Thay đổi lớn nhất trên gương mặt chị Phượng so với ba năm trước là vùng da ở trán và hai bên má đã căng, láng mịn - Ảnh: V.Tr. |
Không chỉ dư luận trong nước mà cả ở nước ngoài cũng xôn xao khi nhiều tờ báo và đài truyền hình ở Mỹ, châu Âu theo sát đưa tin suốt mấy tháng liền.
Nhân vật gây sốt ấy là chị Nguyễn Thị Phượng, ở thị trấn Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
Tháng 2-2011, lúc phát hiện chị Phượng bị bệnh già trước tuổi thì chị và chồng đang làm thuê kiếm sống tận tỉnh Bình Phước.
Chị Phượng cho biết sở dĩ bỏ quê dừa Bến Tre đi xa lập nghiệp một phần cũng là để tránh những ánh mắt tò mò, dị nghị của mọi người về gương mặt xấu xí của mình.
Hơn 1.000 ngày uống thuốc
Bệnh hiếm, nhưng điều trị được Bác sĩ Hoàng Văn Minh (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, người trực tiếp điều trị cho chị Phượng ba năm qua) cho biết ông đã chẩn đoán đúng bệnh của chị ngay từ đầu là “nhão da sau bệnh lý tế bào vón”. Đây là bệnh rất hiếm, đến nay thế giới chỉ mới ghi nhận có hai trường hợp. Bệnh nhân đầu tiên ở Ấn Độ, được phát hiện khoảng năm 2006. Chị Phượng là trường hợp thứ hai, phát hiện năm 2011 từ thông tin trên báo Tuổi Trẻ. Quá trình điều trị cho chị Phượng đã cho kết quả rất tích cực. Một số vùng da trên mặt đã trở lại bình thường. Do da sẽ lão hóa theo tuổi tác, nên nếu điều trị giảm khoảng 60% so với lúc phát hiện bệnh thì đã là thành công, nhưng đòi hỏi phải kết hợp với laser và phẫu thuật. Cơ địa của chị Phượng rất dễ bị dị ứng thức ăn và thuốc, cho nên nếu tránh được dị ứng thì hiệu quả điều trị sẽ tốt hơn. |
Chị Phượng vốn là một cô gái xinh đẹp nhất nhì ở thị trấn Giồng Trôm, nhưng sau khi lấy chồng được mấy năm thì đột nhiên căn bệnh quái ác ập đến với chị.
Năm 2008, sau một lần bị dị ứng, mặt mày sưng vù thì da mặt chảy xệ xuống, đùn lại trông chị chẳng khác gì một bà lão trên 70 tuổi.
Cả năm trời chạy chữa bằng đủ thứ thuốc không khỏi, chị trở nên tự ti, mặc cảm vì suốt ngày phải mang khẩu trang.
Rồi sang năm 2009, hai vợ chồng chị lên Bình Phước mưu sinh. Cuộc sống vất vả nên vợ chồng chị cũng ít về thăm quê. Từ đó ít người gặp lại chị Phượng, kể cả người thân trong gia đình.
Chị kể ngay trong ngày báo Tuổi Trẻ đăng hình chị thì cuộc sống của hai vợ chồng bị xáo trộn hoàn toàn. Liên tục nhiều ngày sau đó điện thoại của vợ chồng chị luôn trong tình trạng “cháy” do có quá nhiều người gọi hỏi thăm, động viên, chia sẻ và đề nghị giúp đỡ.
Lúc đó, hai vợ chồng chị rất sợ, nhưng nhờ các phóng viên luôn sát cánh tư vấn, động viên, giúp đỡ nên dần dần chị hết sợ mà tự tin tiếp xúc với mọi người, thậm chí đi Nga để... lên truyền hình kể chuyện.
“Niềm vui lớn nhất của vợ chồng tôi là việc báo Tuổi Trẻ đã mời được bác sĩ Hoàng Văn Minh (Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM) tìm đến tận nhà khám và điều trị cho tôi. Khi gặp chú Minh xong thì vợ chồng tôi rất tin tưởng, yên tâm trở về quê Bến Tre sinh sống và chữa bệnh cho thuận tiện” - chị Phượng tâm sự.
Cuối tháng 10-2014, chúng tôi đến thăm nhà vợ chồng chị Phượng ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre). Ấn tượng đầu tiên không phải là căn nhà tường tươm tất, yên tĩnh hơn so với ba năm trước ở Giồng Trôm mà chính là gương mặt của chị Phượng.
Sau ba năm điều trị, da mặt hai bên má và vùng trán của chị đã căng ra, trẻ lại chứ không còn nhăn nhúm như trước. Riêng vùng miệng và cổ thì da vẫn còn bị chảy xệ khá nặng.
Anh Nguyễn Thành Tuyển - chồng chị Phượng - cười tươi: “Tui thấy vợ tui trẻ hơn ba năm trước được chút đỉnh”. Chị Phượng tiếp lời: “Còn tôi thấy bệnh đã thuyên giảm được 40-45%.
Trước đây tôi hay bị đau dạ dày và chóng mặt, không làm việc nặng được. Bây giờ thì sức khỏe như hồi con gái vậy, không còn chóng mặt hay đau dạ dày nữa. Mới hôm rồi đi Sài Gòn khám bệnh, tôi có hỏi chú Minh bệnh của tôi có trị được không, chú bảo chắc chắn trị được, chỉ một thời gian nữa là sẽ khỏi. Nghe vậy vợ chồng tôi mừng lắm.
Tôi đã uống thuốc ròng rã suốt ba năm với hơn 1.000 ngày rồi. Uống thêm vài năm nữa mà hết bệnh thì tôi cũng sẽ ráng”.
Hơn một năm trước, người anh cả của anh Tuyển đã đi Bình Phước lập nghiệp nên giao lại căn nhà cho hai vợ chồng chị Phượng ở và trông coi giùm. Anh Tuyển vốn là một thợ mộc lành nghề lại chịu khó nên khi chuyển về nơi ở mới anh vẫn có việc để làm thường xuyên.
Hằng ngày, anh chạy xe máy đi các huyện lân cận để sửa và làm đẹp bàn ghế, tủ, giường bằng gỗ cho khách hàng. Thu nhập từ nghề thợ mộc không ổn định, nhưng anh luôn dành riêng một phần để đưa vợ đi tái khám, mua thuốc hằng tháng - hơn 1 triệu đồng.
Suốt ba năm qua bác sĩ Minh đều khám bệnh miễn phí cho chị Phượng. Thời gian đầu nằm viện thì được các nhà hảo tâm và Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM hỗ trợ chi phí. Nhưng vài tháng sau đó thì vợ chồng chị tự lo tiền thuốc men điều trị cho đến bây giờ.
Chị Phượng cho biết thời gian qua chị được rất nhiều đoàn bác sĩ nước ngoài khám nhưng chị tin tưởng, yên tâm khi được bác sĩ Hoàng Văn Minh khám và điều trị.
Có một đoàn bác sĩ người Trung Quốc đến tận Bến Tre tìm và đề nghị đưa chị sang đó để phẫu thuật căng da cho gương mặt trở lại bình thường. Tuy nhiên, chị đã từ chối vì biết rằng phẫu thuật không phải là giải pháp tốt nhất mà phải điều trị từ gốc, nếu hết bệnh thì sẽ hết hẳn.
Mới đây một nữ bác sĩ người Mỹ khi khám cho chị xong có nói rằng phần da bị nhăn ở vùng miệng và cổ quá nhiều, nên có thể phải phẫu thuật kết hợp với phác đồ điều trị của bác sĩ Minh.
Chị Phượng trước và... - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
...sau khi bị bệnh - Ảnh: Ngọc Hậu |
Chờ hết bệnh để có con
Do sức khỏe vợ đã tốt hơn trước rất nhiều nên anh Tuyển cũng yên tâm khi đi làm xa nhà. Chị Phượng lo công việc nội trợ và chăm sóc thêm bầy vịt, mấy con gà.
Chị kể hơn một năm qua chị chạy xe máy đi chợ hay đi quanh quanh xóm giao tiếp với mọi người một cách bình thường, không còn mặc cảm nữa.
Bất giác nhìn ra đường thấy một người phụ nữ chở con đi ngang, giọng chị Phượng chùng xuống: “Tôi thèm một đứa con lắm. Bệnh thì tôi không lo lắm đâu. Động lực lớn nhất để tôi uống thuốc mỗi ngày chính là câu nói của chú Minh. Hôm rồi trong lúc khám bệnh, không hiểu sao tự nhiên chú Minh hỏi vợ chồng tôi muốn có em bé chưa. Nếu muốn thì chú sẽ thay đổi thuốc để có em bé. Bệnh của tôi vẫn có con bình thường.
Chắc là chú biết vợ chồng tôi đang rất mong có em bé nên mới hỏi vậy. Tôi với anh Tuyển hỏi bệnh của tôi điều trị bao lâu nữa sẽ hết, chú Minh bảo không lâu nữa đâu. Nghe vậy, tôi mới nói ráng trị bệnh xong rồi có em bé luôn”.
Anh Tuyển thổ lộ: “Tui năm nay đã 38 tuổi rồi, còn Phượng đã 29 tuổi. Nếu có con lúc này thì rất tốt. Nhưng nghe bác sĩ Minh nói thời gian Phượng điều trị khỏi bệnh không còn lâu nên vợ chồng tui quyết định chờ hết bệnh rồi có em bé luôn. Bây giờ Phượng vẫn còn uống thuốc hằng ngày, thế nào cũng ảnh hưởng đến em bé nên ráng chịu đựng. Thấy Phượng thèm con, hay đi quanh xóm tìm nựng con nít, tui đau lòng lắm. Hi vọng chừng 2-3 năm nữa vợ chồng tui cũng sẽ có con mà ẵm bồng như người ta”.
Nghe chồng nói đến chuyện con cái, nét mặt chị Phương tươi rói trở lại. Chị kể hễ thấy mấy người hàng xóm ẵm con đi chơi gần nhà là chị chạy ra “mượn” ẵm một chút để... hôn cho đã!
“Mấy chị hàng xóm biết tôi bệnh chưa có con được nên thông cảm, chia sẻ nhiều lắm. Họ không xa lánh, không sợ mà đưa con cho tôi ẵm để hôn đã đời luôn”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận