và The Beatles có ý nghĩa tương tự nhau với đời sống âm nhạc tại xứ sở sinh ra nó. Và điều khác nhau giữa cặp "Lennon và McCartney" của Phượng Hoàng là họ không kết hợp chặt chẽ như Lennon và McCartney thật.

Sách tập hợp 19 bài viết của các tác giả Jason Gibbs, Du Tử Lê, Tuấn Khanh, Quốc Bảo, Lê Văn Nghĩa, Hương Giang, Trường Kỳ, Minh Đức... về Phượng Hoàng. Họ đều là người yêu mến, ngưỡng vọng ban nhạc.

Việc tập hợp các bài viết đã đăng rải rác để in thành sách không phải là cách tốt nhất để làm nên một cuốn sách hay. Nhưng Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles Sài Gòn (Domino và NXB Hội Nhà Văn) là trường hợp đặc biệt, khi các bài viết được tập hợp đều rực lửa, rực rỡ niềm yêu và niềm đau tưởng nhớ Phượng Hoàng.

Tất cả bài viết trong sách đều được trau chuốt về ngôn từ như để xứng đáng với Phượng Hoàng - ban nhạc đã làm nên những giai điệu và ca từ tuyệt đẹp. Ngay từ buổi đầu của nhạc trẻ Sài Gòn, Phượng Hoàng đã đi tiên phong trong triết lý nhạc trẻ là tiếng nói của thế hệ trẻ, phải mang linh hồn và căn tính Việt Nam, chứ không phải sự sao chép vô hồn nhạc trẻ phương Tây.

Phượng Hoàng - The Beatles Sài Gòn lẫy lừng một thuở - Ảnh 3.

Cái chết trẻ của hai linh hồn rock Việt

Hai phần lớn của cuốn sách được dành riêng để tôn vinh Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang - hai mảnh linh hồn của ban nhạc, hai nhạc sĩ tài năng đều chết trẻ.

Nguyễn Trung Cang qua đời vào năm 1985, khi ông mới 38 tuổi. Thông tin được nhiều người biết đến là ông trút hơi thở cuối cùng tại cư xá cạnh chùa Xá Lợi do thiếu dinh dưỡng khi cơ thể quá yếu trong cơn hen suyễn.

Khi sức khỏe suy tàn, sức sống mờ dần trong cơ thể, điều phi thường là Nguyễn Trung Cang vẫn có thể viết ra những ca khúc đầy yêu thương, ám ảnh, chân thành: Thương nhau ngày mưa, Bâng khuâng chiều nội trú, Còn yêu em mãi.

Còn nhạc sĩ Lê Hựu Hà từ giã cõi đời vào năm 2003 tại TP.HCM. Ông hưởng dương 57 tuổi. Nguyên nhân cái chết được cho là tai biến mạch máu não. Nhưng điều đau đớn hơn là Lê Hựu Hà đã qua đời vài ngày trước khi được phát hiện, xác đã phân hủy. 

Những ngày cuối đời của ông thực sự cô độc. Ông một mình đọc sách, nghe nhạc, mở tivi. Và chính vì tivi vẫn mở suốt nhiều ngày nên hàng xóm không hề biết ông đã lặng lẽ ra đi. Cái chết của ông, như Du Tử Lê nói, là "đỉnh ngọn u ám, bi kịch của tài hoa".

Như chính cái tên Phượng Hoàng, Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà đã sống, đã rực cháy và có lẽ là tái sinh ở một phương trời nào đó từ tro tàn.

Tay trống Nguyễn Trung Vinh khó khăn sau đột quỵ

Theo lời kể của Nguyễn Tiến Chỉnh - cây guitar bass Sài Gòn một thời - khi đến thăm bạn vào năm 2016, tay trống Nguyễn Trung Vinh của Phượng Hoàng đang sống khó khăn, sức khỏe yếu sau khi bị đột quỵ nặng. Ông sống cùng vợ trong phòng trọ dưới 10m2 tại Bình Dương.

Cuốn sách Ban nhạc Phượng Hoàng - The Beatles Sài Gòn được thực hiện như tấm chân tình của những người bạn. Lợi nhuận từ sách sẽ được dùng ủng hộ cho Nguyễn Trung Vinh - tay trống hào hoa của ban nhạc một thời lừng lẫy.

Cuộc hội quân Cuộc hội quân 'lịch sử' của nhạc trẻ ở Hò dô

TTO - Không chỉ mang đến không khí tưng bừng, đã mắt sướng tai, màn trình diễn của Vietnam Allstars Band vào đêm thứ hai của Lễ hội âm nhạc quốc tế TP.HCM - Hò dô 2019 (14-12) cũng là thời khắc đáng nhớ của nền nhạc nhẹ Việt Nam.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên